Kháng cáo vì nhiều bất cập
TAND TP.HCM vừa xử phúc thẩm vụ Công ty CP Tập đoàn Yên Khánh (Công ty Yên Khánh) kiện Tổng Công ty Đầu tư phát triển và quản lý dự án hạ tầng Cửu Long (Công ty Cửu Long, thuộc Bộ GTVT), liên quan đến quyền thu phí trên đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương.
Theo đó, cuối năm 2013 thực hiện nhiệm vụ được Bộ GTVT giao, Tổng công ty Cửu Long đã tiến hành ký kết hợp đồng mua bán quyền thu phí sử dụng đường bộ thời hạn 5 năm đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương giai đoạn 1 với Công ty Yên Khánh - đơn vị trúng thầu thông qua hình thức đấu giá, với giá hợp đồng là 2.004 tỷ đồng. Hợp đồng được ký ngày 30/12/2013. Thời hạn thu phí là 5 năm kể từ ngày 1/1/2014 và kết thúc ngày 31/12/2018.
Theo quy định của hợp đồng, Công ty Yên Khánh phải nộp vào ngân sách Nhà nước đủ số tiền bán quyền thu phí 2.004 tỷ đồng trong 3 đợt và kết thúc nộp đợt cuối vào tháng 10/2014. Nhưng thực tế, Công ty Yên Khánh đã nộp 15 đợt và kết thúc đợt cuối vào ngày 31/3/2017. Vì vậy, Công ty Yên Khánh đã vi phạm hợp đồng và phải chịu mức phạt do chậm thanh toán tại hợp đồng được các đơn vị tính toán là 264 tỷ đồng.
Để thu hồi số tiền phạt vi phạm hợp đồng nêu trên, Tổng công ty Cửu Long đã có rất nhiều văn bản yêu cầu Công ty Yên Khánh thanh toán tiền phạt chậm nêu trên. Đồng thời, Bộ GTVT cũng đã chỉ đạo quyết liệt, yêu cầu Tổng công ty Cửu Long thu hồi ngay số tiền khoảng 100 tỷ đồng thông qua việc tịch thu toàn bộ giá trị bảo đảm thực hiện hợp đồng của Công ty Yên Khánh từ Ngân hàng BIDV. Số tiền phạt còn lại phải tiếp tục yêu cầu Công ty Yên Khánh nộp đầy đủ.
Công ty Yên Khánh cho rằng đây là hợp đồng trọn gói nên công ty không phải trả thêm chi phí nào khác. Tuy nhiên, từ năm 2017, phát sinh việc thu thuế giá trị gia tăng phải nộp tại Cục Thuế tỉnh Long An. Đây không là trách nhiệm của Công ty Yên Khánh mà là của Công ty Cửu Long. Thực tế Công ty Cửu Long cũng có yêu cầu Công ty Yên Khánh nộp thay sau sẽ khấu trừ lại nhưng cuối cùng không hoàn trả.
Từ đó, Công ty Yên Khánh khởi kiện yêu cầu Công ty Cửu Long phải trả cho mình số tiền thuế gần 118 tỉ đồng kèm tiền lãi phát sinh mà công ty phải vay để đóng hộ khoản thuế là hơn 6,8 tỉ đồng. Nguyên đơn còn yêu cầu số tiền thiệt hại do thi công hệ thống giao thông thông minh (ITS) ảnh hưởng đến doanh thu trong 1.420 ngày là hơn 850 triệu đồng. Tổng cộng các khoản yêu cầu là 127 tỉ đồng.
Xử sơ thẩm cuối năm 2018, TAND quận Bình Thạnh, TP.HCM chấp nhận toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn, buộc Công ty Cửu Long phải thanh toán 127 tỉ đồng cho Công ty Yên Khánh. Về yêu cầu phản tố của bị đơn, HĐXX buộc Công ty Yên Khánh thanh toán cho Công ty Cửu Long tiền phạt do vi phạm nghĩa vụ thanh toán là 8% trên hợp đồng tương đương 160 tỉ đồng. Tòa còn dành quyền khởi kiện cho Công ty Cửu Long một vụ án khác đòi số tiền lãi chậm thanh toán.
Xử phúc thẩm đảm bảo quyền lợi của Nhà nước
Không đồng tình với bản án sơ thẩm của Tòa án quận Bình Thạnh, Tổng công ty Cửu Long đã có đơn kháng cáo. Ngày 25/6 và 9/7, TAND TP.HCM đã xử phúc thẩm vụ án và có nhận định khác, tuyên sửa bản án sơ thẩm trên.
Theo đó, HĐXX chỉ chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của Công ty Yên Khánh, buộc Tổng công ty Cửu Long thanh toán cho Công ty Yên Khánh gần 2,4 tỉ đồng số tiền bù đắp các thiệt hại do ảnh hưởng của việc thi công lắp đặt hệ thống ITS trên tuyến cao tốc.
Về số tiền phạt gần 265 tỷ đồng mà Tổng công ty Cửu Long yêu cầu Công ty Yên Khánh phải nộp do chậm thanh toán theo hợp đồng, tòa phúc thẩm cho rằng yêu cầu này là co căn cứ, đúng pháp luật. Việc tòa cấp sơ thẩm chỉ chấp nhận số tiền phạt chậm thanh toán bằng 8% trị giá hợp đồng là chưa đúng pháp luật, cần phải sửa lại cho đúng.
Theo đó, HĐXX chấp nhận yêu cầu của bị đơn, buộc Công ty Yên Khánh phải thanh toán cho bị đơn gần 265 tỉ đồng số tiền phạt do chậm thanh toán theo hợp đồng. Ngoài ra, chi nhánh Thành Đô của ngân hàng BIDV phải liên đới thanh toán hơn 100 tỉ đồng cho Công ty Cửu Long một phần số tiền trong phạm vi của chứng thư bảo lãnh.
Đối với phần kinh phí nộp thuế giá trị gia tăng, tòa phúc thẩm không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Công ty Yên Khánh đòi Công ty Cửu Long phải hoàn trả số tiền hơn 125 tỷ đồng. HĐXX cho rằng quan hệ pháp luật về thu, nộp thuế, khấu trừ và hoàn thuế giá trị gia tăng trên số tiền phí mà Công ty Yên Khánh đã thu là quan hệ hành chính trong lĩnh vực thuế giữa công ty với cơ quan thuế.
Quan hệ chuyển giao quyền thu phí giữa Công ty Cửu Long và Công ty Yên Khánh là quan hệ dân sự theo hợp đồng đã ký. Giữa hai bên không có thỏa thuận và pháp luật cũng không có quy định việc Công ty Cửu Long phải trả lại tiền cho Công ty Yên Khánh. Việc cấp sơ thẩm chấp nhận cho nguyên đơn đòi bị đơn phải thanh toán tiền thuế giá trị gia tăng mà nguyên đơn đã nộp là không có căn cứ pháp lý.
Đồng thời việc triển khai thi công hệ thống ITS là của Bộ GTVT, không phải là hành vi của Công ty Cửu Long. Giữa hai công ty cũng không có thỏa thuận về việc Công ty Cửu Long phải có trách nhiệm bồi thường cho Công ty Yên Khánh các thiệt hại phát sinh do các chủ thể khác gây ra trong quá trình thu phí.
Do đó cấp sơ thẩm chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn về vấn đề này, buộc Công ty Cửu Long phải thanh toán gần 2,4 tỉ đồng và lãi phát sinh là không có căn cứ pháp lý. Tuy nhiên, tại phiên sơ và phúc thẩm, Công ty Cửu Long đã tự nguyện thanh toán cho đối tác số tiền này nên tòa ghi nhận.
Lãnh đạo Tổng công ty Cửu Long cho biết, bản án của tòa phúc thẩm TAND TP.HCM đã đảm bảo tối đa quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước. Tổng công ty đang thực hiện báo cáo Bộ GTVT kết quả bản án và kiến nghị phương án thu hồi theo đúng quy định của pháp luật.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận