Tổng nợ xấu của 9 ngân hàng niêm yết trên thị trường chứng khoán đã công bố báo cáo tài chính tăng 11.000 tỷ đồng so với hồi đầu năm - Ảnh: Khánh Linh |
Nợ có khả năng mất vốn tăng mạnh
Theo báo cáo tài chính (BCTC) quý II vừa công bố, Ngân hàng Eximbank có thu nhập lãi thuần 743,72 tỷ đồng, cao hơn cùng kỳ năm ngoái là 658,12 tỷ đồng. Tuy nhiên, quý này, chi phí dự phòng rủi ro của ngân hàng tới 384,15 tỷ đồng, cao gần gấp đôi quý II/2015 là 166,43 tỷ đồng. Sở dĩ trích lập dự phòng rủi ro của Eximbank tăng là do nợ xấu của ngân hàng trong quý II tăng đột biến từ 1,8% đầu năm lên 2,2% đến hết quý II (tương đương nợ xấu 4.286,7 tỷ đồng). Đáng chú ý, nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) tăng từ 802,16 tỷ đồng lên 1.073,8 tỷ đồng. Nợ xấu khiến lợi nhuận sau thuế của Eximbank quý này chỉ vỏn vẹn 36,72 tỷ đồng, cao hơn cùng kỳ năm trước, nhưng tính gộp 6 tháng, mức lợi nhuận 60,69 tỷ đồng kém xa 6 tháng năm 2015 là 442,05 tỷ đồng. Thông tin với báo chí, Tổng giám đốc Eximbank Lê Văn Quyết cho biết, nguyên nhân nợ xấu cao là do một số khách hàng lớn và lâu năm của ngân hàng gặp khó khăn, chậm trả nợ. Bên cạnh đó, ngân hàng không “treo” nợ như trước mà có tới đâu công khai tới đó.
Không riêng Eximbank, nợ xấu của Sacombank cũng tăng từ 1,85% hồi đầu năm lên 2,8% tính đến 30/6. Trong đó nợ nhóm 5 chiếm tỷ trọng cao nhất và cũng tăng từ 3.070,68 tỷ đồng đầu năm lên 3.210,5 tỷ đồng đến hết quý II. Nợ xấu của Ngân hàng SHB tăng từ 1,7% lên 2,2%. Trong đó, nợ nhóm 5 cũng chiếm con số cao nhất và tăng từ 1.282,6 tỷ lên 1.641,4 tỷ đồng...
TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho hay, tính chung cả hệ thống ngân hàng, tỷ lệ nợ xấu đã tăng từ 2,55% hồi cuối năm 2015 lên mức 2,62% đến cuối tháng 3/2016. Đáng chú ý, hoạt động mua bán và xử lý nợ xấu không có nhiều chuyển biến trong quý II cũng như cả 6 tháng đầu năm. Theo ghi nhận của CIEM, các ngân hàng thương mại cũng chưa xây dựng định hướng và kế hoạch tiếp tục xử lý nợ xấu trong thời gian tiếp theo.
Nợ xấu 9 ngân hàng niêm yết gần 45.000 tỷ đồng
Tỷ lệ nợ xấu giảm từ 1,8% xuống còn 1,7% nhưng tính theo con số tuyệt đối thì nợ xấu tại Vietcombank vẫn tăng từ 7.137,2 tỷ đồng lên 7.470 tỷ đồng. Ông Phạm Mạnh Thắng, Phó tổng giám đốc Vietcombank cho hay, con số nợ xấu tuyệt đối của ngân hàng tăng là do có khoản nợ chuyển từ nợ nhóm II “nhảy” sang theo cách tính theo Thông tư mới của Ngân hàng Nhà nước và thêm một khoản cho vay khách hàng liên quan tới thủy điện. “Chúng tôi đang xử lý các khoản nợ xấu và sẽ cố gắng duy trì tỷ lệ ở mức này”, ông Thắng nói.
Trong quý II, tín dụng của hệ thống ngân hàng ước tăng khoảng 4,96%, cao hơn mức tăng của quý I là 3,04%. Lũy kế đến cuối tháng 6, tổng dư nợ tín dụng tăng khoảng 8,16% so với cuối năm 2015. Nguyên nhân tín dụng tăng trong quý II, theo CIEM có thể là do xu hướng thúc đẩy giải ngân tín dụng trong quý I trước đồn đoán về khả năng ngừng tín dụng ngoại tệ hay gói tín dụng 30.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội hay gia tăng phát hành Trái phiếu Chính phủ và tác động chèn lấn đối với hoạt động tín dụng. |
Theo thống kê, tổng nợ xấu của 9 ngân hàng niêm yết trên thị trường chứng khoán đã công bố BCTC là gần 45.000 tỷ đồng, tăng 11.000 tỷ đồng so với hồi đầu năm nay là 34.000 tỷ đồng. Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) TS. Nguyễn Đức Thành cho hay, xử lý nợ xấu của ngân hàng vẫn chỉ là gom nợ vào “kho”, nghĩa là có thể mang lại thay đổi về lượng nhưng không thay đổi căn bản về chất. Điều quan trọng là chưa thấy hướng giải quyết khối nợ này. Nếu không giải quyết được, chuyên gia này lo ngại các ngân hàng có thể tự giải quyết bằng cách tăng lãi suất.
Chính vì thế, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, cần phải quan tâm tới vấn đề nợ xấu hơn nữa vì thu hồi rất khó khăn. Con số tuyệt đối của nợ xấu tại nhiều ngân hàng tăng lên, theo ông Hiếu là vì từ đầu năm tới nay các ngân hàng không bán nợ cho Công ty Quản lý tài sản (VAMC) nên nợ phát sinh bao nhiêu sẽ nằm lại ngân hàng bấy nhiêu. “Một số khoản nợ tái cơ cấu theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước nhưng không thực sự phục hồi được nên cũng chuyển thành nợ xấu. Nợ này cộng với nợ cũ nên đẩy con số nợ xấu tăng lên”, ông Hiếu nói. Thêm nữa, do từ đầu năm tới nay tín dụng chảy mạnh vào bất động sản cũng phát sinh thêm nợ xấu.
Về đề xuất đẩy thêm tín dụng những tháng cuối năm để phục hồi sản xuất, chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu cho hay: “Tăng tín dụng là điều bắt buộc nhưng vẫn phải quản chặt nợ xấu”. “Điều quan trọng hiện nay là món nợ xấu nằm ở VAMC phải được xử lý. Vì nó ở đó rất lâu rồi mà mới được xử lý hơn 10%”, ông Hiếu nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận