Bán nhà trả nợ vì đầu tư cổ phiếu
Phiên tòa sơ thẩm xét xử cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết và 49 bị cáo khác trong vụ nâng khống vốn điều lệ của Công ty FLC Faros, thao túng thị trường đối với 5 mã chứng khoán hiện đang diễn ra phần tranh tụng.
Bị hại Lê Ngọc Nông từ Đà Nẵng ra Hà Nội dự phiên tòa.
Vụ án khiến dư luận đặt nhiều sự quan tâm với việc tòa án triệu tập khoảng 30.000 bị hại và hơn 60.000 người liên quan. Họ gồm các nhà đầu tư từng mua cổ phiếu mang họ FLC.
Sáng 22/7, khi phiên tòa được khai mạc, hội đồng xét xử cho dựng rạp lưu động tại khu vực sân tòa án và bố trí gần 1.000 ghế ngồi. Tuy nhiên, theo ghi nhận của PV, chỉ hơn 10 nhà đầu tư đến làm thủ tục tham dự. Đến ngày thứ hai (23/7), con số này giảm hẳn, chỉ còn vài trường hợp. Sau đó, cơ quan chức năng đã dỡ bỏ rạp lưu động.
Trong số ít ỏi nhà đầu tư đến tòa án để đòi quyền lợi, anh Lê Ngọc Nông (SN 1978, trú TP Đà Nẵng) có hoàn cảnh khá đặc biệt. Anh Nông cho biết, mình đã đầu tư vào 3 mã cổ phiếu của Tập đoàn FLC với tổng số tiền khoảng 14 tỷ đồng.
Sáng 22/7, trong cơn mưa tầm tã trút xuống mái che của rạp lưu động, anh Nông lầm lũi xuất hiện trong dáng vẻ mệt mỏi. Anh vừa ngồi trên tàu hỏa hơn 15 tiếng từ Đà Nẵng ra. Sau khi đến ga Hà Nội, người đàn ông vội vàng đón xe ôm đi thêm gần 10km để đến nơi xét xử vụ án.
Năm 2017, sau khi tìm hiểu, anh Nông quyết định rút khoản tiền tiết kiệm để mua cổ phiếu ROS thông qua Sàn giao dịch HOSE. Thời gian sau đó, người này quyết định đầu tư thêm tiền để mua các mã cổ phiếu khác của FLC.
"Ban đầu, tôi chỉ lướt sóng vì có lúc lãi và có thời điểm bị lỗ", bị hại nói và cho biết, đến năm 2022, tổng số tiền mà anh đầu tư mua cổ phiếu FLC lên đến gần 14 tỷ đồng.
Anh chia sẻ: "Đó là toàn bộ số tiền mà tôi đi làm tích góp gần 30 năm và vay mượn thêm ngân hàng, người thân, bạn bè. Hiện tôi còn nắm giữ hơn 600 nghìn cổ phiếu của FLC".
Cuối tháng 3/2022, khi ông Trịnh Văn Quyết bị bắt tạm giam, anh Nông trở nên suy sụp bởi mọi giao dịch liên quan đến các mã cổ phiếu mà anh đầu tư đều bị đình chỉ.
"Tôi phải cố gắng cầm cự, vay mượn tiền khắp nơi để trả lãi cho ngân hàng. Tháng 7 năm ngoái, do không cầm cự được nữa phải bán hết nhà cửa, tài sản đi để trả nợ, rồi về tá túc nhà bố mẹ", anh Nông buồn rầu chia sẻ.
Khi nắm được lịch xét xử vụ án, anh Nông tiếp tục vay mượn tiền để ra Hà Nội đòi quyền lợi. Do không có đủ tiền mua vé máy bay, anh phải đi tàu hỏa và thuê nhà trọ gần TAND TP Hà Nội để lưu trú những ngày dự tòa.
Những đề nghị bất ngờ
Cũng trong tình cảnh tương tự, sáng 22/7, nhà đầu tư Nguyễn Trường Giang (SN 1997, ở Hà Nội) tất tả đội mưa chạy xe từ huyện Đông Anh đến trụ sở tòa án để tham gia tố tụng.
Dẫn giải bị cáo Trịnh Văn Quyết đến tòa.
"Tôi vẫn còn 38 nghìn cổ phiếu ROS trong tài khoản chưa bán được vì mã này đã bị đình chỉ giao dịch", anh Giang nói và tỏ ra lo lắng bởi theo tính toán, cổ phiếu đã bị lỗ 17%.
Theo bị hại, đây là số cổ phiếu mà anh mua tích lũy dần trong nhiều năm, từ khi còn nằm trong nhóm VN30 (nhóm 30 cổ phiếu có giá trị vốn hóa, thanh khoản cao nhất trên sàn HOSE). Đó là lý do mà các nhà đầu tư, trong đó có anh Giang và anh Nông tin tưởng mua.
Đến tòa án sau nhiều năm chờ đợi, anh kỳ vọng cùng các nhà đầu tư khác sẽ được tòa tuyên bồi thường số tiền mà họ đã mua mã cổ phiếu theo mức giá lúc mua vào.
Trong khi đó, nhà đầu tư Võ Tây Nguyên (trú TP.HCM) cũng lặn lội vượt hàng nghìn km ra Hà Nội để đòi quyền lợi. Theo bị hại này, ông mua cổ phiếu ROS và sau 2 năm vẫn còn nắm giữ 200.000 cổ phiếu.
Với ông Nguyên, ngoài đề nghị giống các nhà đầu tư là được bồi thường về dân sự, người này còn kiến nghị tòa án xem xét cho mã cổ phiếu ROS tiếp tục được niêm yết để đảm bảo quyền lợi cho người mua.
Nhà đầu tư cần làm gì để bảo vệ quyền lợi?
Là một trong gần 100 luật sư tham gia bào chữa tại phiên tòa, luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp) cho biết, vụ án xảy ra tại Tập đoàn FLC có số lượng bị hại khổng lồ.
Ngoài ra, trên 63.000 nhà đầu tư khác đang nắm giữ cổ phiếu ROS cũng được xác định là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan. Tuy nhiên, hiện mới chỉ có 95 người đưa ra yêu cầu bồi thường.
Đáng chú ý, tòa án đã triệu tập và chuẩn bị hàng nghìn chỗ ngồi cho các bị hại, song chỉ hơn 10 người có mặt tại nơi xét xử vụ án. Như vậy, nếu những người bị hại không liên hệ hoặc không đến tòa, coi như họ từ bỏ quyền và nghĩa vụ và có thể sẽ không đòi lại được tiền.
Theo luật sư, nếu các nhà đầu tư cho rằng mình đã bị chiếm đoạt tài sản khi thực hiện hoạt động đầu tư, họ cần sớm liên hệ với TAND TP Hà Nội để tham gia tố tụng, đưa ra yêu cầu đề nghị, cung cấp các tài liệu chứng cứ để chứng minh thiệt hại, làm cơ sở để yêu cầu được bồi thường.
"Về nguyên tắc, trong vụ án hình sự tòa án sẽ giải quyết cả phần dân sự là bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả. Với những vụ việc không đủ căn cứ để giải quyết phần dân sự, tòa có thể tách phần dân sự trong vụ án hình sự ra để giải quyết bằng vụ án dân sự khác khi có yêu cầu", luật sư nêu quan điểm.
Theo khuyến cáo của Bộ Công an, sau một số vụ án liên quan hành vi thao túng thị trường chứng khoán và trái phiếu, cơ quan chức năng nhận thấy các đối tượng đã lợi dụng sơ hở trong công tác quản lý nhà nước và một số quy định pháp luật, bao gồm thiếu kiểm tra, giám sát, kiểm soát của cơ quan chức năng đối với việc góp vốn điều lệ tại các doanh nghiệp.
Điều này dẫn đến hành vi khai khống, hợp thức hóa vốn, việc mở tài khoản chứng khoán rất dễ dàng, có khi chỉ cần nhờ người khác đứng tên là mở được nhiều tài khoản.
Từ những phân tích nêu trên, Bộ Công an đề nghị các nhà đầu tư chứng khoán và đơn vị quản lý cổ phiếu không nên lợi dụng những sơ hở đó để thao túng thị trường. Trường hợp tổ chức, cá nhân thực hiện những hành vi này, cơ quan điều tra sẽ xử lý nghiêm theo quy định.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận