Báo cáo thường niên của “Hiệp hội báo chí và Các nhà xuất bản tin tức toàn cầu” (WAN-IFRA) năm 2019 chỉ ra, trong vài năm gần đây, với sự bùng nổ của các phương tiện truyền thông hiện đại, đặc biệt là sự lên ngôi của các mạng xã hội trên toàn cầu, lĩnh vực báo chí thế giới đã chứng kiến nhiều hỗn loạn và thay đổi.
Vai trò của xây dựng niềm tin với độc giả
Báo cáo của WAN-IFRA nhận định rằng, trong kỷ nguyên kỹ thuật số đang không ngừng phát triển như hiện nay, báo chí chính thống vẫn có cơ hội bên cạnh nhiều thách thức.
Theo đánh giá của WAN-IFRA, không thể phủ nhận một thực tế rằng, ảnh hưởng của niềm tin từ độc giả có tác động mạnh đến nhiều loại hình báo chí, đối với các nhà xuất bản việc đánh mất hay gặt hái được niềm tin của bạn đọc đã và sẽ tiếp tục ảnh hưởng mạnh đến các cơ quan truyền thông, báo đài truyền thống.
Bản báo cáo về Khuynh hướng báo chí thế giới thường niên (World Press Trends) của WAN-IFRA công bố đầu năm 2019, được bán với giá 250 USD cho tất cả những người muốn tham khảo đã tập trung phân tích các dữ liệu từ cuộc khảo sát thường niên năm 2018 được thực hiện ở tất cả 70 quốc gia trên toàn cầu.
Ngoài ra, nghiên cứu của WAN-IFRA cũng sử dụng và phân tích một khối lượng lớn các loại dữ liệu được các đối tác của WAN-IFRA trên toàn cầu, trong đó có các cơ quan, tổ chức nổi tiếng như ZenithOptimedia, IPSOS, PwC và Chartbeat thu thập được.
“Chúng ta phải thẳng thắn thừa nhận rằng, đối với lĩnh vực báo chí, việc bảo vệ được mối quan hệ đáng tin cậy giữa các nhà xuất bản và độc giả của mình không chỉ là một sứ mệnh có tính chất kinh tế bắt buộc mà còn là nghĩa vụ phục vụ dân chủ, xã hội”, ông Vincent Peyrègne – Giám đốc điều hành (CEO) cấp cao của “Hiệp hội báo chí và Các nhà xuất bản tin tức toàn cầu” nhấn mạnh.
Theo ông Vincent Peyrègne, báo cáo của WAN-IFRA đã viện dẫn các số liệu thống kê kinh tế và chỉ ra rằng, việc đánh mất niềm tin của độc giả không những gây thiệt hại về danh tiếng, hình ảnh cho các tòa soạn mà còn khiến cho độc giả và các đối tác quảng cáo truyền thống của chính họ “phải bỏ chạy”.
Vị chuyên gia về báo chí và truyền thông quốc tế này còn nhấn mạnh rằng, khi độc giả không còn tin tưởng các cơ quan xuất bản tin tức, điều này cũng đồng nghĩa với việc vai trò trung tâm và then chốt của báo chí đối với các cộng đồng và xã hội nơi họ đang vận hành bị lung lay.
Những chỉ dấu chủ chốt về niềm tin
Theo nhận định của WAN-IFRA, có một số chỉ dấu đáng lưu ý khi đánh giá về khía cạnh “niềm tin” của độc giả đối với các phương tiện truyền thông hiện đại nói chung và báo chí chính thống nói riêng.
Theo đó, sự tin tưởng của độc giả đối với tin tức nói chung trong hơn 5 năm qua có sự suy giảm kỷ lục.
Tuy nhiên, có một thực tế mà chắc chắn những nhà báo và tòa soạn chân chính sẽ vui khi biết được đó là trái ngược với tỷ lệ “bất tin” của độc giả đối với tin tức nói chung được loan tải trên các phương tiện phi truyền thống (mạng xã hội, website tin tức giả mạo, không rõ nguồn gốc) thì người đọc có xu hướng tin tưởng các nhà báo và tòa soạn có uy tín tăng lên trong 3 năm gần đây.
Phân tích của WAN-IFRA cũng chỉ ra thực tế là các nhà xuất bản tin tức chính thống đang chịu áp lực rất lớn từ việc kiếm thu nhập để tồn tại, vận hành và đầu tư ngược lại cho quá trình sản xuất sản phẩm đặc thù – thông tin phục vụ độc giả.
Theo dữ liệu của WAN-IFRA, từ năm 2017 trở lại, doanh thu chủ yếu của tất cả nhà xuất bản, cơ quan báo chí là từ báo giấy. Từ cuối năm 2018, doanh thu từ tin tức xuất bản online bắt đầu tăng.
Nhận thức được giá trị cốt lõi của báo chí, đặc biệt là quan hệ tin tưởng giữa độc giả và cơ quan sản xuất tin tức, các nhà xuất bản vẫn tập trung vào xây dựng và khai thác mô hình doanh nghiệp lấy độc giả là trọng tâm, thu hút độc giả là quan trọng.
Hiện nay, theo WAN-IFRA, doanh thu từ độc giả kỹ thuật số đối với báo chí thế giới đang tiếp tục gia tăng, đặc biệt là đối với các hãng thông tấn, báo chí uy tín có triển khai dịch vụ đối với các thuê bao đăng ký đọc tin tức có trả phí.
Về cơ bản, doanh thu toàn bộ của ngành công nghiệp báo chí (kể cả báo in truyền thống và báo điện tử) đã suy giảm từ năm 2016 đến năm 2018 ở mức tương ứng khoảng 1,8% một năm.
Các số liệu thống kê của WAN-IFRA chỉ ra, xu hướng này vẫn là “kim chỉ nam xuyên suốt” đối với tất cả các tòa soạn trên toàn cầu bởi thực tế là thu nhập dựa trên niềm tin của độc giả đối với báo chí vẫn đạt mức 87 tỷ USD trong năm 2018, trong khi đó, tổng số tiền thu được từ quảng cáo ở hơn 200 quốc gia chỉ đạt 63 tỷ USD.
Khi phân tích về lĩnh vực báo in, trong năm 2018, quảng cáo từ báo in đã sụt giảm ở mức hai con số, chỉ tính riêng ở các nước phương Tây. Còn với quảng cáo từ các phiên bản điện tử, kỹ thuật số có tăng nhưng duy trì ở mức thấp, chiếm khoảng gần 42% tổng thu nhập của các tờ báo, nhà xuất bản.
Riêng với các mạng xã hội lớn, sản phẩm của các gã khổng lồ về công nghệ trên khắp các châu lục từ châu Mỹ, châu Âu và cả châu Á, thu nhập từ quảng cáo của những đại doanh nghiệp này liên tục tăng cao và tăng đều trong 4 năm trở lại đây.
Hiện nay, có một xu hướng đáng chú ý là các nhà xuất bản, các cơ quan báo chí quốc tế đã nhận thấy được tiềm năng và lợi ích từ việc hình thành các “liên minh” xuất bản trên toàn cầu.
Theo đánh giá của WAN-IFRA, hiện các tờ báo, nhà xuất bản tin tức trên toàn cầu vẫn đang dịch chuyển từ mô hình sản xuất và phân phối báo in truyền thống sang mô hình sản xuất trên môi trường điện tử, kỹ thuật số và online.
Cũng theo các chuyên gia của WAN-IFRA, khả năng chuyển đổi của một tòa soạn hay một nhà xuất bản theo xu hướng trên phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố trong đó có các nhân tố chính tác động đến quá trình này là: chính trị, xã hội, quốc gia và khu vực.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận