Mất trắng đơn hàng
Kinh doanh ảm đạm từ quý IV năm ngoái, ông Đặng Triệu Hòa, Tổng giám đốc Công ty CP Sợi Thế Kỷ (STK) lo lắng khi tình trạng suy giảm đơn hàng vẫn chưa cải thiện.
Trong khi đó, tồn kho vẫn đang rất cao, có thương hiệu chiếm tỷ lệ hơn 40%, thậm chí có đơn vị hơn 70%.
Ngành dệt may Việt Nam đã bị mất đơn hàng vào tay Bangladesh và có thể bị quốc gia này lấy lại vị trí số 2 thế giới trong năm 2023, trong đó có nguyên nhân do chậm chuyển đổi xanh
Kết quả hoạt động kinh doanh trong quý I/2023 không khả quan, doanh thu ước khoảng 270 tỷ đồng, sụt giảm khá nhiều so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế chỉ vài tỷ đồng (kế hoạch hơn 20 tỷ đồng), ông Hòa cho biết, hiện đơn hàng suy giảm trung bình từ 20 - 40%, dự kiến quý II cũng không mấy cải thiện do các thương hiệu lớn như Nike, Adidas… không có đơn hàng nhiều.
Hiện, STK đang chuẩn bị đơn hàng cho mùa Xuân Hạ 2024, thời gian giao hàng từ tháng 6 - 11/2023, ông Hòa cho rằng, có thể việc phục hồi sẽ bắt đầu từ quý III và bình thường trong quý IV, chậm hơn một quý so với kế hoạch.
Tương tự, Tổng giám đốc Tổng công ty May 10 Thân Ðức Việt cho biết, kể cả thời điểm dịch Covid-19 bùng phát cũng không đến nỗi như bây giờ. Theo ông, đơn hàng giảm khoảng 10% trong quý I/2023, quý II giảm 20 - 30%.
“Ðiều này trái ngược so với những năm trước, khi cùng kỳ lượng đơn hàng dồi dào, máy chạy hết công suất”, ông Việt nói và cho biết, theo phản hồi của các đối tác, họ bán chậm, tồn kho cao, đặc biệt xu hướng tiêu dùng xanh khiến họ cũng phải tính toán lại nhà cung cấp.
Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cũng không ngoại lệ. Ông Vương Đức Anh, Chánh văn phòng Vinatex cho biết, đến nay dù Vinatex chưa cắt giảm công nhân, nhưng người lao động không có tăng ca. Số giờ làm thêm cũng giảm khoảng 20% so với trước.
Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), đơn hàng và đơn giá toàn ngành đều giảm tới 20 - 30%, cá biệt một số mặt hàng giá giảm tới 40 - 50%.
Đây là điều chưa từng xảy ra. Do đó, rất khó để các doanh nghiệp đạt được kế hoạch năm nay dù đã đặt mục tiêu giảm so với những năm trước đó.
Thực tế, doanh thu toàn ngành trong quý I/2023 giảm hơn 18,6%. Lũy kế 4 tháng năm 2023, xuất khẩu dệt may cả nước đạt khoảng 11,7 tỷ USD, giảm 20% so với cùng kỳ năm trước (trị giá tuyệt đối giảm gần 3 tỷ USD).
Như vậy, kể từ quý IV/2022, xuất khẩu dệt may liên tiếp tăng trưởng âm.
Trong khi đó, các nước như Trung Quốc, Ấn Độ, Bangladesh… vẫn đón nhận nhiều đơn hàng vì họ có công nghệ cao, có vùng nguyên liệu và thực hiện được tiêu chí xanh nên không bị ảnh hưởng nhiều.
Đơn cử, xuất khẩu hàng dệt may của Bangladesh trung bình mỗi tháng đạt khoảng 3,5 tỷ USD, thì quý IV/2022 và quý I/2023 đều đạt từ 4,5 - 4,8 tỷ USD/tháng, riêng năm 2022 lên tới 48,7 tỷ USD, vượt hơn hẳn Việt Nam ở mức 44 tỷ USD.
Thiếu chiến lược, thiếu tiền
Theo đại diện các doanh nghiệp lớn, ngành dệt may Việt Nam đã bị mất đơn hàng vào tay Bangladesh và có thể bị quốc gia này lấy mất vị trí số 2 thế giới (xếp sau Trung Quốc) trong năm 2023.
Trong đó, có nguyên nhân doanh nghiệp Việt chậm chuyển đổi xanh. Vì vậy, cần hành động ngay nếu không muốn thua cuộc.
Bộ KH&ĐT sẽ ưu tiên đẩy mạnh triển khai Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thông qua xây dựng cơ chế chính sách đầu tư, hoàn thiện chính sách, khuôn khổ pháp lý và nâng cao khả năng tiếp cận nguồn lực đầu tư.
Đặc biệt, Bộ sẽ phối hợp với các Bộ, ban, ngành và địa phương để triển khai xây dựng danh mục các dự án tăng trưởng xanh trọng điểm cũng như xây dựng và triển khai các công cụ tài chính xanh phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam và bối cảnh quốc tế mới.
Ông Lê Việt Anh, Vụ trưởng Vụ Khoa học, Giáo dục, Tài nguyên và Môi trường (Bộ KH&ĐT)
Ông Vương Đức Anh cho biết, hiện 9/10 nhà máy “xanh” của ngành dệt may lớn nhất thế giới nằm ở Bangladesh.
Đây có thể là nguyên nhân giúp cho ngành dệt may nước này tận dụng hiệu quả để khai thác cơ hội ngay cả khi nhu cầu tiêu dùng chung sụt giảm.
Để xanh hóa, Chủ tịch HĐQT Vinatex Lê Tiến Trường cho biết, phải đảm bảo 4 mục tiêu: Dùng nguồn điện năng lượng tái tạo, đổi mới máy móc với công nghệ mới, nguyên liệu phải tái chế được, quy trình sản xuất phải tuần hoàn. Để thực hiện được những mục tiêu trên, ông trăn trở: “Tiền đâu?!”.
Với nguồn điện năng lượng tái tạo, nhiều nhà máy đặt hàng yêu cầu dùng nguồn điện này trên 30% cho các công đoạn, nhưng những doanh nghiệp lớn cũng chỉ đáp ứng được 20% cho nhà máy may, còn không thể đáp ứng cho nhà máy sợi, dệt…
Bởi vậy, doanh nghiệp may đáp ứng không nổi, trừ khi Nhà nước làm điện năng lượng tái tạo đạt tỷ trọng trên và bán cho doanh nghiệp.
Với yêu cầu tái chế và tuần hoàn, hiện vẫn có 20% nguyên liệu từ sợi polyester, trong khi yêu cầu phải dùng chất liệu từ organic, bông hữu cơ. Hơn nữa, chúng ta cũng chưa xử lý được câu chuyện cái áo lúc bỏ đi thì làm gì…
“Chưa kể, cũng cần nhiều thời gian. Phải cuốn chiếu thiết bị cũ hết khấu hao thay bằng thiết bị mới. Như với Vinatex, để xanh hóa phải thực hiện mất 10 năm”, ông Trường nói.
Theo ông Nguyễn Đức Thăng, Giám đốc điều hành Tổng công ty May Đáp Cầu (xuất khẩu hàng đi Mỹ và EU) chia sẻ, doanh số đơn vị chỉ bằng 1/3 tháng bình thường trước đây.
Ông cho biết, do nguồn lực có hạn nên mỗi năm doanh nghiệp chỉ dành một khoản đầu tư nhỏ (khoảng vài tỷ đồng) để hiện đại hóa nhà xưởng, đầu tư mở rộng sản xuất, đáp ứng những tiêu chí căn bản của phát triển bền vững như bảo vệ môi trường, sử dụng lao động.
Trong khi đó, có những yêu cầu đặt hàng cho các sản phẩm sử dụng nguyên liệu tái tạo, hoặc phát triển mô hình sản xuất tuần hoàn… vẫn đang là bài toán khó. Bởi lẽ, việc sử dụng nguyên liệu tái tạo thì giờ mới nghiên cứu.
Phải xanh hóa từng phần
Nhìn vào thực tế, các doanh nghiệp dệt may cho rằng, chính sách chiến lược của Nhà nước có vai trò quan trọng, định hướng cho doanh nghiệp, còn nếu không vẫn sẽ manh mún, mạnh ai nấy làm.
Ông Trần Như Tùng, Phó chủ tịch Vitas kiến nghị, về trung, dài hạn, ngành cần hỗ trợ một phần tài chính và chuyên gia trong việc thực hiện các dự án xanh hóa như giảm nước thải, chất thải, sử dụng năng lượng tái tạo, nguyên liệu tái chế, giảm sử dụng hóa chất... để tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Để lấy lại đơn hàng, GS. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) cho rằng, không có cách nào khác là phải xanh hóa từng phần, tiến tới bài bản theo thể thống nhất, không tách rời từng ngành.
“Giờ không chỉ ngành dệt may mà một số ngành khác cũng sẽ nhanh chóng ngấm đòn khi EU áp tiêu chuẩn xanh bắt đầu từ năm 2024. Các địa phương, doanh nghiệp cần hợp tác đầu tư về tăng trưởng xanh và kinh tế số.
Vấn đề quan trọng là phân công và hợp tác trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, đầu tư, thương mại, du lịch, dịch vụ giữa các địa phương để khai thác lợi thế của cả vùng; liên kết với các vùng kinh tế trọng điểm khác để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia”, GS. Nguyễn Mại góp ý.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận