Y tế

Nỗi lòng bác sĩ điều trị chống nCoV

13/02/2020, 06:58

Có lẽ, với nhiều người, BV Bệnh Nhiệt đới T.Ư như 1 “ổ dịch”, bởi nơi đây đã tiếp đón nhiều ca có nghi ngờ và ca nhiễm virus Corona chủng mới...

img
Chiều 10/2, lãnh đạo Bộ Y tế chúc mừng các bác sỹ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư và 3 bệnh nhân nhiễm nCoV được điều trị khỏi

Những cuộc gọi điện chớp nhoáng qua facetime vì nhớ con, giọt nước mắt thoáng đọng nơi khóe mắt khi bệnh nhân bất hợp tác, cả những kỳ thị từ cộng đồng… là những gì đội ngũ y, bác sĩ tại một số khoa, phòng Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư nếm trải những ngày qua trong cuộc chiến chống virus nCoV.

Hàng xóm dè chừng

Theo quy tắc, các đối tượng cách ly không thường xuyên thăm khám (do bệnh nhân không có biểu hiện bệnh), hạn chế tối đa số cơ hội tiếp xúc, bệnh nhân được phát bộ câu hỏi và trả lời, cũng qua đó để họ hiểu mình cần theo dõi thế nào. Sau đánh giá bộ câu hỏi, nếu có vấn đề thì cần đánh giá trực tiếp, nhưng nhiều bệnh nhân cho rằng “mình bị cách ly nhưng không được quan tâm”. “Những lời phàn nàn ấy có người gọi thẳng vào đường dây nóng, có người viết lên Facebook, thậm chí phản ứng trực tiếp với đội ngũ cán bộ y tế. Họ không hiểu trong mùa dịch, nhất là dịch bệnh lây qua đường hô hấp thì việc tiếp cận cần hạn chế tối đa.
BS. Nguyễn Trung Cấp, Trưởng khoa Cấp cứu, BV Bệnh Nhiệt đới T.Ư


Bước chân lên tuyến buýt 03, khi chúng tôi hỏi liệu xe có chạy tới điểm Bệnh viện (BV) Bệnh Nhiệt đới T.Ư cơ sở 2 ở Kim Chung, Đông Anh hay không, anh tài xế buông lời: “Các cô mò vào đó làm gì, giờ phải tránh xa ra chứ” rồi nhanh tay kéo chiếc khẩu trang lên cao.

Có lẽ, với nhiều người, BV Bệnh Nhiệt đới T.Ư như 1 “ổ dịch”, bởi nơi đây đã tiếp đón nhiều ca có nghi ngờ và ca nhiễm virus Corona chủng mới (nCoV). Thế nhưng, ít ai biết, ngay khi nhà nhà đón Tết sum vầy thì các y, bác sĩ nơi đây đã nhận lệnh “cấm rời khỏi Hà Nội”, sẵn sàng phòng chống dịch bệnh, tiếp đón và điều trị bệnh nhân.

“Cả Tết, anh chỉ kịp có nửa ngày mùng 2 tranh thủ về quê cách Hà Nội 70km, nhận được điện thoại từ BV là lộn về ngay và có mặt ở BV đến bây giờ”, BS. Nguyễn Trung Cấp, Trưởng khoa Cấp cứu, BV Bệnh Nhiệt đới T.Ư chia sẻ. Cũng như anh, nhiều y, bác sĩ khác, nhất là tại Khoa Cấp cứu gần như không có Tết khi căng mình đón bệnh nhân nghi nhiễm dịch bệnh do nCoV cần cách ly và điều trị.

BS. Trung Cấp cho biết: Khi mới xuất hiện số ít các ca nghi ngờ cần sàng lọc thì được tiếp đón tại khoa Cấp cứu, khi số ca tăng dần, toàn bộ diện tích các Khoa Ký sinh trùng, rồi Khoa Nội được tăng cường dành tiếp nhận bệnh nhân nghi ngờ nhiễm. Còn toàn bộ Khoa Cấp cứu tại cơ sở 2 trở thành khu điều trị cho các bệnh nhân nhiễm nCoV. Điều này cũng đồng nghĩa hàng chục cán bộ y tế tại đây nhiều ngày không được về bên gia đình vì buộc phải cách ly để hạn chế tối đa lây nhiễm ra cộng đồng.

Khi nói đến khoảng thời gian không ở bên gia đình vì đặc thù công việc, BS. Cấp cất giọng: “Đây không biết là mùa dịch thứ bao nhiêu tôi cùng các anh em tham gia, thế nên gia đình cũng quen, hiểu và rất thông cảm, chia sẻ. Thế nhưng, vẫn có những người hàng xóm không hiểu, thậm chí kỳ thị.

“Khu nhà anh ở vốn toàn trí thức cả, mọi khi gặp nhau ngoài ngõ “tay bắt, mặt mừng” dăm ba câu chuyện nhưng vào mùa dịch “thì chào 1 câu rồi đi thẳng”. Cũng chẳng trách được vì ai cũng lo lắng cả”, BS. Cấp cho hay.

Với chị Đỗ Thị Hồng An (điều dưỡng Khoa Cấp cứu), nhận lịch trực tăng cường, nên 4 ngày nay chị chưa rời viện về nhà. Nhắc đến hai đứa con nhỏ phải gửi ông bà trông giúp, khóe mắt chị thoáng buồn. Ngày ngày tiếp nhận thông tin từ báo đài về dịch bệnh, bố mẹ chị và hai con liên tục gọi điện hỏi thăm “Ở viện dịch có nhiều không? Bị cách ly hay sao mà mãi không thấy về? Sao mẹ lâu về thế”… Để gia đình yên tâm, chị buộc phải nói dối chỉ tham gia tăng cường vòng ngoài thôi.

“Mặc dù mình luôn đảm bảo đúng quy trình kiểm soát nhiễm khuẩn sau mỗi ca trực nhưng hàng xóm vẫn dè chừng. Mới hôm trước, có việc sang nhà bên cạnh hỏi đồ, chị hàng xóm nói vọng ra: “Cô cứ đứng ngoài cổng, đừng vào nhà, để tôi đưa ra cho”, chị An chia sẻ.

Trong khi đó, được giao nhiệm vụ tiếp nhận, cách ly các bệnh nhân nghi ngờ nhiễm nCoV, hơn chục ngày qua, BS. Trần Hải Ninh (Khoa Nội) cùng nhiều đồng nghiệp phải tranh thủ những cuộc trò chuyện qua facetime để những đứa trẻ ở nhà vơi đi nỗi nhớ cha mẹ.

Khó thở, mất nước, không dám đi vệ sinh

img
Y, bác sỹ trực ở khu vực cách ly nhận gói quà là những gói bánh gio từ đồng nghiệp

Nói đến dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV gây ra khiến hàng vạn người nhiễm và hơn 900 người thiệt mạng tại Trung Quốc đến thời điểm này, BS. Cấp chia sẻ: “Điều khiến chúng tôi vui mừng là việc kiểm soát bệnh dịch khá hiệu quả, công tác điều trị không mấy vất vả”.

Theo các bác sỹ BV Bệnh nhiệt đới T.Ư, trong nhóm cách ly cũng đủ thành phần từ người buôn bán vùng biên, dân lao động, du học sinh, trí thức, người Việt Nam, người Trung Quốc và cả người châu Âu… Chính bởi vậy, khi vào ở cùng trong khu cách ly dễ phát sinh ra nhiều tình huống trớ trêu. Ví như người châu Âu chấp hành nghiêm túc theo chỉ dẫn của cán bộ y tế, tuy nhiên một số người Trung Quốc ngược lại hay chạy ngược chạy xuôi, ồn ào… Vậy là các bác sĩ lại nhận lời phàn nàn “vì sao bệnh viện không ổn định trật tự, lỡ đi lại nhiều lây bệnh cho nhau”. Hay sự bất đồng ngôn ngữ, đặc biệt với người Trung Quốc, khiến mỗi cuộc trao đổi đáng ra ngắn gọn, tránh tiếp xúc giờ kéo dài bởi “chuyển thể ngôn ngữ” qua vài kênh khác nhau.


Tuy nhiên, giọng BS. Cấp bỗng chùng xuống khi nhắc đến điều khiến anh cùng các đồng nghiệp thêm mệt mỏi là sự bất hợp tác của một số người nghi nhiễm nCoV bị cách ly. Chuyện là những ngày đầu, việc xét nghiệm rất khó khăn, phải mất 3 - 5 ngày mới có kết quả, thậm chí có ca trục trặc phải đợi cả tuần, bệnh nhân bức xúc: “Nằm mãi không có kết quả”. Hay khi có kết quả âm tính, trái với niềm vui mừng, phấn khởi của cán bộ y tế, người bệnh cáu kỉnh quát tháo: “Đã bảo không sao lại cứ giữ lại, đây là bệnh viện chứ ở ngoài kia thì đừng có trách”…

“Với những người nhiều năm làm nghề như chúng tôi thì dễ dàng cho qua nhưng với nhiều em điều dưỡng trẻ, mới vào nghề thì cảm thấy bị tổn thương, bao giọt nước mắt đã rơi vì điều đó”, BS. Trần Hải Ninh, Khoa Nội chia sẻ.

Trong cuộc trò chuyện tranh thủ giờ nghỉ ca, BS. Ninh cho hay: “Tính đến thời điểm này, chúng tôi không hẳn có áp lực về điều trị vì bệnh nhân không quá nặng, không có dấu hiệu suy hô hấp nên việc thực hiện chuyên môn không phức tạp, vất vả. Tuy nhiên, áp lực lớn nhất lại là thái độ bất hợp tác của người bệnh và việc mặc trang phục phòng hộ

Theo chị Ninh, mặc trang phục phòng hộ cực kỳ khó thở, nóng bức, mất nước, nhưng cán bộ y tế thậm chí phải nhịn uống nước và nhịn cả đi vệ sinh. “Bởi, đã cởi ra là buộc phải bỏ đi 1 bộ bảo hộ, hơn nữa quá trình thay bảo hộ có nguy cơ lây nhiễm nên cán bộ y tế thường “nhịn” cho hết 4 tiếng của ca làm việc”, chị Ninh giãi bày.

Chịu “khổ” với y, bác sĩ trong mỗi mùa dịch còn có đội ngũ lái xe tham gia vào vận chuyển, đội ngũ chống nhiễm khuẩn xử lý rác thải, đội ngũ phục vụ ăn uống... Mỗi công đoạn nếu thực hiện không chặt chẽ, nghiêm túc sẽ làm tăng nguy cơ lây nhiễm ra môi trường, cộng đồng. “Nhưng tất cả đều quen với “nỗi khổ” ấy. Chừng nào dịch bệnh còn, ra ngoài chưa an toàn thì chúng tôi vẫn còn phải ở lại, còn vượt lên mọi khó khăn. Cứ mỗi ca bệnh được nhận kết quả âm tính với virus, khỏe mạnh được ra viện là một điều hạnh phúc với chúng tôi rồi”, BS. Cấp nói khi chúng tôi hỏi liệu dịch kéo dài 3 - 6 tháng nữa thì sao.

Và với các anh chị nơi tuyến đầu chống dịch, họ cũng thấy ấm lòng hơn khi nhận được sự hỗ trợ, sẻ chia từ bạn bè khắp nơi, từ các đơn vị trong và ngoài ngành. Rồi cả những món quà ấm tình, dù đó là những gói bánh gio mật, thùng mỳ ăn liền, hộp sữa chua…

Việt Nam có trường hợp thứ 15 mắc nCoV

Sáng 11/2, Bộ Y tế thông tin đã ghi nhận trường hợp thứ 15 mắc nCoV tại Việt Nam, là một bé gái 3 tháng tuổi. Trong khi đó, 6 người đã được xuất viện.

Theo đó, bệnh nhân N.G.L. (nữ, 3 tháng tuổi, ở xã Quất Lưu, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc) là cháu ngoại của bệnh nhân P.T.B. (bệnh nhân có liên quan đến bệnh nhân N.T.D. - 1 trong 8 người đi từ Vũ Hán về đã được báo cáo trước đây, được điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư và ra viện ngày 10/2).

Như vậy, tính đến thời điểm này, Việt Nam đã có 15 người bị bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona, riêng tỉnh Vĩnh Phúc có 10 trường hợp.

Đến hết buổi sáng 11/2, số liệu của các cơ quan chức năng Trung Quốc và thế giới cho thấy 1.018 người tử vong vì virus Corona chủng mới (2019-nCoV). Số ca nhiễm bệnh tăng lên hơn 43.100 trường hợp. Cũng đã có 4.026 ca được chữa khỏi.

P.V

Người phụ nữ trốn khỏi khu cách ly ở Lạng Sơn hiện đang ở Trung Quốc

Trao đổi với PV Báo Giao thông ngày 11/2, một lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn cho biết, cơ quan chức năng đã xác định được vị trí bà N.T.D. (44 tuổi, ở huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng) sau khi người này bỏ trốn khỏi khu cách ly dịch virus Corona tại Trung đoàn 123 thuộc Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Lạng Sơn.

Theo đó, bà D. được xác định đang ở khu vực cửa khẩu Pò Chài (Trung Quốc), đối diện với cửa khẩu Tân Thanh, tỉnh Lạng Sơn. Hiện, cơ quan chức năng của tỉnh đã trao đổi vụ việc bà D. bỏ trốn với Công an Trung Quốc. Lực lượng chức năng hai nước sẽ sớm phối hợp đưa người phụ nữ này tiếp tục vào khu cách ly theo quy định.

Trước đó, chiều 10/2, trong quá trình điểm danh, Trung đoàn 123 phát hiện bà D. vắng mặt tại khu cách ly. Lực lượng chức năng tỉnh Lạng Sơn đã liên lạc với chính quyền, công an và Sở Y tế TP Hải Phòng đề nghị xác minh, tuy nhiên, cơ quan chức năng TP Hải Phòng xác nhận, trường hợp trên chưa trở về địa phương.

N.T

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.