Chủ đầu tư thiếu đôn đốc, điều hành quyết liệt
Đầu năm 2020 dự án thành phần 2 thuộc dự án cải tạo, nâng cấp các đoạn xung yếu trên QL 24 trên địa bàn tỉnh Kon Tum có chiều dài hơn 31km được triển khai thi công và dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối năm nay.
Đây là dự án nằm trong danh mục dự án quan trọng, cấp bách được Ủy ban thường vụ Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 556 năm 2018 và được Bộ GTVT giao Sở GTVT Kon Tum làm chủ đầu tư.
Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông (Bộ GTVT) cho biết, đơn vị thường xuyên bám sát, đôn đốc chủ đầu tư triển khai thi công dự án để đảm bảo hoàn thành đúng tiến độ. Tuy vậy, đến nay còn 2/3 gói thầu dự án có dấu hiệu chậm trễ, kết quả giải ngân thấp hơn nhiều so với bình quân các dự án của ngành GTVT.
Dự án cải tạo, nâng cấp QL24 qua Kon Tum đang bị chậm tiến độ - Ảnh: Huỳnh Đại
Cụ thể, đến giữa tháng 8/2021, gói thầu số 4, 5 của dự án này mới đạt hơn 42 - 43% giá trị hợp đồng, tiến độ thực tế theo kế hoạch vài tuần gần đây cũng đạt rất thấp. Kết quả trên cho thấy tồn tại một số vấn đề trong công tác lập kế hoạch thi công chi tiết và điều hành thi công trên công trường, tiềm ẩn nguy cơ không hoàn thành đúng tiến độ dự án. Nguyên nhân do Sở GTVT Kon Tum chưa có các động thái quyết liệt trong công tác điều hành chỉ đạo thi công.
Trước tình hình trên, Bộ GTVT vừa có văn bản yêu cầu Sở GTVT Kon Tum bố trí lãnh đạo phụ trách dự án và cán bộ kỹ thuật thường xuyên bám sát hiện trường để chỉ đạo, đẩy nhanh tiến độ. Đồng thời, lập kế hoạch giải ngân chi tiết từng tháng, chủ động các giải pháp khắc phục để đáp ứng tiến độ giải ngân vốn theo kế hoạch đã đề ra.
Không riêng dự án trên, hiện khá nhiều dự án công trình giao thông sử dụng vốn ngân sách Trung ương, được Bộ GTVT giao cho Sở GTVT địa phương làm chủ đầu tư đang chậm tiến độ, kết quả giải ngân thấp.
Tại cuộc họp giao ban trực tuyến ngày 27/8 của Bộ GTVT, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết đang tập trung chỉ đạo, đẩy nhanh tiến độ giải ngân các dự án giao thông trọng điểm. Tuy nhiên, hiện khá nhiều dự án do Sở GTVT làm chủ đầu tư có kết quả giải ngân thấp hơn so với tỷ lệ giải ngân bình quân chung, gây ảnh hưởng đến kết quả giải ngân vốn đầu tư công của ngành GTVT.
Sắp tới, Bộ GTVT thành lập Tổ công tác đặc biệt để kiểm tra, chấn chỉnh và xử lý trách nhiệm lãnh đạo chủ đầu tư, đơn vị thi công dự án có tiến độ giải ngân chậm.
Có thể kể đến như tại Hải Dương, năm 2020, dự án cải tạo, nâng cấp cải tạo QL37 tiếp tục được bố trí vốn để hoàn thành. Song đến nay, tại gói thầu chính (Km34+800-Km47+888) đang chậm tiến độ do vẫn còn một số vị trí chưa giải phóng xong mặt bằng, thời tiết bất lợi. Trong khi đó, nhà thầu thiếu nhân lực, chưa chủ động nguồn vật liệu.
Hay dự án Nút giao lập thể Ba Hàng (giao Đường 390 của địa phương và QL5) dự kiến hoàn thành trong giai đoạn 2016-2020, nhưng hiện vẫn dở dang do chưa hoàn thành giải phóng xong 2,7km mặt bằng.
Tương tự, dự án cải tạo, nâng cấp 21km tuyến QL25 do Sở GTVT Gia Lai làm chủ đầu tư cũng có 2/4 gói thầu bị chậm tiến độ, tiến độ giải ngân thấp. Hiện các gói thầu trên đang được gia hạn thi công đến giữa tháng 10/2021, nhưng theo Vụ Kế hoạch - Đầu tư, Bộ GTVT, dù tiến độ có chuyển biến nhưng vẫn chậm. Nguyên nhân chủ yếu do nhà thầu chưa quyết liệt tổ chức thi công.
Vì vậy, Bộ GTVT đã yêu cầu chủ đầu tư tập trung chỉ đạo nhà thầu thi công quyết liệt để bù lại khối lượng chậm, bảo đảm hoàn thành dự án theo tiến độ đã cam kết.
Thi công nâng cấp đoạn QL25 qua Gia Lai - Ảnh: Lê Hòa
Điểm danh các chủ đầu tư chậm giải ngân
Ông Nguyễn Danh Huy, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Đầu tư (Bộ GTVT) cho biết, dự kiến hết tháng 8/2021, ngành GTVT giải ngân vốn đầu tư công được 22.386 tỷ đồng, đạt 52% kế hoạch cả năm. Tỷ lệ này cao hơn so với bình quân chung cả nước (48,4%) và cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, giá trị giải ngân chủ yếu vẫn là ứng hợp đồng, thanh toán nợ đọng, thu hồi vốn ứng trước. Phần giải ngân khối lượng thi công còn thấp.
Đáng chú ý, hiện khá nhiều dự án do các Sở GTVT làm chủ đầu tư có tỷ lệ giải ngân thấp hơn nhiều so với tỷ lệ bình quân chung, gây ảnh hưởng đến kết quả giải ngân chung vốn đầu tư công.
Cụ thể, trong số 36 Sở GTVT được giao làm chủ đầu tư các dự án đầu tư công trình giao thông sử dụng nguồn vốn ngân sách Trung ương, hiện có 13 địa phương có kết quả giải ngân thấp hơn bình quân chung mức 52% của toàn ngành GTVT. Đó là Sở GTVT các tỉnh: Hải Dương, Đồng Tháp, Bắc Kạn, Ninh Bình, Thanh Hóa, Kon Tum, Gia Lai, Hà Giang, Điện Biên, Yên Bái, Cà Mau, Thái Bình và Bến Tre.
Bên cạnh đó, một số chủ đầu tư chậm trễ hoàn thiện thủ tục điều chỉnh tổng mức đầu tư để giao vốn trả nợ đọng xây dựng cơ bản, như: Sở GTVT Cao Bằng (dự án cầu Nà Kạn QL4A và QL34 Khau Đồn - Nguyên Bình), Ban QLDA đầu tư xây dựng TP. Cần Thơ (dự án cải tạo, nâng cấp QL91B).
Vụ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho biết, hiện đang tham mưu lãnh đạo Bộ GTVT thành lập Tổ công tác đặc biệt để theo dõi, kiểm tra, đôn đốc các chủ đầu tư, Ban QLDA tập trung đẩy nhanh công tác giải ngân vốn đầu tư công năm 2021.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận