Trong giai đoạn nước rút thi vào lớp 10 hay kỳ thi THPT Quốc gia, phụ huynh nào cũng lo lắng con “lao tâm, khổ tứ” với thi cử. Tuy nhiên, việc chăm sóc thái quá của phụ huynh đôi khi “làm hại” các sĩ tử.
Tránh xa cà phê, nước tăng lực
Dù gần đến kỳ thi nhưng anh Nguyễn Thành Trung (Ba Đình, Hà Nội) rất lo lắng khi thấy con hay than “mất ngủ, đau đầu”. Lần hỏi mãi, anh mới biết do suốt tháng qua, gần như tối nào cậu con trai đang học lớp 9 chuẩn bị thi vào lớp 10 cũng dùng cà phê để thức khuya ôn bài. “Có thể điều đó khiến cháu ít ngủ nên đau đầu, tuy nhiên cháu cũng chia sẻ ở lớp rất nhiều bạn cũng thường dùng cà phê và nước tăng lực để tỉnh táo thức học bài”, anh Trung cho biết.
Chia sẻ về điều này, BS. Nguyễn Trọng Hưng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, việc sử dụng chất kích thích (trà, cà phê, nước tăng lực…) để thức đêm ôn tập cần loại bỏ, bởi những chất kích thích mạnh chỉ mang lại hiệu quả tạm thời, dễ gây ra ảo giác, không có lợi cho trí nhớ. Những chất này còn làm tim đập nhanh, đi tiểu nhiều gây mất nước, mất ngủ, nhức đầu, có hại cho não và ngăn quá trình hấp thụ canxi vào cơ thể.
Cùng quan điểm, ông Trương Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam từng chia sẻ với PV Báo Giao thông: “Để cải thiện tình hình học tập, nhiều học sinh và phụ huynh đã tìm đến các chất kích thích như cà phê, trà xanh hay các loại thuốc được cho là tăng cường trí nhớ, bổ não. Tuy nhiên, sự thật là chưa có loại thuốc nào có thể giúp học sinh tăng trí nhớ hay tăng khả năng học tập cả. Về mặt khoa học, việc phải ghi nhớ kiến thức là sự tích lũy trong quá trình học tập lâu dài, chứ không trông chờ vào việc dùng các loại thuốc bổ trong vài ngày, vài tuần mà có kết quả như mong muốn. Trên thị trường có những loại thuốc bổ não, điều trị sự suy giảm trí nhớ nhưng chủ yếu dành cho người già, người bị đột quỵ, chấn thương sọ não, Alzheimer...”.
Bồi bổ dinh dưỡng sao cho đúng?
BS. Nguyễn Trọng Hưng chia sẻ, nhiều cha mẹ có quan niệm “ăn nhiều đạm mới đủ năng lượng để học tập”, nên bữa ăn dành cho con đủ “các món thịt, ninh nấu cầu kỳ”. Tuy nhiên, đó chính là quan niệm sai lầm, bởi nếu ăn quá nhiều các loại thức ăn bổ dưỡng, đặc biệt là các loại thịt, các con sẽ bị thiếu chất xơ, thiếu các loại vitamin, trong khi lại có thể bị thừa chất, thừa năng lượng do bổ sung quá nhiều thịt. Ngoài ra, các con còn có thể bị đầy bụng, cơ thể thường có cảm giác nặng nề, khó tiêu, mất cân bằng dinh dưỡng.
Trong quá trình ôn thi, não hoạt động rất nhiều, muốn đạt hiệu quả thì sẽ phải bổ sung các chất dinh dưỡng nhiều hơn bình thường, các bậc phụ huynh có thể lên chế độ ăn thích hợp mỗi ngày, không để tình trạng ăn quá no, quá nhiều chất đạm để tránh việc cơ thể phải tập trung vào vấn đề tiêu hóa.
Theo ông Hưng, phải luôn đảm bảo đủ 4 nhóm chất là đạm, béo, tinh bột, vitamin và khoáng chất. Đặc biệt, việc cung cấp đủ vitamin cho các sĩ tử lúc ôn thi là vấn đề rất quan trọng. Vì vitamin là thành phần cần thiết bắt buộc trong khẩu phần để đảm bảo chuyển hóa và các hoạt động bình thường của cơ thể, đặc biệt là các hệ thống thần kinh trung ương, tim mạch, tiêu hóa và nội tiết.
Cụ thể, nên cho trẻ nên ăn nhiều ngũ cốc vào buổi tối giúp cho tinh thần thoải mái, dễ đi sâu vào giấc ngủ. Bổ sung thêm các axit béo omega 3, omega 6 có trong các loại cá béo: cá hồi, cá thu, cá trích, cá mòi… hay trong các hạt nhiều dầu như hạt bí đỏ, hướng dương, mè và dầu thực vật. Vitamin và khoáng chất gồm các vitamin nhóm B có trong ngũ cốc nguyên hạt và các loại rau, vitamin C, acid folic, magie, mangan và kẽm có trong hàu và các loại hạt, rau màu xanh đậm... Ngoài ra, cha mẹ nên cho các con ăn đầy đủ thực phẩm giàu chất sắt có nhiều trong gan, thịt, trứng, cá, rau xanh để không bị thiếu máu dẫn đến mệt mỏi, dễ buồn ngủ trong giờ học. Chất sắt từ nguồn thức ăn động vật sẽ hấp thu tốt hơn thực vật. Lưu ý, cùng với việc ăn thực phẩm có chất sắt nên bổ sung vitamin C từ trái cây như bưởi, cam… sẽ giúp hấp thu tốt chất sắt.
Bên cạnh chế độ dinh dưỡng hợp lý, nghỉ ngơi, ngủ đủ giấc là điều quan trọng để sĩ tử đủ tỉnh táo tăng hiệu quả học tập. Do vậy, sĩ tử cần loại bỏ thói quen không tốt như thức khuya, lười vận động, thường xuyên xem tivi khuya, ngủ trưa quá dài, dùng điện thoại liên tục... sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của bộ não.
“Ôn bài kết hợp với nghỉ ngơi hợp lý trước và trong kỳ thi sẽ giúp các em xua tan mệt mỏi và chuẩn bị năng lượng cho kỳ thi tốt nhất. Tránh học liên tục, cần nghỉ ngơi sau một giờ học, giúp tăng khả năng tập trung, thư giãn đầu óc. Cha mẹ cũng không nên quá áp lực mà thay vào đó nên trở thành điểm tựa cho con, thường xuyên động viên, chia sẻ những khó khăn con đang phải đối mặt”, BS. Sơn cho biết.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận