Thời sự Quốc tế

Những sự kiện thế giới nổi bật năm 2024

31/12/2024, 13:30

Chiến sự cũ leo thang, xung đột mới bùng nổ, chính trường thế giới biến động..., những diễn biến này đưa tình hình thế giới năm 2024 đi theo chiều hướng phức tạp khôn lường.

Ông Donald Trump tái đắc cử Tổng thống Mỹ

Sau chiến thắng áp đảo trước ứng cử viên Dân chủ Kamala Harris, ông Donald Trump một lần nữa được bầu làm Tổng thống Mỹ thứ 47 với khẩu hiệu “Đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại”. Đây được coi là sự kiện quan trọng bậc nhất thế giới vì những chính sách mới của chính quyền ông Trump sẽ tác động sâu rộng đến toàn cầu.

Dự kiến chính quyền Tổng thống đắc cử Donald Trump có nhiều chính sách cứng rắn đối với nhập cư, tăng thuế nhập khẩu, giảm thuế trong nước, giảm hỗ trợ quân sự ra nước ngoài, tìm cách hòa giải xung đột quốc tế...

240117223039-trump-file-011724.jpg

Ông Donald Trump sẽ tuyên thệ nhậm chức ngày 20/1/2025, bắt đầu nhiệm kỳ Tổng thống thứ hai kéo dài 5 năm (Ảnh: CNN).

Theo Tổ chức Nghiên cứu chính sách Brookings, dòng người nhập cư vào Mỹ sẽ bị hạn chế, trong khi Mexico phải chật vật ngăn dòng người di cư và trấn áp tội phạm ma túy, nếu không sẽ chịu áp đặt mức thuế cao như một biện pháp trừng phạt. Với Trung Quốc, hàng rào thuế quan 60-100% từ Mỹ có thể gây ra cuộc chiến tranh thương mại mới giữa hai cường quốc.

Liên quan xung đột Nga - Ukraine, ông Trump có thể sẽ nỗ lực thực hiện kế hoạch hòa bình, trong đó đề cập khả năng Ukraine phải nhượng lại một phần lãnh thổ cho Nga để chấm dứt chiến sự.

Tại Trung Đông, sự trở lại của ông Trump có thể thay đổi cục diện theo hướng có lợi cho Israel và các nước vùng Vịnh, nhưng Iran được cho là sẽ phải chịu những áp lực lớn.

Với Hàn Quốc, dù ông Trump cho rằng nước này phải trả gấp 10 lần chi phí hợp tác quân sự với Mỹ, nhưng triển vọng quan hệ hai bên được đánh giá vẫn tích cực do liên minh Mỹ - Hàn Quốc là một phần quan trọng trong duy trì ảnh hưởng của Mỹ tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Xung đột Nga - Ukraine diễn biến khó lường

Năm 2024 đánh dấu tròn hơn 1.000 ngày diễn ra xung đột Nga - Ukraine. Tình hình chiến sự tiếp tục diễn biến căng thẳng khi Ukraine đẩy mạnh tấn công vào sâu trong lãnh thổ Nga, nhắm mục tiêu vào cả tướng lĩnh cấp cao của Moscow. Trong khi đó, Nga liên tục giành được bước tiến mới trên mặt trận.

Ở những tháng cuối năm, tình hình căng thẳng leo thang khốc liệt khi các bên triển khai đội hình tốt nhất có thể. Mặt khác, các nước phương Tây như Mỹ và khối EU, NATO có xu hướng đẩy mạnh viện trợ quân sự trước khi ông Trump trở thành Tổng thống Mỹ.

Trong đó, chính quyền Tổng thống Joe Biden có kế hoạch nhanh chóng giải ngân số tiền còn lại trong tổng ngân sách hơn 6 tỷ USD viện trợ an ninh cho Ukraine.

war-one-y_hpMain_20230221-151418.jpg

Những tuần cuối cùng của năm 2024, Mỹ và phương Tây có xu hướng thúc đẩy nguồn viện trợ cho Ukraine (Ảnh: ABC News)

Xung đột Nga - Ukraine đã phá hủy nhiều thành phố, làng mạc, buộc gần 7 triệu người dân Ukraine phải di tản ra nước ngoài. Ukraine ước tính cần tới 486 tỷ USD để tái thiết, phục hồi, gấp 2,8 lần so với GDP danh nghĩa năm 2023 của nước này

Cuộc xung đột còn tác động mạnh mẽ đến nền kinh tế thế giới. Trong đó, các nước châu Âu phải tìm cách thích ứng, giảm phụ thuộc vào khí đốt Nga, tìm nguồn năng lượng mới khi xuất khẩu khí đốt Nga sang châu Âu bị hạn chế và gần như đình trệ kể từ cuối năm nay, do Ukraine không gia hạn hợp đồng trung chuyển.

Trong bối cảnh bị phương Tây cô lập, Nga tăng cường quan hệ với Trung Quốc, Triều Tiên và thành viên khối Hiệp ước Phòng thủ Tập thể CSTO, tích cực đóng góp vào sự mở rộng, phát triển của khối BRICS.

Theo tạp chí The Economist, tình hình chiến sự trong năm 2025 có thể sẽ lắng xuống khi xung đột sắp bước sang năm thứ 4. Cả hai bên đều gặp những khó khăn nhất định ở bối cảnh đất nước trong tình trạng xung đột, còn việc chấm dứt xung đột, giảm viện trợ cho Ukraine là ưu tiên hàng đầu với chính quyền Tổng thống đắc cử Trump.

“Chảo lửa” Trung Đông nóng rực

Năm 2024 chứng kiến căng thẳng leo thang đến đỉnh điểm giữa Israel và lực lượng Hamas, Hezbollah. Với chiến dịch quân sự ở Gaza và Lebanon, Israel đã hạ sát nhiều thủ lĩnh, chỉ huy cấp cao của hai lực lượng này. Dải Gaza bị rơi vào cuộc khủng hoảng nhân đạo thảm khốc.

Trong khi đó, Israel và Iran liên tiếp có những màn trả đũa vũ trang qua lại lẫn nhau, khiến tình trạng đối địch giữa hai quốc gia càng thêm nghiêm trọng.

palestinians-evacuate-the-area-following-an-israeli-airstrike-on-the-sousi-mosque-in-gaza-city-on-october-9-2023-photo-mahmud-hamsgetty-images.jpg

Chiến dịch quân sự của Israel tại Dải Gaza đã khiến cuộc khủng hoảng nhân đạo tại khu vực này thêm trầm trọng (Ảnh: AFP).

Tình hình chiến sự gây ra cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng bậc nhất tại Dải Gaza và nhiều khu vực.

Hơn 46.000 người Palestine đã thiệt mạng, hầu hết người dân Gaza phải rời bỏ nhà cửa, sống trong cảnh đói khát, thiếu thuốc men và hỗ trợ y tế. 

Hơn 50% tòa nhà dân cư, 80% cơ sở thương mại, 88% trường học đã bị phá hủy. Viện trợ nhân đạo liên tục bị gián đoạn vì giao tranh ác liệt.

Giới chuyên gia nhận định, căng thẳng leo thang tại Trung Đông có thể đe dọa đến nền kinh tế toàn cầu khi phá vỡ chuỗi cung ứng quốc tế và làm gián đoạn nguồn cung ứng dầu mỏ.

Thực tế vào đầu năm 2024, khi lực lượng Houthi tăng cường tấn công tàu thương mại được cho là liên quan Israel và Mỹ trên biển Đỏ, nhiều đơn vị vận tải phải đổi lộ trình qua mũi Hảo Vọng (Nam Phi) dài gấp gần 2 lần, đẩy chi phí logistics và bảo hiểm tăng cao.

Căng thẳng leo thang trên bán đảo Triều Tiên

Sau khi Hàn Quốc công bố Sách Trắng Quốc phòng, trong đó coi chính quyền Triều Tiên "là kẻ thù", Bình Nhưỡng cũng đáp trả với tuyên bố giải thể những cơ quan thúc đẩy hợp tác hai miền, coi Hàn Quốc là quốc gia thù địch, loại bỏ những khái niệm hòa giải, thống nhất hai miền bán đảo.

Hai bên liên tục cáo buộc nhau có hành vi gây leo thang căng thẳng dọc biên giới, đe dọa trả đũa lẫn nhau.

-1x-1_11zon (2).jpg

Hai bên liên tục có những động thái quân sự mới trên bán đảo Triều Tiên. Trong ảnh là vụ thử tên lửa hồi tháng 3/2024 của Triều Tiên (Ảnh: Thông tấn xã Trung ương Triều Tiên).

Tình hình càng căng thẳng khi Triều Tiên tăng cường năng lực phát triển vũ khí chiến lược như đầu đạn hạt nhân, tiến hành thử tên lửa rầm rộ trong năm qua khiến Hàn Quốc và đồng minh Mỹ lo ngại.

Trái lại, hàng loạt cuộc tập trận chung giữa Hàn Quốc và Mỹ với nhiều khí tài hiện đại trong năm qua bị Bình Nhưỡng coi là hành động khiêu khích, gây căng thẳng.

Trong tương lai gần, khó để thấy được triển vọng hòa giải trên bán đảo Triều Tiên khi hai bên vẫn giữ thái độ, hành xử thù địch, đối đầu lẫn nhau. Hơn nữa vừa qua, Triều Tiên và Nga không ngừng thắt chặt quan hệ, còn Hàn Quốc và Mỹ tiếp tục củng cố liên minh bền chặt.

Biến động chính trị tại Hàn Quốc

Sự kiện Tổng thống Yoon Suk Yeol ban bố thiết quân luật hôm 3/12 khiến nước này rơi vào khủng hoảng chính trị nghiêm trọng nhất sau hơn ba thập kỷ. Nhiều quan chức cấp cao, trong đó có cựu Bộ trưởng Quốc phòng, đã từ chức hoặc bị bắt giữ để điều tra.

Trong khi đó, Tổng thống Yoon và quyền Tổng thống Han Duck-soo bị Quốc hội bỏ phiếu đề xuất luận tội, tạm thời bị đình chỉ quyền lực.

npr.brightspotcdn.jpg

Vụ áp đặt thiết quân luật tại Hàn Quốc gây ảnh hưởng nghiêm trọng tình hình ổn định chính trị xã hội, kinh tế và hình ảnh Hàn Quốc trên trường quốc tế (Ảnh: AFP).

Chuyên gia quốc tế đánh giá khủng hoảng chính trị vừa qua một mặt ngay lập tức tạo ra những biến động tiêu cực, bất ổn chính trị trong xã hội Hàn Quốc nói riêng và bán đảo Triều Tiên nói chung.

Mặt khác, sự kiện tác động đến nền kinh tế quốc gia khi giá trị giao dịch đồng won và chỉ số chứng khoán giảm mạnh, buộc các cơ quan sẵn sàng triển khai biện pháp ổn định nền kinh tế như thanh khoản không giới hạn.

Về dài hạn, nó còn tác động đến uy tín, vị thế của Hàn Quốc đối với doanh nghiệp, nhà đầu tư quốc tế.

Đối với quốc tế, khủng hoảng chính trị do thiết quân luật tại Hàn Quốc ảnh hưởng nỗ lực thúc đẩy ngoại giao đa phương và quan hệ đồng minh Hàn Quốc - Mỹ, nhất là khi thiết quân luật được ban bố mà quân đội Mỹ không được thông báo từ trước và khi mối quan hệ giữa Hàn Quốc, phương Tây được tạo dựng từ những giá trị dân chủ có phần tương đồng nhau.

Chính biến tại Syria

Kể từ cuối tháng 11/2024, lực lượng đối lập do nhóm HTS dẫn đầu ở Syria bất ngờ nổi dậy, liên tiếp giành quyền kiểm soát nhiều đô thị lớn ở Syria.

Đến ngày 8/12, lực lượng này đã kiểm soát Damascus, buộc Tổng thống Bashar al-Assad phải chuyển giao quyền lực, kết thúc hơn 20 năm lãnh đạo đất nước.

AP24345512360375-e1733875046440_11zon.jpg

Cựu Tổng thống Bashar al-Assad đã chuyển giao quyền lực trong hòa bình cho lực lượng đối lập do nhóm HTS dẫn đầu (Ảnh: AP).

Sự sụp đổ của chính quyền ông Assad sẽ để lại khoảng trống quyền lực tạm thời tại Syria, tạo ra nguy cơ tranh giành quyền lực giữa các phe phái, trong đó có lực lượng Hayat Tahrir al-Sham hiện giữ vai trò chỉ huy, lực lượng người Kurd kiểm soát vùng Đông Bắc và cả sự hiện diện của nhóm khủng bố IS. Do đó, tương lai của Syria còn phụ thuộc quá trình chuyển tiếp diễn ra ổn định, hòa bình hay không.

Chính biến cũng tạo động lực để hàng triệu người tị nạn Syria trở về đất nước sau nhiều năm lưu lạc ở khắp nơi, chủ yếu là châu Âu, Ai Cập, Jordan, Thổ Nhĩ Kỳ... Tuy nhiên, cộng đồng quốc tế cần phải vào cuộc để hỗ trợ hành trình hồi hương đầy chông gai của họ.

Bên cạnh đó, sự sụp đổ của chính quyền Assad tác động đến ảnh hưởng của Nga tại Trung Đông, bởi vùng đất ven biển Địa Trung Hải của Syria là nơi thiết lập căn cứ hải quân và không quân quan trọng của Nga, đóng vai trò tiếp ứng quan trọng cho quân đội Nga với các đơn vị ở nước ngoài.

Hiện, Nga nỗ lực đàm phán với chính quyền lâm thời do nhóm HTS dẫn đầu về tương lai các căn cứ. Tuy nhiên, Nga có thể phải điều chuyển nguồn lực từ Syria trước diễn biến xung đột Nga - Ukraine ngày càng phức tạp.

Nhiệt độ toàn cầu phá kỷ lục, thiên tai khắc nghiệt

Theo Cơ quan Biến đổi Khí hậu Copernicus của EU (C3S), 2024 là năm nóng nhất lịch sử, năm đầu tiên mức tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu vượt quá 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp 1850-1900. Mức nhiệt cao bất thường trên toàn cầu dự kiến kéo dài cho đến đầu năm 2025.

Cùng với nhiệt độ tăng cao, những hình thái thời tiết khắc nghiệt tấn công khắp thế giới, như hạn hán nghiêm trọng ở Nam Mỹ và Nam Âu, lũ lụt thảm khốc ở châu Âu, Nepal và các nước Đông Nam Á, siêu bão tấn công Philippines, Việt Nam, Mỹ... khiến hàng chục nghìn người thiệt mạng.

people-carry-drinking.jpg

Sông Amazon cạn trơ đáy vào tháng 9/2024 (Ảnh: Phys).

Đây là những biểu hiện của biến đổi khí hậu ngày càng khốc liệt. Trong đó, khí thải CO2 từ việc đốt nhiên liệu hóa thạch là nguyên nhân chính khiến biến đổi khí hậu càng thêm nghiêm trọng.

Chính phủ nhiều nước đã cam kết cắt giảm khí thải, hướng tới phát thải ròng bằng 0 (Net Zero), nhưng dự kiến lượng CO2 vẫn tiếp tục tăng lên mức kỷ lục 41,6 tỷ tấn trong năm 2024, tác động nghiêm trọng tới môi trường, khí hậu.

Các tổ chức quốc tế ước tính thiên tai gây thiệt hại ít nhất 310 tỷ USD cho nền kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, hầu hết nước dễ bị tổn thương nhất do thiên tai đều là những nước nghèo ở châu Phi, Mỹ La-tinh, cùng các nước đang phát triển. Do đó, biến đổi khí hậu đang đe dọa sự tồn tại và phát triển của nhiều cộng đồng trên thế giới.

Trong năm qua, Hội nghị Thượng đỉnh về Biến đổi khí hậu COP29 đạt bước tiến mới khi các nước giàu đồng ý tăng mức đóng góp tài chính khí hậu lên 300 tỷ USD cho những quốc gia đang phát triển chuyển đổi xanh, thích ứng biến đổi khí hậu.

Tuy nhiên, con số này thấp hơn mức kỳ vọng 500 tỷ USD, khiến nhiều nước đang phát triển thất vọng, tiếp tục kêu gọi các bên nỗ lực để đạt mục tiêu tài chính khí hậu là 1.300 tỷ USD mỗi năm vào 2035.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.