Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Nhà máy Diêm Thống Nhất những năm đầu khôi phục kinh tế (1956). Ảnh tư liệu: TTXVN
Cuộc đời của Bác Hồ là những chuỗi vượt khó, vượt khó cho bản thân mình, cùng với Đảng, Nhà nước và nhân dân tìm cách vượt khó, bứt phá để đưa đất nước tiến lên.
“Không có việc gì khó...”
Có những điều diễn ra trong lịch sử mà sau này không bao giờ lặp lại, nhưng bản chất của những điều đó có khi lại giống nhau.
Nhiều lắm những sự kiện mà các nhà sử học Việt Nam coi đó là những bước ngoặt lịch sử. Có những bước ngoặt lớn, cực lớn, có những bước ngoặt trung bình nhưng đều là những thử thách buộc toàn Đảng, toàn dân ta phải vượt qua. Nếu không vượt qua được, đất nước sẽ lâm vào thoái bộ, chế độ chính trị thậm chí bị triệt tiêu, đào thải.
Năm 2020 và sang năm 2021 này, cả thế giới chịu ảnh hưởng nặng nề, chưa từng có của đại dịch Covid-19. Khó khăn quá lớn đối với sự vận động đi lên của nhân loại và Việt Nam không ngoại lệ.
Mọi cái so sánh đều khập khiễng. Cái khó hiện nay không như cái khó của thời kỳ 1945 - 1946 khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa còn non trẻ bập ngay tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”; cũng không như cái khó khi hệ thống xã hội chủ nghĩa thế giới sụp đổ cuối thế kỷ trước, bởi những cái khó đó trực tiếp đe dọa sự sống còn của chế độ chính trị.
Còn cái khó từ hệ lụy của đại dịch Covid-19 này làm cản trở sự phát triển nhanh và bền vững nhằm sánh vai với các cường quốc năm châu - điều mà Việt Nam đang khát vọng, đang tích cực phấn đấu một cách quyết liệt nhất. Chúng ta đang có đà bứt phá, nay bị ngăn lại.
Bác Hồ, lãnh tụ vĩ đại của Đảng và dân tộc Việt Nam, người đứng mũi chịu sào đưa con thuyền cách mạng vượt qua bao thác ghềnh hiểm trở để đi đến đích. Bác vốn là con người làm chủ mọi tình thế, tình huống, thắng không kiêu, bại không nản. Bác cho rằng, đối với mọi công việc, nếu cho nó khó thì nó là khó, nếu cho nó dễ thì nó là dễ. Khó hay dễ là tự tại mình.
Thế cho nên, đối với thanh niên, Bác cho rằng: Không có việc gì khó/ Chỉ sợ lòng không bền/ Đào núi và lấp biển/ Quyết chí ắt làm nên.
Có lẽ cũng vì thế, bằng nhiều kiểm nghiệm từ thực tế, nhất là qua cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và qua thời kỳ xây dựng và bảo vệ chính quyền cách mạng còn non trẻ và trải qua mấy chiến dịch thắng lợi của kháng Pháp, tại Đại hội toàn quốc lần thứ II của Đảng (tháng 2/1951), trong bài phát biểu về Luận cương cách mạng Việt Nam, Tổng Bí thư Trường Chinh đánh giá: “Đến mỗi bước ngoặt của lịch sử cách mạng Việt Nam, ta thấy Hồ Chủ tịch gạt tay lái một cách rất mau lẹ.
Nhờ đó, con tàu của Đảng vượt được bao cơn phong ba bão táp, tránh được bao mỏm đá ghềnh để lướt tới đích. Chủ tịch Hồ Chí Minh là người rèn luyện đảng viên, rèn luyện cán bộ.
Người nêu gương cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, nêu gương kiên quyết đấu tranh, nêu gương trung thành rất mực với Đảng, với giai cấp và dân tộc; nêu gương tích cực, vui vẻ, nhẫn nại, giản dị và khiêm tốn”.
Càng trong khó khăn, thử thách, càng cần đến tinh thần của Đại hội II của Đảng như thế. Nghĩa là, phải dùng tự phê bình và phê bình để đấu tranh tư tưởng trong Đảng và ngoài Đảng; phải có lề lối làm việc, tác phong lãnh đạo phù hợp; phải gắn với quần chúng, tin quần chúng, học quần chúng, lãnh đạo quần chúng nhưng không theo đuôi quần chúng; cán bộ, đảng viên phải tiên phong, làm gương mẫu cho quần chúng.
Làm cho dân tin, dân phục, dân yêu; phải kết hợp tinh thần hăng hái cách mạng với óc thực tế, gắn lý luận với thực tiễn; phải luôn luôn nắm lấy khâu chính của công tác, kiên quyết tập trung tinh thần, năng lực làm cho bằng được; phải có tinh thần, ý thức kỷ luật cao trong mọi công việc, to cũng như nhỏ; phải thương yêu đồng chí, quý cán bộ; phải đem tinh thần yêu nước hòa hợp với tinh thần quốc tế chân chính; phải giữ vững khối đại đoàn kết.
Trong cơn bĩ cực này, đất nước sẽ thái lai nếu toàn Đảng, toàn dân ta thực hiện những điều như thế, theo đúng tinh thần mà Bác Hồ đã truyền lửa vào trong Đảng.
Toàn dân chung sức, một lòng vượt qua Covid-19
Đại hội XIII của Đảng cũng vẫn tinh thần của Bác để vượt khó và bứt phá. Học tập tinh thần của Bác còn là ở chỗ: Áp dụng lý luận Mác - Lênin một cách phù hợp trong mỗi một trường hợp; luôn luôn kết hợp sự mềm dẻo của chiến thuật với sự cứng rắn của nguyên lý, không vì lợi ích thiển cận nhất thời mà chệch hướng cách mạng.
Khi định ra những khẩu hiệu và chính sách, không được theo lối công thức, mà phải căn cứ vào những điều kiện cụ thể ở trong và ngoài nước, chú trọng kinh nghiệm của nước mình đồng thời học hỏi kinh nghiệm của các nước.
Dịch Covid-19 vẫn còn đó. Những thách thức vẫn còn đó trong mỗi bước đi lên của cách mạng Việt Nam. Nhưng, dù thế nào đi chăng nữa, cả nước phải tiếp tục “xắn tay áo lên làm” như lời Bác Hồ nói với cán bộ và nhân dân Thanh Hóa khi Người về thăm đầu năm 1947. Trên dưới đồng lòng, cả nước góp sức thì không có khó khăn trở ngại nào làm chùn bước tiến của cả một dân tộc Việt Nam đầy khát vọng phát triển. Những xấu xa, lực cản vướng chân rồi sẽ bị gạt bỏ.
Có lẽ trong đại dịch Covid-19 này, chỉ duy nhất có Việt Nam tuyên bố coi chống dịch như chống giặc. Mục tiêu kép, vừa chống dịch, vừa phát triển, đang là cái đích phấn đấu của mỗi một người Việt Nam yêu nước theo gương Bác Hồ.
Mùa Xuân Việt Nam gắn với bao kỷ niệm đáng tự hào, khởi đầu từ mùa Xuân Canh Ngọ năm 1930 Đảng ta ra đời. Mùa Xuân này, Đảng bước vào Đại hội XIII với sức sống mới.
Đó cũng là hào khí của đất nước, hào khí của lãnh tụ Hồ Chí Minh để lại cho nhiều thế hệ người Việt Nam yêu nước. Một đất nước Việt Nam, đất nước của Hồ Chí Minh, người anh hùng dân tộc vĩ đại, danh nhân văn hóa thế giới thì những khó khăn trở ngại trên con đường đi lên xây dựng một đất nước độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội không thể ngăn được bước tiến thần tốc.
Xem thế, để thấm thía thêm một điều rằng, giá trị cuộc đời và sự nghiệp của Bác Hồ chính là giá trị của giải phóng, đổi mới và phát triển.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận