HANIFF - Liên hoan phim quốc tế hiếm hoi của điện ảnh Việt Nam |
Liên hoan phim (LHP)Việt Nam lần thứ 20 sẽ tổ chức từ ngày 24/11 tại Đà Nẵng. Lần đầu tiên trong lịch sử LHP, một giải thưởng điện ảnh quốc tế có tên Giải thưởng Phim ASEAN (ASEAN Film Award) sẽ được khởi xướng.
Giải thưởng hoành tráng
Ý định thiết lập một giải thưởng điện ảnh quốc tế như trên đã được nhen nhóm từ giữa năm, song diện mạo của nó gần đây mới được công bố. Theo đó, Giải thưởng Phim ASEAN hứa hẹn bao gồm bốn hạng mục chính: Giải thưởng phim xuất sắc nhất (trị giá 3.000 USD); Giải Đạo diễn xuất sắc nhất; Giải Nam diễn viên xuất sắc nhất và Giải Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất. Tại đây, các sản phẩm dự thi cũng phải tuân theo yêu cầu về thời gian công chiếu thương mại, lịch trình ra mắt và phát hành chi tiết không kém các liên hoan phim quốc tế lớn.
Sự ra đời của Giải thưởng phim ASEAN có thể xem như mưa rào ngày nắng hạn, hứa hẹn mở rộng cánh cửa điện ảnh Việt Nam với các quốc gia khu vực. |
Thành phần ban giám khảo, sau nhiều ngày “đo ni đóng giày” cuối cùng đã lộ diện. Tất cả đều là những tên tuổi lớn đã từng “cầm cân nảy mực” ở nhiều sự kiện điện ảnh lớn khác. Đó là, đạo diễn Hàn Quốc Huyong - Koon Kim, cựu Chủ tịch Hiệp hội Các nhà sản xuất phim Hàn Quốc; Roger Garcia, Giám đốc điều hành Viện Hàn lâm Giải thưởng điện ảnh châu Á; Karolina Bielawska, đạo diễn biên kịch nổi tiếng của Ba Lan đương đại. Đáng chú ý là Ban giám khảo lần này hoàn toàn độc lập với Ban giám khảo LHP Việt Nam, hứa hẹn tiêu chí chấm giải và gu thưởng thức mới.
Với quy mô như vậy, Giải thưởng phim ASEAN hứa hẹn sẽ vượt ra khỏi tầm vóc đơn thuần là kỷ niệm 50 năm thành lập hiệp hội, hướng tới trở thành sân chơi lớn cho điện ảnh khu vực Đông Nam Á do Việt Nam tổ chức. Bà Ngô Phương Lan, Cục trưởng Cục Điện ảnh phấn khởi cho hay: “Điện ảnh Việt Nam đến với bạn bè khu vực ASEAN và quốc tế nhiều hơn qua giải thưởng này. Bạn bè sẽ thấy điện ảnh Việt Nam đã phát triển như thế nào và chúng ta sẵn sàng cùng các bạn ra thế giới”.
Việt Nam vẫn thiếu LHP quốc tế
Những LHP lớn trên thế giới như: Cannes, Venice, Berlin, Thượng Hải đều mang tầm quốc tế. Dieter Kosslick, Chủ tịch Liên hoan phim Berlin từng phát biểu: “Chúng tôi coi điện ảnh như một công cụ đối thoại giữa các nền văn hóa”. Ở Đông Nam Á, việc triển khai LHP quốc tế đang diễn ra rầm rộ, đặc biệt là Philippines với khoảng 16 sự kiện được tổ chức, đình đám nhất là LHP World Premieres và LHP Binisaya. Indonesia có trung bình 6 LHP quốc tế diễn ra thường niên, trong khi Singapore và Thái Lan duy trì ở mức 4 sự kiện. Ngay cả Lào cũng đang đều đặn tổ chức hai LHP quốc tế hàng năm tại Luông Prabang và Viêng Chăn.
Nhìn sang các nước bạn, Việt Nam rõ ràng thiếu hẳn đi các sân chơi cỡ lớn như vậy. Cả nước mới chỉ có duy nhất LHP quốc tế Hà Nội (HANIFF) diễn ra định kỳ 2 năm một lần. LHP châu Á - Thái Bình Dương được luân chuyển giữa các nước và lâu lâu mới diễn ra ở Việt Nam. Thiếu LHP quốc tế, trong khi các “ao làng” như: Bông Sen, Cánh Diều đang ngày càng bị phàn nàn về chất lượng. Vấn đề là ở chỗ, quá nhiều rào cản để xây dựng các LHP quốc tế tại Việt Nam. Đạo diễn Đào Bá Sơn phân tích: “Thực chất sự phát triển điện ảnh của chúng ta chưa đủ mạnh, vẫn còn là một vùng sâu, vùng xa trong làng điện ảnh. Số lượng và đặc biệt là chất lượng phim còn thấp, muốn làm thêm LHP quốc tế cũng không nổi. Tổ chức được một sự kiện như HANIFF là quý lắm rồi”.
Ngoài vấn đề về chuyên môn, yêu cầu về thương mại cũng là nỗi đau đầu lớn. HANIFF đã trải qua 4 lần tổ chức (từ năm 2010), song vẫn chưa thể bán vé vào cửa. NSND Đặng Nhật Minh thẳng thắn nói: “Thế giới có hơn 3.000 LHP quốc tế, phần lớn là tư nhân tổ chức. Chỉ có Việt Nam là do Nhà nước bỏ tiền, thành ra muốn cũng không thể tổ chức nhiều do điều kiện kinh tế khó khăn. Hiện nay, được bao nhiêu là quý bấy nhiêu”. Trước khi có HANIFF, chính đạo diễn phim Đời cát cũng từng đề nghị lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên - Huế tổ chức LHP quốc tế trong khuôn khổ Festival Huế nhưng không được hưởng ứng, vì sợ không huy động được tài trợ và không bán được vé.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận