Chỉ cần người dân chặn xe vào bãi rác Nam Sơn hai hôm, nhiều đường phố Hà Nội lại ngập rác. Nhưng không cần dân “phong tỏa” bãi rác, thủ đô của cả nước vẫn có rác khắp nơi, đó là thực tế phải dối diện để giải quyết.
Phố cổ Hà Nội ban đêm, quán ăn, bàn ghế, chen nhau với rác. Nếu ai biết cả thẹn, sẽ thấy chính mình như là người có lỗi.
Một cộng đồng còn vứt rác đầy đường đầy phố, từ trong nhà ra tới ngõ, thì đó là một cộng đồng chưa trưởng thành về nhận thức vệ sinh. Ăn ở dơ như vậy, đòi thành rồng thành hổ, đòi tiến bộ văn minh, đòi bạn bè quốc tế có thiện cảm với mình sao được.
Nhiều sông suối, ao hồ Hà Nội ngập rác, dưới gầm nhiều cây cầu trong thành phố cũng là nơi tập kết rác. Dân mình xả rác vô tư, chính quyền bất lực trước nạn xả rác. Hay nói đúng hơn, chính quyền không hành động đến cùng để giải quyết.
Có một vài tổ chức, nhóm người tình nguyện đi dọn rác, nhưng không ăn thua gì với lượng rác khổng lồ thải ra hằng ngày.
Còn đa số người dân thì sao? Vứt rác bừa bãi, ngồi trong ô tô quăng rác ra ngoài. Ăn uống trên vỉa hè, cạnh rác vô tư. Người Việt có nhiều tính tốt nhưng cũng không ít cái “xấu xí”. Ví dụ như, quét rác chỉ quét trước nhà mình, hắt rác sang bên cạnh là coi như mình sạch.
Không mấy ai nhận thức được rằng, ô nhiễm môi trường không có ranh giới, không có địa giới hành chính và không có biên giới quốc gia.
Cháy rừng Sumatra (Indonesia) thì khói đen bao phủ bầu trời các nước Đông Nam Á. Ô nhiễm sông Mê Kông đương nhiên 5 nước gánh chịu hậu quả. Chính vì vậy, chính phủ các nước giàu có và các tổ chức phi chính phủ bỏ công sức, tiền bạc giúp các nước nghèo bảo vệ môi trường. Họ làm vậy là họ “ tổ chức phòng ngự” từ xa với ô nhiễm.
Tiếc thay, đến nay nhiều người chưa hiểu được “đạo lý” này, trong đó không ít người có vai trò lãnh đạo. Nói thẳng luôn Hà Nội đã không biết phòng vệ từ xa, để rồi hôm nay, ô nhiễm không khí vào hàng số 1 thế giới, sức khỏe người dân bị đe dọa nghiêm trọng.
Dọn sạch rác là phòng vệ từ xa, là cách nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường cho cả cộng đồng… nhưng Hà Nội đã không làm được. Ô nhiễm từ các bãi rác sinh hoạt, ao hồ ô nhiễm và vật liệu xây dựng, không có chiến lược thu gom phân loại và xử lý rác triệt để… là tác nhân tạo ra một bầu không khí luôn ở mức báo động đỏ. Chính quyền đã không làm tốt công việc của mình, thì hậu quả không thể tránh khỏi.
Dọn rác, làm sạch môi trường là việc rất khó, vô cùng khó, nhưng đã có nơi làm được và Thừa Thiên - Huế là điển hình. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có thư khen ngợi tỉnh Thừa Thiên - Huế về việc dọn rác. Huế sạch mặt đất, sạch bầu trời, đâu đâu cũng thấy phong trào dọn rác, người dân không chấp nhận để rác sống chung với mình. Các chỉ số quan trắc môi trường của Huế cũng cho thấy những kết quả rất tốt.
Huế làm được tại sao Hà Nội không làm được?
Đã từng có ý kiến cho rằng địa phương nhỏ dễ làm, còn thành phố to quá khó làm. Xin thưa, nói như vậy là không đúng, là ngụy biện. Thành phố càng to thì nguồn lực càng lớn, càng có nhiều điều kiện để thực hiện các dự án về bảo vệ môi trường, nâng cao ý thức cộng đồng.
Nơi nào lãnh đạo có quyết tâm hành động, nơi đó sẽ sạch rác.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận