Tuy nhiên, trong cuộc trò chuyện với Báo Giao thông, TS. Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết, ông có niềm tin rằng, nhất định đất nước sẽ vượt qua mọi thách thức với những cơ sở vững chắc.
TS. Nguyễn Sĩ Dũng
Cơ hội nhiều nhưng thách thức không nhỏ
Đâu là cơ sở để ông có niềm tin như vậy?
Trước hết, đó là việc Quốc hội vừa bầu và phê chuẩn bộ máy Chính phủ nhiệm kỳ mới, đứng đầu là Thủ tướng Phạm Minh Chính, 4 Phó Thủ tướng và 22 Bộ trưởng, Trưởng ngành.
Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026 đa số là những thành viên mới tham gia lần đầu (17/27 người, chiếm gần 63%). Những thành viên mới đều trưởng thành từ thực tiễn, từ hoạt động chỉ đạo, điều hành, đã có những đóng góp được xã hội ghi nhận cho sự phát triển của địa phương hoặc của ngành trong thời gian vừa qua.
Tôi kỳ vọng Chính phủ mới sẽ tiếp tục thúc đẩy cải cách nhằm đổi mới nền quản trị quốc gia, thúc đẩy kinh tế phát triển, bảo đảm một cuộc sống tốt đẹp hơn cho mọi người dân.
Chính phủ nhiệm kỳ mới đang và sẽ đối diện với những cơ hội và thách thức gì, thưa ông?
Cơ hội là Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đề ra những định hướng và những khuôn khổ quan trọng để tiếp tục cải cách thể chế, thúc đẩy sự phát triển nhanh hơn, bền vững hơn.
Để đạt được những mục tiêu trong nhiệm kỳ này và những mục tiêu phát triển xa hơn cho năm 2030 - 2045, giao thông là yếu tố mang tính chất quan trọng và quyết định.
Nếu hạ tầng giao thông được đầu tư đúng mức sẽ giúp giảm chi phí lưu thông hàng hóa, giảm chi phí logistics. Hạ tầng giao thông phát triển cũng là động lực để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, đồng thời sẽ có vai trò kết nối giữa các vùng kinh tế trọng điểm, tạo động lực cho sự phát triển đồng đều giữa các tỉnh, các vùng miền trong cả nước.
ĐBQH Trần Hoàng Ngân
Các hiệp định thương mại tự do như: CPTPP, EVFTA, RCEP… cũng tạo cơ hội để đẩy mạnh cải cách và mở rộng thị trường; năng lực kỹ trị của không ít thiết chế đã được tăng cường giúp cho việc bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô ngày một chắc chắn hơn…
Tuy nhiên, thách thức thì rất lớn. Trước hết, đó là đại dịch Covid-19 bùng phát.
Dịch bệnh đang ảnh hưởng nghiêm trọng không chỉ đến sức khỏe và sinh mạng của người dân, mà còn đến toàn bộ nền kinh tế.
Thách thức rất lớn ở đây là nếu chúng ta không khống chế dịch bệnh thành công trước các nước khác trong khu vực, nhiều khả năng chúng ta sẽ đánh mất cơ hội đón nhận dòng vốn đầu tư nước ngoài do quá trình chuyển dịch chuỗi cung ứng toàn cầu mang lại.
Dòng vốn này vừa qua đã bắt đầu đổ vào nước ta nhờ năm 2020 chúng ta đã khống chế dịch bệnh tốt hơn các nước.
Tuy nhiên, nếu để dịch bệnh tiếp tục bùng phát như hiện nay, rủi ro dòng vốn đầu tư nước ngoài sẽ bị chuyển qua các nước khống chế dịch bệnh thành công trước là rất lớn.
Cầu, đặc biệt là cầu của thị trường trong nước, giảm cũng là một thách thức. Mặc dù kinh tế thế giới phục hồi là điều kiện thuận lợi để đẩy mạnh xuất khẩu từ đó tạo động lực cho phát triển kinh tế.
Tuy nhiên, thị trường trong nước cũng rất quan trọng. Không tìm được cách để nâng cầu của thị trường trong nước, phát triển kinh tế sẽ khó khăn.
Một thách thức khác là bộ máy hành chính - công vụ đang ngày càng kém quyết đáp. Tinh thần dám làm, dám chịu trách nhiệm của thời kỳ đầu đổi mới đã bị giảm sút rất nhiều.
Quả thực, vừa đẩy mạnh công cuộc phòng, chống tham nhũng, vừa đề cao tinh thần dám làm, dám chịu trách nhiệm là một sự kết hợp khó khăn. Thách thức của Chính phủ là làm sao hóa giải được sự kết hợp khó khăn này. Bằng không, công việc sẽ rất trì trệ.
Đổi mới thể chế
Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026 ra mắt trước Quốc hội và cử tri cả nước
Vậy để đương đầu với những thách thức như ông vừa đề cập, chúng ta cần hóa giải thế nào?
Tôi tin là đổi mới thể chế vẫn là ưu tiên của Chính phủ nhiệm kỳ này. Thủ tướng Phạm Minh Chính đang thúc đẩy một cách làm rất hay là đề nghị các bộ ngành, địa phương tổng kết và báo cáo cho Chính phủ những vướng mắc về mặt thể chế.
Trên cơ sở đó, Chính phủ sẽ trực tiếp sửa đổi hoặc trình Quốc hội sửa đổi các văn bản pháp luật có liên quan. Tôi cho rằng, trong quá trình này nếu lắng nghe được các doanh nghiệp sẽ rất tốt. Họ chính là những đối tượng bị các vướng mắc về thể chế tác động trực tiếp nhất.
Một thách thức khác cần hóa giải như tôi nói ở trên, là làm sao phải thúc đẩy bộ máy hành chính - công vụ, không để công việc trì trệ trên tinh thần vừa đẩy mạnh công cuộc phòng, chống tham nhũng, vừa đề cao tinh thần dám làm.
Theo ông, cần làm thế nào để bộ máy hành chính - công vụ đạt được hiệu quả công việc cao nhất?
Bộ máy phải tinh gọn, phải chọn được người tài cho bộ máy. Nếu một người có thể làm việc bằng 10 người, chắc chắn chúng ta có thể tinh giản bộ máy được 10 lần.
Tổ chức thi tuyển quốc gia để lựa chọn công chức là rất quan trọng. Chúng ta hoàn toàn có thể học tập kinh nghiệm của Nhật Bản cho công việc này.
Ở Nhật Bản, số lượng người tham dự kỳ thi tuyển quốc gia rất lớn. Nhưng thông thường chỉ có khoảng 6% thi đậu. Những người thi đậu sẽ được cấp chứng chỉ. Các cơ quan công quyền ở Trung ương cũng như ở địa phương chỉ được quyền tuyển dụng công chức từ những người có chứng chỉ thi đậu kỳ thi quốc gia.
Sau khi đã tuyển chọn được những người tài vào công vụ, quan trọng không kém là đề bạt, bổ nhiệm theo thành tích. Cần xây dựng hệ thống KPI cho công vụ. Ai có chỉ số KPI cao hơn thì đề bạt người đó.
Quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng
Thi công dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đoạn Phan Thiết - Dầu Giây
Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã xác định 1 trong 3 đột phá chiến lược là “Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, ưu tiên phát triển một số công trình trọng điểm quốc gia về giao thông”. Theo ông, để đạt được mục tiêu này, cần phải làm thế nào?
Để tạo đột phá về hạ tầng giao thông thì quan trọng là phải đẩy mạnh đầu tư công, đồng thời đẩy mạnh hợp tác công - tư (PPP).
Trong bối cảnh hiện nay, đầu tư công quan trọng không chỉ để xây dựng cơ sở hạ tầng, mà còn để ngăn chặn kinh tế rơi vào suy thoái. Mặc dù kế hoạch đầu tư công vừa được Quốc hội thông qua, tôi vẫn cho rằng Chính phủ cần tiếp tục trình Quốc hội chủ trương tăng cường đầu tư công.
Tất nhiên, ngân sách khó có đủ nguồn lực tài chính cho chủ trương này, nhưng Nhà nước hoàn toàn có thể vay của dân để đầu tư. Với việc lạm phát được khống chế tốt như hiện nay, vay dân qua trái phiếu, hoặc công trái vẫn hoàn toàn khả thi.
Chính phủ cũng cần trình Quốc hội ban hành nghị quyết cắt giảm các thủ tục đầu tư công để các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông có thể được triển khai nhanh chóng. Với hàng loạt các thủ tục khó khăn, chồng chéo như hiện nay, các dự án đầu tư công không khéo sẽ bị chậm trễ, không kịp phát huy tác dụng kích cầu để cứu vãn nền kinh tế.
Thúc đẩy hợp tác công tư để xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông cũng rất cần thiết. Quan trọng nhất ở đây là Nhà nước cần có một chiến lược truyền thông tốt hơn để thay đổi nhận thức của công chúng đối với các công trình BOT.
Ngoài đầu tư công, theo ông, chúng ta có thể làm gì để tháo gỡ “điểm nghẽn” về vốn, thu hút được nguồn lực để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông?
Tôi cho rằng, nếu vay được của dân để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thì nên vay của dân hơn là vay của nước ngoài. Nếu Nhà nước có phải trả lãi cao hơn một ít cũng chỉ là ta trả cho ta.
Để tạo nền tảng cần thiết cho đất nước cất cánh, cần tiết kiệm ngân sách hơn nữa để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng. Theo tôi, cần cắt giảm tất cả các khoản đầu tư xây dựng quảng trường, tượng đài… để chuyển sang xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông.
Ông có hiến kế gì cho Chính phủ nhiệm kỳ này thúc đẩy mạnh mẽ phong trào khởi nghiệp, khơi thông mọi nguồn lực xã hội cho phát triển đất nước?
Muốn thúc đẩy mạnh mẽ phong trào khởi nghiệp phải xây dựng được hệ sinh thái khởi nghiệp và có môi trường kinh doanh thuận lợi. Chính phủ các nhiệm kỳ đều quan tâm đến hai vấn đề này. Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026 cũng cần phải làm như vậy.
Để khơi thông mọi nguồn lực của xã hội thì quyền tài sản và quyền tự do kinh doanh, sáng tạo của người dân cần được bảo đảm.
Những cải cách thể chế liên quan đến việc bảo đảm quyền tài sản đối với đất đai, phát minh, sáng chế là rất quan trọng. Bên cạnh đó, những cải cách để tạo điều kiện thuận lợi cho việc gia nhập thị trường, việc giao dịch và kinh doanh cũng cần được đẩy mạnh hơn nữa.
Cảm ơn ông!
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận