Xã hội

Những quy định phòng chống dịch Covid-19 gây tranh cãi ở Hà Nội năm 2021

31/12/2021, 06:45

Liên tục thay đổi mẫu giấy đi đường; F1 cách ly ở nhà phải xin phép hàng xóm... là những quy định gây tranh cãi trong năm 2021 ở Hà Nội.

Năm 2021, cũng như nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước, Hà Nội chịu tác động lớn bởi dịch Covid-19, đặc biệt trước làn sóng thứ 4 của đại dịch toàn cầu này.

Trước diễn biến phức tạp, TP Hà Nội đã có nhiều quyết sách phòng chống dịch phù hợp, được người dân ủng hộ, qua đó góp phần kiểm soát được dịch Covid-19. Tuy nhiên, bên cạnh đó, vẫn còn những quyết định về phòng chống dịch Covid-19 gây tranh cãi.

2 tháng, 5 lần thay đổi quyết định về mẫu giấy đi đường

Trong 4 đợt giãn cách xã hội vì Covid-19 (từ cuối tháng 7 đến cuối tháng 9/2021), Hà Nội đã 5 lần thay đổi phương thức cấp giấy đi đường.

img

Hà Nội có thời điểm thay đổi liên tục quy định giấy đi đường (Ảnh: Phùng Đô)

Cụ thể, ngày 29/7, Hà Nội lần đầu ban hành mẫu giấy đi đường, sử dụng thống nhất toàn thành phố.

Đến ngày 8/8, thành phố thông báo điều chỉnh quy định cấp giấy, yêu cầu một số trường hợp cần có xác nhận của uỷ ban phường và cơ quan, thêm lịch trực, lịch làm việc. Tuy nhiên, sau một ngày, quy định này bị hủy bỏ.

Ngày 3/9, Công an TP Hà Nội thông báo sẽ chủ trì cấp giấy đi đường có mã QR, thực hiện từ ngày 6/9. Tuy nhiên, thủ tục đáp ứng cần nhiều giấy tờ và cách thức lòng vòng, chưa rõ tiêu chí xét duyệt.

Tối 7/9, Hà Nội bất ngờ cho phép người dân được dùng cả giấy mẫu mới lẫn cũ. Đến ngày 21/9, Hà Nội chính thức không áp dụng giấy đi đường.

Cảnh tượng tắc đường, người dân phải xếp hàng xin giấy đi đường trong khi thành phố thực hiện việc giãn cách xã hội, rồi những quy định liên quan đến giấy đi đường "chưa kịp hiểu để triển khai đã thay đổi" gây phiền phức cho người dân và doanh nghiệp trên địa bàn Thủ đô.

Treo biển trước cửa nhà người về từ TP.HCM

Ngày 12/10/2021, Sở Y tế Hà Nội ra văn bản hỏa tốc gửi các quận, huyện về việc phối hợp thực hiện công tác y tế đối với việc thí điểm mở đường bay nội địa thường lệ đi và đến Hà Nội.

img

Quy định treo biển "Gia đình có người theo dõi sức khỏe phòng chống dịch Covid-19" từng gây tranh cãi ở Hà Nội (Ảnh: Phùng Đô)

Theo đó, Sở Y tế Hà Nội đề nghị treo biển "Gia đình có người theo dõi sức khỏe phòng chống dịch Covid-19" trước nhà của những người trở về từ các vùng có dịch như TP HCM, Đà Nẵng… nhằm tăng cường giám sát, phòng chống dịch Covid-19.

Ngay sau đó, đa số ý kiến bày tỏ sự không đồng tình, thậm chí bức xúc, bất bình. Những ý kiến này lo ngại việc làm này có thể gây hoang mang, tổn hại tinh thần, dẫn tới sự kỳ thị, phân biệt.

Trước những ý kiến trái chiều, đại diện TP Hà Nội đã lên tiếng phản hồi cho rằng việc treo biển trước cửa nhà người về từ vùng có dịch chỉ là đề nghị, không bắt buộc nhằm theo dõi sức khỏe người dân, tăng cường giám sát cộng đồng chứ không phải là siết chặt về mặt y tế hay quản lý.

Cách ly người đã tiêm đủ vaccine hoặc F0 khỏi bệnh

Ngày 16/11/2021 Chủ tịch UBND TP Hà Nội ban hành Công điện số 23/CĐ-UBND về việc tăng cường, kiểm soát người từ các tỉnh, thành phố khác đến/về Hà Nội.

Theo đó, công điện yêu cầu cách ly tại nhà hoặc nơi lưu trú đối với người đã tiêm đủ vaccine hoặc khỏi bệnh từ tỉnh, thành có nguy cơ cao như: TP.HCM, Bình Dương, Long An, Đồng Nai.

img

Trung tuần tháng 11/2021, Hà Nội yêu cầu cách ly tất cả những người về từ TP.HCM và các tỉnh phía nam (Ảnh: Phùng Đô)

Sau khi Công điện được ban hành đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều, đa phần cho rằng điều này là không cần thiết và ảnh hưởng việc đi lại của người dân.

Sau đó 2 ngày (tức ngày 18/11/2021), Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh đã ban hành công điện số 24/CĐ-UBND về việc triển khai, giám sát, xét nghiệm các trường hợp có nguy cơ cao từ các địa bàn có dịch trở về Hà Nội.

Công điện này đã bãi bỏ các quy định cách ly tại nhà hoặc nơi lưu trú đối với người đã tiêm đủ vaccine hoặc khỏi bệnh từ tỉnh, thành có nguy cơ cao như: TP. HCM, Bình Dương, Long An, Đồng Nai.

F1 cách ly ở nhà (chung cư) phải xin phép hàng xóm

Về việc thực hiện cách ly F1 Covid-19 tại nhà, ngày 17/11/2021, trao đổi với báo chí, một lãnh đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội cho biết, riêng những người ở chung cư muốn được cách ly ở nhà thì cần phải được sự đồng ý của những gia đình bên cạnh.

img

Quy định "F1 cách ly ở nhà (chung cư) phải xin phép hàng xóm" được nhiều chuyên gia và người dân cho rằng không phù hợp (Ảnh: Phùng Đô)

Sau khi thông tin này được đăng tải, nhiều ý kiến của người dân và các chuyên gia cho rằng, quy định này chưa phù hợp, "trao quyền" cho "hàng xóm" quá lớn trong phòng chống dịch Covid-19.

Ngay sau đó, bà Trần Thị Nhị Hà - Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, thành phố không có chủ trương kể trên, và không có bất kỳ văn bản nào quy định nội dung này.

F0 điều trị tại nhà, nhưng F1 ở 4 quận lõi trung tâm đi cách ly tập trung

Ngày 19/11/2021, UBND TP Hà Nội ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện các ly y tế tại nhà cho đối tượng tiếp xúc gần (F1) và cả F0 không có triệu chứng, không có bệnh nền, đã tiêm đủ 2 mũi vaccine.

Theo đó, những F1, F0 đủ điều kiện (cơ sở vật chất phòng ngủ, phòng vệ sinh, sức khỏe…) sẽ được cách ly tại nhà. Tuy nhiên, riêng 4 quận trung tâm (Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa và Hai Bà Trưng) không được thực hiện việc cách ly F1, F0 tại nhà.

TP Hà Nội lý giải, 4 quận lõi của Hà Nội này có mật độ dân cư đông đúc, có nhiều cơ quan chính trị, hành chính nên mới không cho cách ly F0, F1 tại nhà (cách ly tập trung). Điều này dẫn tới, F1 ở 4 quận trung tâm thì đi cách ly tập trung, trong khi F0 ở các quận, huyện khác tại toàn TP Hà Nội có thể điều trị tại nhà.

img

Hà Nội từng không cho phép người F1 ở 4 quận nội thành cách ly ở nhà

Sau khi quy định này được ban hành, cũng gây sự tranh cãi. Một số ý kiến chuyên gia cho rằng, mật độ dân cư và lý do khác sẽ không ảnh hưởng đến việc cách ly F1 tại nhà. Và rất nhiều ý kiến của người dân ở các quận trung tâm này mong muốn F1 được cách ly tại nhà.

Sau đó, ngày 2/12/2021, Chủ tịch UBND TP Hà Nội ban hành công điện số 26/CĐ-UBND cho phép tất cả 30 quận, huyện trên địa bàn thành phố được cách ly F1 tại nhà khi đủ điều kiện.

Cách ly tập trung người nhập cảnh từ các nước có Omicron

Ngày 27/12, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Chử Xuân Dũng đã ký ban hành văn bản số 310 kế hoạch ứng phó với biến thể Omicron trên địa bàn thành phố.

img

Sau 3 ngày yêu cầu cách ly tập trung người nhập cảnh từ các nước có chủng Covid-19 Omicron, Hà Nội đã đã bỏ quy định này (Ảnh: Phùng Đô)

Theo đó, Hà Nội sẽ cách ly tập trung người nhập cảnh đến từ các quốc gia đã ghi nhận biến chủng Omicron, bất kể đã tiêm đủ mũi vaccine ngừa Covid-19 hoặc đã mắc bệnh và đã khỏi.

Quy định này của UBND TP Hà Nội yêu cầu cao hơn, sai quy định chung của Bộ Y tế (cách ly tại nhà với người nhập cảnh đã tiêm đủ mũi, nhập cảnh vào làm việc dưới 14 ngày và đã tiêm đủ mũi không phải cách ly y tế), gây nên nhiều ý kiến trái chiều khi Hà Nội "một mình một kiểu".

Cuối giờ chiều nay (30/12), trao đổi với Báo Giao thông, đại diện Cục Hàng không Việt Nam cho biết, Bộ GTVT vừa có buổi làm việc với UBND TP. Hà Nội về việc mở lại đường bay quốc tế.

"Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cho biết đã quyết định huỷ bỏ văn bản số 310 ngày 27/12/2021”, đại diện Cục Hàng không Việt Nam thông tin.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.