Ông Mai Thành Phương (giữa), Chủ tịch Công đoàn Đường sắt VN chúc Tết tổ lái tàu SE1/2 |
Anh Lê Xuân Linh, Quản đốc Phân xưởng Vận dụng, Xí nghiệp Đầu máy Đà Nẵng cho biết, năm nào cũng vậy, trước khi vào chiến dịch vận tải Tết, Xí nghiệp Đầu máy Đà Nẵng lại tổ chức lễ ra quân, gọi vậy cho long trọng, chứ thực chất là gặp mặt anh em lái tàu cùng gia đình. Xí nghiệp mời vợ con anh em lái tàu từ các khu vực về dự, tổ chức đưa đón, chỗ ăn, nghỉ chu đáo. Lãnh đạo xí nghiệp gửi lời cảm ơn đến “hậu phương” vững chắc của anh em đã thông cảm với đặc thù nghề nghiệp của chồng, hầu như Tết nào cũng vắng bóng người chồng, người cha.
“Nghề lái tàu vốn đã vất vả, căng thẳng, lái tàu Tết lại càng áp lực. Vì vậy, cái chính vẫn là quan tâm, lo Tết cho anh em để anh em yên tâm đi tàu”, Chủ tịch Công đoàn Xí nghiệp Đầu máy Đà Nẵng Lê Văn Tiến chia sẻ và cho biết thêm, bên cạnh việc chăm lo về vật chất, chuyên môn, công đoàn xí nghiệp thực hiện nhiều hoạt động động viên về tinh thần như: Trao quà Tết tại các trạm đầu máy; Đi áp máy (cùng trên cabin đầu máy kéo tàu với ban máy) vừa là kiểm tra, vừa là động viên lái tàu; Thăm hỏi các gia đình công nhân lái tàu có hoàn cảnh khó khăn, gia đình các lái tàu đi tàu đêm Giao thừa, mùng 1 Tết...
Tương tự, ông Đậu Hồng Điệp, Chủ tịch Công đoàn Xí nghiệp Đầu máy Hà Nội cho biết, trong dịp Tết vừa qua, lãnh đạo xí nghiệp và công đoàn xí nghiệp đã chúc Tết, tặng quà cho từng ban lái làm nhiệm vụ trong dịp Tết. Năm nào cũng vậy, cứ đến đêm Giao thừa, xí nghiệp lại có một ban lái làm nhiệm vụ đưa đoàn tàu cuối cùng trong năm rời ga Hà Nội để vào Sài Gòn. Đây là trách nhiệm và cũng là vinh dự. Vậy nên năm nào lãnh đạo xí nghiệp cũng như công đoàn cũng đến tận nơi để tiễn đoàn tàu cuối cùng trong năm, chúc Tết tổ tàu và hành khách.
Những ai dù chỉ một lần đặt chân lên đầu máy, theo những người lái tàu mới thấy hết những áp lực, căng thẳng mà người lái tàu phải đối mặt. Trên cabin đầu máy chật hẹp, mùa hè nóng như nung, như đốt, mùa đông trên đất Bắc rét cắt da, cắt thịt. Đập vào tai là cả mớ âm thanh ầm ầm, hỗn độn: Tiếng bánh sắt đập, nghiến trên thanh ray, tiếng còi tàu như ép vào lồng ngực, tiếng động cơ đầu máy…
Quá trình ngồi trên cabin bám máy bám đường căng thẳng, không chỉ tập trung cao độ mắt nhìn, quan sát, tay điều khiển, miệng hô - đáp liên tục, mà còn phải cho tàu chạy đúng tốc độ, thời gian quy định. Trong khi đó, đường ngang, đường dân sinh dày đặc, nguy cơ tai nạn rình rập, xảy ra không biết lúc nào. Thế nên các lái tàu phải thường xuyên tập trung cao độ để xử lý các tình huống phát sinh, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các chuyến tàu.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận