Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân chủ trì phiên họp sáng 5/10 |
Đó là câu hỏi mà Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đặt ra tại phiên họp thứ tư của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 5/10, khi cho ý kiến vào báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới.
Trình bày Báo cáo kết quả giám sát về chương trình xây dựng nông thôn mới, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, đến ngày 31/12/2015, cả nước có 1.526 xã - chiếm 17,1% tổng số xã đạt tiêu chí nông thôn mới và tháng 9/2016, đã có 2.045 xã chiếm 23% đạt tiêu chí nông thôn mới, có 24 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt tiêu chí nông thôn mới. Về nguồn vốn thực hiện chương trình, trong 5 năm cả nước đã huy động khoảng 851.380 tỷ đồng. Quốc hội đã phân bổ vốn Trái phiếu Chính phủ cho chương trình giai đoạn 2014-2016 là 15.000 tỷ đồng.
>>> Xem thêm video:
Ghi nhận chương trình xây dựng nông thôn mới tạo được diện mạo tốt, nhất là ở vùng sâu vùng xa, rút ngắn khoảng cách giàu nghèo, nhưng Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Võ Trọng Việt cũng cho rằng, các tiêu chí đề ra còn máy móc, dập khuôn, vô hình trung làm nhiều vùng sâu, vùng xa nhụt chí, nhìn vào tiêu chí không dám làm. “Tôi thấy còn có tình trạng nóng vội, chạy theo phong trào, thành tích. Để có 19 tiêu chí nhằm được công nhận nông thôn mới thì nhiều nơi cố làm cho được. Hơn nữa, tư tưởng đội ngũ cán bộ ở dưới nặng về xin tiền chứ chưa nghĩ cách tìm ra giải pháp hiệu quả, chất lượng mà tiêu ít tiền”, ông Việt nói.
Nhiều Bộ, ngành “né” trả lời kiến nghị của cử tri Chiều qua (5/10), Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII. Theo Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải, Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ tuy đã kịp thời tiếp thu, nghiên cứu giải quyết và trả lời kiến nghị của cử tri nhưng vẫn còn hiện tượng quá chú trọng tới việc trả lời cử tri mà chưa chú trọng, quan tâm thỏa đáng tới việc giải quyết các kiến nghị của cử tri. Việc phân loại kiến nghị cử tri của một số bộ, ngành còn chưa thực sự rõ ràng, còn hiện tượng né tránh những kiến nghị của cử tri cần phải tiếp thu để xử lý, giải quyết. Việc ban hành văn bản trả lời kiến nghị cử tri là trách nhiệm của Bộ trưởng, trưởng ngành, tuy nhiên vẫn còn hiện tượng ở một số bộ, ngành lại giao cho cấp phó trả lời. |
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cũng thông tin, trong quá trình xây dựng nông thôn mới, có 53/63 tỉnh, thành phố có nợ đọng với số tiền khoảng 15.277 tỷ đồng, cá biệt đã có địa phương mất khả năng thanh toán gây dư luận không tốt trong nhân dân. Cụ thể hơn, 3.637 xã có nợ đọng (chiếm 40,7% số xã xây dựng nông thôn mới cả nước) với mức nợ bình quân khoảng 4,2 tỷ đồng/xã).
Đáng chú ý, tổng số nợ đọng của 15 địa phương có số nợ cao nhất chiếm tới 80,7% tổng số nợ đọng của cả nước. Các địa phương có số nợ đọng lớn tập trung chủ yếu ở khu vực phía Bắc, Đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung bộ, cũng là khu vực có phong trào xây dựng nông thôn mới dẫn đầu cả nước.
Nhấn mạnh mục tiêu quan trọng nhất trong xây dựng nông thôn mới là để đảm bảo phát triển bền vững, nhưng Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân lại bày tỏ băn khoăn khi lâu nay dường như chúng ta chỉ đua nhau xây dựng công trình, dự án chứ chưa đầu tư cho sản xuất theo hướng tăng chất lượng, tăng giá trị gia tăng. “Như thế thì lấy tiền đâu mà trả nợ?” , Chủ tịch Quốc hội đặt câu hỏi.
Trả lời câu hỏi này, ông Vũ Hồng Thanh cho biết, các địa phương nói sẽ dùng quỹ đất nhưng đoàn giám sát thì băn khoăn, vì với thị trường bất động sản như hiện nay thì giải pháp này không mấy khả thi. Trong khi đó, đoàn giám sát cũng chưa thấy có giải pháp khả thi nào.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng, nếu tính tỷ lệ thì hơn 15.000 tỷ nợ đọng so với trên 1 triệu tỷ dành cho xây dựng nông thôn mới thì không phải là lớn, nhưng đáng lưu ý là số nợ lại chỉ tập trung ở một số địa phương. Ông Cường hứa sẽ yêu cầu các địa phương bằng mọi biện pháp sẽ trả nợ.
Chưa an tâm, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu bày tỏ lo lắng và cho rằng, Bộ NN&PTNT cần đề nghị Bộ Tài chính sớm xử lý vấn đề này, nếu không vỡ nợ thì rất rắc rối.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận