Đơn hàng sụt giảm
Thông tin về kết quả hoạt động ngành dệt may năm 2023, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) Vũ Đức Giang cho hay, nửa đầu năm tình hình ảm đạm nhưng đơn hàng đã tăng tốc vào cuối năm nên nhìn chung toàn ngành vẫn có xu hướng phục hồi. Kim ngạch xuất khẩu năm 2023 đạt khoảng 40,3 tỷ USD.
Tuy nhiên, con số này còn khiêm tốn so với tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng 10% hằng năm. "Nếu như năm 2022, kim ngạch xuất khẩu đạt 44,4 tỷ USD, tăng gần 10% so với năm 2021, thì năm 2023 ghi nhận kết quả tăng trưởng âm. Nhưng đó là nỗ lực toàn ngành trong bối cảnh chung", ông Giang nói.
Năm qua, ngành dệt may phải đối diện với nhiều thách thức do tác động của tình hình kinh tế thế giới và trong nước. Vấn đề lạm phát ở các thị trường chủ lực như Mỹ, châu Âu khiến sức mua giảm, đơn hàng sụt giảm. Bên cạnh đó là lãi suất tăng cao và chênh lệch tỷ giá...
Trong một bức tranh khá ảm đạm, ông Giang cho biết vẫn xuất hiện một vài điểm sáng. Đó là xuất khẩu hàng dệt may sang một số thị trường vẫn tăng như: Nhật Bản, Austrailia, Nga, Ấn Độ...
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp dệt may cũng đã mở thêm được một số thị trường mới tại châu Phi và Trung Đông. Điều này góp phần giúp kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may không bị giảm sâu trong bối cảnh sức mua giảm mạnh…
Nỗ lực đạt 44 tỷ USD trong năm 2024
Đề ra mục tiêu cho năm 2024, VITAS cho biết, sẽ quyết tâm đạt kim ngạch xuất khẩu 44 tỷ USD (tăng 9,2% so với 2023), sau khi đánh giá những thách thức với dệt may vẫn còn rất lớn.
Ông Trương Văn Cẩm, Phó chủ tịch VITAS cho rằng, toàn ngành sẽ đối diện với hàng loạt những khó khăn từ áp dụng cơ chế EPR (trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất) và CBAM (cơ chế điều chỉnh biên giới carbon) cũng như chiến lược "thời trang bền vững" thay cho "thời trang nhanh"; chỉ thị tra soát chuỗi cung ứng của OECD của EU; Luật thẩm định chuỗi cung ứng của Đức...; đạo luật chống lao động cưỡng bức của Mỹ (UFLPA) cho ngành sợi.
Mặt khác, tăng trưởng kinh tế thế giới trong 2 năm tới còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó tâm điểm là xung đột ở khu vực Trung Đông cùng những chính sách kiềm chế lạm phát của một số nước.
Nhận định thách thức, TS Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, nhận định đơn hàng xuất khẩu sẽ còn giảm, dù đang bớt đi. Ngoài ra, chuỗi cung ứng còn rủi ro, chi phí đầu vào cao.
"Rủi ro nghĩa vụ trả nợ còn cao, rủi ro lãi suất, tỷ giá giảm. Xu hướng chuyển đổi số, kinh doanh tuần hoàn diễn ra nhanh… là những vấn đề đặt ra với dệt may thời gian tới", ông Lực cho hay.
Để đáp ứng các yêu cầu này, theo lãnh đạo VITAS, từ nay đến 2030, ngành dệt may chuyển dần từ trọng tâm phát triển nhanh sang trọng tâm phát triển bền vững, kinh doanh tuần hoàn; tập trung đầu tư sản xuất các loại nguyên liệu mới có nguồn gốc tự nhiên, thân thiện môi trường; đầu tư phát triển ngành thời trang dệt may...
Với lợi thế nằm trong top 3 quốc gia xuất khẩu dệt may lớn nhất thế giới, ngành dệt may Việt Nam còn nhiều dư địa để tăng cường hội nhập kinh tế quốc tế, mở rộng thị trường xuất khẩu.
"Các doanh nghiệp buộc phải có những thay đổi mạnh mẽ trong sản xuất. Việc ứng dụng khoa học công nghệ vào trong sản xuất đã giúp các doanh nghiệp trong ngành dệt may giảm chi phí, nâng cao năng suất, tạo ra những sản phẩm chất lượng phù hợp với xu hướng", lãnh đạo VITAS định hướng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận