Hàng hải

Những tuyến đường sắt lớn kết nối cảng biển nào sắp được đầu tư?

28/01/2021, 15:04

Đề án Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam mới đề xuất đầu tư hàng loạt tuyến đường sắt kết nối tại 4 nhóm cảng.

img

Phương thức vận tải bằng đường sắt tại các cảng biển Việt Nam hiện nay vẫn còn rất mờ nhạt - Ảnh minh họa

Chủ yếu khai thác tuyến đường sắt kết nối cảng Hải Phòng

Cục Hàng hải VN cho biết, hiện tại, chỉ tuyến đường sắt kết nối vào cảng Hải Phòng có hoạt động để đưa hàng và rút hàng từ cảng (bến cảng Vật Cách, Hoàng Diệu, Chùa Vẽ). Tuy nhiên, hoạt động của tuyến đường sắt này không hiệu quả do giao cắt với đường bộ và đi qua trung tâm thành phố (chỉ đảm nhận xấp xỉ 1% hàng đến và đi từ cảng).

Tìm hiểu của PV Báo Giao thông, ngoài khu vực Hải Phòng, phương thức kết nối bằng đường sắt cũng được đầu tư xây dựng tại khu vực cảng Cái Lân (Quảng Ninh). Song, do dự án đầu tư kết nối toàn tuyến Yên Viên - Hạ Long - Cái Lân chưa hoàn thiện nên hoạt động khai thác đường sắt tại cảng Cái Lân lâu nay không thực hiện được.

Vì vậy, ngành Đường sắt chủ yếu chỉ khai thác kết nối đường sắt xuống cảng Hải Phòng. Khối lượng hàng hóa xếp dỡ bằng đường sắt hàng năm khoảng 1 triệu tấn.

Để giảm tải cho đường bộ, Đề án Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đang được Bộ GTVT lấy ý kiến đề xuất nghiên cứu đầu tư hàng loạt các tuyến đường sắt mới.

Đề xuất đầu tư nhiều dự án đường sắt kết nối

Cụ thể, tại Nhóm cảng biển số 1, Đề án kiến nghị sớm hoàn thành và đưa vào khai thác, sử dụng toàn tuyến đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân; hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư tuyến đường sắt từ Hà Nội đến khu bến cảng Lạch Huyện, vào khu bến cảng Đình Vũ.

Trong Nhóm cảng biển số 2 sẽ nghiên cứu đầu tư tuyến đường sắt Vũng Áng - Tân Ấp - Mụ Giạ kết nối bến cảng Vũng Áng, các tuyến kết nối tới cảng Nghi Sơn, Cửa Lò, Chân Mây.

img

Vận tải hàng hóa hiện nay chỉ đang hoạt động được tại khu vực cảng Hải Phòng với khối lượng ít ỏi khoảng 1 triệu tấn/năm - Ảnh minh họa

Đối với Nhóm cảng biển số 3, Đề án đề xuất nghiên cứu đầu tư tuyến đường sắt tuyến Tây Nguyên - Đà Nẵng kết nối tới cảng Liên Chiểu.

Tại Nhóm cảng biển số 4, nghiên cứu đầu tư tuyến đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu kết nối với tuyến đường sắt Sài Gòn - Lộc Ninh để vận chuyển hàng hóa từ khu vực Đông Nam Bộ và Tây Nguyên về khu vực Cái Mép.

Nguyên Cục trưởng Cục Hàng hải VN Nguyễn Ngọc Huệ cho biết, thời gian qua, Chính phủ rất nỗ lực nghiên cứu đầu tư phát triển và nâng cấp mạng lưới giao thông quốc gia để kết nối các cảng quan trọng với các thành phố lớn, các khu công nghiệp. Tuy nhiên, việc đầu tư chủ yếu vẫn tập trung ở các dự án đường bộ.

Theo ông Huệ, tới đây, cần tăng cường nghiên cứu các dự án đường thủy nội địa và đường sắt. Tong các phương thức vận tải, hai đường thủy và đường sắt có ưu điểm vận chuyển với khối lượng lớn, giá thành rẻ, an toàn hơn.

“Lợi thế này giúp doanh nghiệp tiết kiệm được chi phí logistics và bên cạnh đó làm giảm nhẹ gánh nặng đè lên các tuyến đường bộ và giảm ách tắc giao thông tại cảng, giảm TNGT”, ông Huệ nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.