Thời sự

Nợ công: Hai bộ vay, một bộ chia và trả nợ là không ổn

13/09/2017, 06:21

Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về nợ công, giao Bộ Tài chính làm đầu mối giúp Chính phủ...

4

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại phiên họp

Đó là ý kiến thống nhất được các thành viên Uỷ ban TVQH đưa ra tại phiên họp thứ 14 diễn ra chiều 12/9, khi cho ý kiến lần 2 về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Quản lý nợ công (sửa đổi). 

Một đầu mối hay ba đầu mối?

Chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan trong quản lý nợ công là một trong những vấn đề có nhiều ý kiến khác nhau, cũng đã được tranh luận rất nhiều tại các phiên thảo luận của Uỷ ban TVQH và Quốc hội nhưng vẫn chưa đi đến thống nhất.

Lần này, trình dự thảo Luật Quản lý nợ công (sửa đổi), Chính phủ vẫn muốn giữ nguyên quy định như hiện hành tại Luật Quản lý nợ công 2009 nhằm ổn định bộ máy, không gây xáo trộn tổ chức, chức năng và nhiệm vụ của ba cơ quan.


Kết luận, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đánh giá, quản lý nợ công là vấn đề quan trọng, nhất là trong điều kiện nợ công đang tăng cao sát trần, vì thế, sửa đổi luật phải khắc phục được các hạn chế tồn tại. Về đầu mối quản lý, ông Hiển nhấn mạnh quy định theo hướng Chính phủ thống nhất quản lý nợ công, Bộ Tài chính là cơ quan đầu mối giúp Chính phủ quản lý nợ công và phải chịu trách nhiệm chính về vấn đề nợ công.

Mới đây, Bộ Tài chính đã dự báo đỉnh nợ công sẽ rơi vào năm 2017 - 2018 và có thể giảm dần trong những năm sau đó. Cụ thể, với giả định rằng tăng trưởng GDP vào khoảng 6,7 - 7% thì nợ công năm 2017 sẽ lên đến 64,8% GDP. Năm 2018, nợ công vẫn duy trì ở mức cao, vào khoảng 64,7% GDP. Và phải đến 2020, nợ công mới có thể giảm điểm phần trăm, lùi về 63,7%. Tuy nhiên, Bộ Tài chính nhấn mạnh đây chỉ là kết quả dựa trên giả định, còn mức cụ thể sẽ tuỳ tình hình kinh tế của từng năm mà có sự thay đổi. 

Theo đó, Bộ Tài chính là cơ quan giúp Chính phủ thống nhất quản lý nợ công, chủ trì đàm phán, ký kết các hiệp định, thỏa thuận vay cụ thể (trừ các thỏa thuận vay với các tổ chức tài chính quốc tế do Ngân hàng Nhà nước chủ trì); Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì thống nhất quản lý vốn vay ODA, trong đó chủ trì vận động, điều phối, đàm phán ký kết các hiệp định khung về ODA và vay ưu đãi; Ngân hàng Nhà nước thực hiện vai trò chủ trì đàm phán ký kết các hiệp định vay ODA với các tổ chức tài chính quốc tế (Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển châu Á).

Tuy nhiên, rất nhiều ý kiến cho rằng nên quy về một đầu mối chứ không nên để ba đầu mối như hiện tại. Quan điểm của cơ quan thẩm tra cũng đề nghị theo hướng này. Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải cho biết, đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban thẩm tra đề nghị luật cần quy định rõ: Chính phủ thống nhất quản lý Nhà nước về nợ công, giao Bộ Tài chính làm đầu mối giúp Chính phủ quản lý Nhà nước về nợ công và quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của bộ trong việc này. Chính phủ phân công nhiệm vụ đối với các bộ, ngành có liên quan trong việc phối hợp với Bộ Tài chính trong quản lý nợ công.

Một số ý kiến trong Thường trực Ủy ban cho rằng, cần quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan trong quản lý nợ công. Việc chỉ quy định chung chung, không xác định cụ thể chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan trong nội dung dự thảo luật sẽ dẫn đến nhiều nội dung phải giao Chính phủ quy định, chưa bảo đảm tính cụ thể, chưa hạn chế tình trạng “luật khung, luật ống”, sẽ phát sinh khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng việc Chính phủ quản lý thống nhất là đương nhiên, nhưng phải có đầu mối giúp Chính phủ, chịu trách nhiệm trước Chính phủ về vấn đề đó. Chủ tịch Quốc hội đánh giá “không thấy Bộ Tài chính tiếp thu, thậm chí còn thụt lùi so với luật cũ”, đồng thời bày tỏ quan điểm đồng tình với đa số ý kiến của cơ quan thẩm tra luật.

Bộ trưởng chịu trách nhiệm mới giám sát, chất vấn được

Cho rằng cả hai phương án được đưa ra đều chưa thuyết phục, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Võ Trọng Việt nhận định đây là vấn đề lớn, không chỉ tác động về mặt cơ chế, tổ chức bộ máy mà tác động đến tâm tư, tình cảm, trách nhiệm của nhiều Bộ. Ông cũng băn khoăn nếu để một đầu mối thì tổ chức mới này hoạt động thế nào, liệu có hơn ba đầu mối như cũ không, liệu có phát sinh biên chế mới, công việc mới?

Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng ông Võ Trọng Việt hiểu chưa đúng, vì đây không phải thành lập tổ chức mới. “Sắp tới, Bộ Chính trị ra chỉ thị là một việc không để nhiều Bộ làm, sắp xếp lại chức năng nhiệm vụ của từng Bộ. Hội nghị T.Ư 6 tới đây sẽ bàn. Có nghĩa là không thành lập tổ chức mới, biên chế mới, công việc mới. Lâu nay công việc cũ nhưng một việc nhiều Bộ làm, hai chỗ đi vay, một chỗ chia tiền, rồi cuối cùng anh được giao trách nhiệm chính quản lý nhà nước về nợ công thì đi trả nợ. Bất hợp lý là ở đây, chúng ta cần sửa chỗ này, chứ không lập tổ chức mới”, Chủ tịch Quốc hội phân tích rõ.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, không thể sửa luật mà lại có bước lùi, sửa thì quy định phải tiến bộ hơn. Theo Chủ tịch Quốc hội, không thể nói giao hết cho Chính phủ mà phải có một ông Bộ trưởng chịu trách nhiệm thì mới giám sát và chất vấn được, “chứ cứ tùm lum thì đâu có giám sát được”. “Vừa qua do quản lý cắt khúc nên đến hạn trả nợ thì không trả nợ được mà lại đi vay để đáo hạn, giờ nợ công gần chạm trần và cứ đến hạn là phải vay tiếp để đáo hạn”, Chủ tịch Quốc hội nói.

Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cũng đồng tình phương án quy định Bộ Tài chính là cơ quan đầu mối giúp Chính phủ quản lý nợ công. Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc thì nhìn nhận, chúng ta đang cải cách hành chính, nếu một việc giao cho ba cơ quan không thể nói là cải cách được.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.