Quản lý

Nhượng quyền thu phí cao tốc được không?

08/08/2023, 06:28

Chính phủ yêu cầu nghiên cứu việc đấu giá một số tài sản đặc thù, trong đó có quyền khai thác đường cao tốc.

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 115 về phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 7/2023.

Đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản, Chính phủ yêu cầu nghiên cứu việc đấu giá một số tài sản đặc thù, trong đó có quyền khai thác đường cao tốc.

Nhiều chuyên gia đánh giá việc này phù hợp xu thế phát triển, song cần quy định rõ quyền lợi, cách thực hiện.

Nhà nước tự thu hay nhượng quyền?

img

Việc thu phí đường cao tốc do nhà nước đầu tư để có nguồn lực phát triển hạ tầng giao thông là cần thiết (Trong ảnh: Cao tốc Mai Sơn - QL45 hiện xe lưu thông vẫn miễn phí). Ảnh: Tạ Hải.

Ủng hộ cơ chế nhượng quyền thu phí dự án đường bộ cao tốc đầu tư bằng ngân sách nhà nước, PGS. TS Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư công trình giao thông Việt Nam (Varsi) cho biết, “đầu tư công, quản lý tư” là mô hình nhiều nước đã áp dụng. Nhà nước làm đường rồi nhượng quyền thu phí cũng chính là một hình thức hợp đồng của phương thức PPP, hợp đồng kinh doanh - quản lý (O&M).

Theo ông Chủng, tại Việt Nam, TP.HCM - Trung Lương là tuyến đường bộ cao tốc đầu tiên áp dụng hình thức chuyển nhượng quyền thu phí.

Tuy nhiên, do triển khai trong bối cảnh thiếu hành lang pháp lý nên đã dẫn đến các vi phạm pháp luật.

Sau khi chấm dứt hợp đồng chuyển nhượng quyền thu phí, nguồn kinh phí phục vụ quản lý, bảo trì công trình không có nên nhiều hạng mục xuống cấp nghiêm trọng.

Phương tiện trên tuyến tăng đột biến do không bị mất phí, vận tốc lưu thông trung bình chỉ đạt 60-70km/h. Khi thu phí, phương tiện có thể lưu thông với vận tốc 100km/h.

Theo chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh, hình thức nhượng quyền thu phí không phải là mới mẻ ở Việt Nam, song chưa có khung pháp lý hoàn chỉnh cho loại hình này.

Cơ chế kiểm soát thu phí không rõ ràng nên không thể biết được chính xác lưu lượng xe qua các trạm thu phí là bao nhiêu, có gian lận hay không. Do đó, vấn đề cần giải quyết hiện nay là nâng cao tính minh bạch.

Giữa phương án nhượng quyền thu phí và nhà nước tự đứng ra thu, ông Thịnh cho rằng: “Nếu nhượng mà quy trình đơn giản, gọn nhẹ, hiệu quả thì nên xem xét.

Tuy nhiên, theo quan điểm của tôi nên để nhà nước thu, sau đó tính toán các giá trị tiệm cận thị trường thì mới xem xét việc nhượng lại cho tư nhân”.

Trong khi đó, TS Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia cho rằng, nên nhượng quyền thu phí cho tư nhân, và cho họ một mức hưởng nhất định dựa trên khoản phí thu được.

“Nhà nước sẽ quản lý tính chính xác dựa vào hệ thống điện tử, cần thiết chỉ định kiểm toán. Điều này không khó. Nhà nước không việc gì phải đầu tư thêm nhân sự để vận hành việc thu phí này”, ông nói.

Ông Nghĩa ước tính, cao tốc ít nhất 6 làn xe, mỗi trạm thay phiên 3 ca nhân sự. Như vậy, mỗi trạm cần vài chục người, chi phí nhân công này rất lớn.

Đại biểu Quốc hội Trần Văn Lâm, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách cũng bày tỏ: “Việc nhượng quyền thu phí là phù hợp, nhưng cần tính toán mức giá hợp lý, đảm bảo thu hồi được vốn đầu tư nhưng cũng phù hợp với chi phí của doanh nghiệp, nền kinh tế”.

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Tư pháp nghiêng về phương án nhượng quyền khai thác cho tư nhân: “Điều quan trọng là quá trình bán đấu giá, khai thác cần minh bạch. Doanh nghiệp bỏ tiền ra mua thì chắc chắn phải có lãi họ mới làm, vì thế cần đảm bảo hài hòa lợi ích”.

Cần cơ chế chia sẻ rủi ro

Lãnh đạo một doanh nghiệp có tiếng trong ngành giao thông (xin giấu tên) nhận định, phương thức nhượng quyền thu phí đối với những dự án cao tốc có lợi thế lớn nhất là giúp nhà nước sớm thu hồi được vốn để tái đầu tư các dự án khác.

Theo vị này, dự án nhượng quyền thu phí là những dự án đã hình thành, lưu lượng phương tiện đã được thể hiện rõ, nhà đầu tư tham gia và tổ chức tín dụng sẽ có được dữ liệu đầu vào tương đối khách quan, chính xác để đánh giá. Với một dự án có lưu lượng tốt, việc huy động vốn sẽ không quá khó khăn.

“Để nhà đầu tư tự tin tham gia, trước hết giá trị chuyển nhượng phải được tính đúng, tính đủ. Đối với cao tốc mới, thời gian đầu lưu lượng thường thấp và sẽ tăng dần trong những năm sau đó.

Trường hợp này, doanh nghiệp mong muốn các ngân hàng sẽ có cơ chế tính lãi vay phù hợp, giúp doanh nghiệp không đối diện nguy cơ lỗ ngay từ ban đầu”, vị này góp ý và cho rằng, nhà nước cũng cần có cơ chế chia sẻ rủi ro với doanh nghiệp quản lý, vận hành trong tình huống bất khả kháng.

4 yếu tố đảm bảo thành công

img

Hiện các quy định pháp luật về đấu giá quyền thu phí khá sơ sài, nếu muốn nhượng quyền thu phí cao tốc, cần phải sửa rất nhiều quy định (Trong ảnh: Cao tốc Cao Bồ - Mai Sơn). Ảnh: Tạ Hải.

Để việc nhượng quyền thu phí đạt được hiệu quả tối ưu nhất, ông Trần Chủng cho rằng có 4 nhóm công việc chính cần phải đảm bảo gồm: Quản lý thu phí; Quản lý giao thông; Quản lý bảo trì; Quản lý tài sản.

Quản lý thu phí trước hết là thực hiện thu phí chính xác, không để thất thoát nhưng phải đảm bảo tiện lợi, nhanh chóng, chất lượng dịch vụ. Phải coi trọng đầu tư thiết bị thu phí tiên tiến, mức độ tự động hóa cao, an toàn, minh bạch và lưu trữ hiệu quả.

Quản lý giao thông gồm soạn thảo quy tắc quản lý ATGT trên đường cao tốc; xử lý nhanh và kịp thời các hư hỏng trên đường thông qua việc sử dụng công nghệ quản lý tiên tiến để theo dõi liên tục 24/7 tình trạng vận hành của đường cao tốc.

Quản lý bảo trì đòi hỏi tính chuyên nghiệp hoá, chuyên môn hoá rất sâu, không chỉ kiểm soát bằng mắt mà phải dùng hệ thống thiết bị kiểm định chất lượng và các trang thiết bị duy tu chuyên dụng.

Quản lý tài sản là thiết lập quy chế và tổ chức hành chính hướng tới bảo vệ công trình đường cao tốc, khai thác hiệu quả phạm vi đất đai dành cho đường và các công trình.

“Công tác vận hành và quản lý đường cao tốc phải được chuyên môn hóa và chuyên nghiệp hóa như các nước trên thế giới. Điều đó đòi hỏi, các cấp có thẩm quyền phải xây dựng khung tiêu chí lựa chọn đơn vị quản lý, vận hành không chỉ mạnh về tiềm lực mà còn có kinh nghiệm, bộ máy chuyên nghiệp”, ông Chủng nói.

Cần sửa rất nhiều quy định

Theo lãnh đạo Cục Đường cao tốc VN, Luật Quản lý sử dụng tài sản công quy định, có 5 phương thức khai thác nguồn lực tài chính gồm: Đối tượng được giao quản lý tài sản trực tiếp tổ chức khai thác tài sản kết cấu hạ tầng; chuyển nhượng quyền thu phí sử dụng; cho thuê quyền khai thác; chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác; phương thức khác theo quy định pháp luật (nhượng quyền kinh doanh, quản lý - O&M).

Đối chiếu với điều kiện, tính chất của các dự án cao tốc đầu tư bằng ngân sách nhà nước, trong số 5 phương thức nêu trên, có 2 phương án phù hợp, 2 phương án có cơ sở pháp lý nhưng không phù hợp và 1 phương án không đủ điều kiện áp dụng.

Với hình thức chuyển nhượng quyền thu phí, Luật Quản lý sử dụng tài sản công quy định: Chuyển nhượng quyền thu phí sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng là việc nhà nước chuyển giao quyền thu phí sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng cho tổ chức, cá nhân thực hiện trong một thời hạn nhất định theo hợp đồng để nhận một khoản tiền tương ứng.

Về mặt pháp lý, phương án này có thể áp dụng được, tuy nhiên về mặt thực tiễn không khả thi, không phù hợp.

Nguyên nhân là do việc chuyển nhượng quyền thu phí không gắn với quản lý, bảo trì. Theo quy định hiện hành, doanh nghiệp quản lý, khai thác đường cao tốc không bao gồm doanh nghiệp nhận chuyển nhượng quyền thu phí.

Vì vậy, không phù hợp với nhu cầu chuyển nhượng quyền thu phí gắn liền với bảo trì.

Tương tự như phương án chuyển nhượng quyền khai thác, việc lựa chọn doanh nghiệp theo hình thức đấu giá theo quy định hiện nay không phù hợp với dự án giao thông. Phương án chuyển nhượng quyền thu phí thiếu toàn bộ hành lang pháp lý ở mức độ nghị định, thông tư.

“Cần bổ sung các quy định về hướng dẫn xác định phương án tài chính dự án như xác định doanh thu, chi phí, giá khởi điểm; hướng dẫn chi phí, cách lập đề án, cách lựa chọn doanh nghiệp; kiểm soát chất lượng dịch vụ, xử lý trong trường hợp bất khả kháng, chấm dứt hợp đồng trước thời hạn.

So sánh giữa hai phương án cho thấy, về yếu tố kinh tế - tài chính, do pháp luật chưa quy định giá khởi điểm trong trường hợp chuyển nhượng quyền thu phí nên không thể so sánh lợi ích nhà nước giữa 2 trường hợp.

Về mặt kỹ thuật, quy trình thực hiện dự án, pháp luật về nhượng quyền O&M đã tương đối đầy đủ, trong khi đó pháp luật về đấu giá quyền thu phí khá sơ sài, không phù hợp với tính chất dự án giao thông”, lãnh đạo Cục Đường cao tốc cho hay.

Mặc dù phương án chuyển nhượng quyền thu phí là có cơ sở pháp lý, tuy nhiên, qua phân tích và so sánh giữa ưu, nhược điểm của 2 phương án, trường hợp nhượng quyền thu phí thì việc thực hiện theo phương thức PPP, loại hợp đồng O&M phù hợp, khả thi hơn phương thức chuyển nhượng quyền thu phí.

“Pháp luật về phí và lệ phí hiện hành được xây dựng trên cơ sở không thực hiện nhượng quyền thu phí, nên đối tượng tổ chức thu phí không bao gồm doanh nghiệp. Cơ chế thu quy định toàn bộ phí thu được nộp vào ngân sách nhà nước.

Các quy định này không phù hợp trong trường hợp nhượng quyền kinh doanh – quản lý”, lãnh đạo Cục Đường cao tốc nói.

Các nước nhượng quyền thu phí như thế nào?

Trung Quốc là một trong những quốc gia có hệ thống đường bộ cao tốc đứng đầu thế giới.

Để thu hồi vốn từ các dự án này, Trung Quốc đã áp dụng hình thức chuyển nhượng quyền thu phí. Bên nhận quyền sẽ thu phí và vận hành, thời hạn không quá số năm do hội đồng cấp nhà nước quy định. Nguồn thu này sử dụng chủ yếu để vận hành và hoàn vốn, một phần sử dụng tái đầu tư, nâng cấp hoặc xây dựng các tuyến đường mới.

Tại Đài Loan, chính quyền chi ngân sách xây dựng đường cao tốc và chuyển nhượng quyền thu phí cho đơn vị tư nhân là Công ty Thu phí điện tử Viễn Đông (FETC). Chính quyền ủy thác cho FETC đầu tư hệ thống thu phí tự động với hợp đồng thời hạn 20 năm; thu về 95% tổng phí thu được và trả cho FETC phần còn lại. Tiền thu được tiếp tục đầu tư trở lại làm đường mới và bảo trì.

Tại Mỹ, cả chính quyền liên bang và tiểu bang sẽ phối hợp đóng góp ngân sách đầu tư cao tốc, sau đó nắm quyền sở hữu, thực hiện vận hành và bảo trì đường cao tốc. Chính phủ quyết định mức thu phí trên từng tuyến đường, đồng thời chính phủ hoặc chính quyền các tiểu bang thành lập công ty nhà nước để tổ chức quản lý đường cao tốc.

Công ty nhà nước được phép phát hành trái phiếu có sự bảo lãnh của chính phủ để huy động vốn, nhưng cổ phần của các doanh nghiệp này không được nhượng cho khối tư nhân.

Trang Trần

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.