Mấy đứa cháu tôi vừa nhắn tin: “Muốn về quê quá, nhưng không dám...”. Tôi khuyên các cháu ráng cầm cự, tránh làm ảnh hưởng đến chiến dịch chung của cả nước.
Ba người dân bị kẹt lại ở TP.HCM được chính quyền hỗ trợ chi phí ăn ở trong thời gian giãn cách
Các cháu khóc, nói sức dài vai rộng nhưng mất việc đã mấy tháng rồi, bây giờ không còn trụ nổi, phải sống dựa vào mấy gói đồ cứu trợ qua ngày, khổ quá. Tôi cũng không cầm lòng nổi. Các cháu tôi cũng như biết bao người dân ly xứ, chỉ mong được về lại quê nhà trong lúc này.
Ngày nào mấy bà chị tôi cũng gọi điện lên, cằn nhằn trách móc tụi nhỏ sao bỏ quê, bỏ xứ lên thành phố làm chi, giờ khổ sở không về được. Rồi mấy bà chị như cũng sực hiểu ra điều gì đó, chỉ ngậm ngùi an ủi các con, nói sau đợt dịch này cứ về quê mà sống…
Mùa hè năm ngoái, tôi từng lấy xe gắn máy chạy quanh các tỉnh miền Tây. Tôi ghé vào một tiệm bán trái cây ở xã Vĩnh Bình, huyện Chợ Lách (Bến Tre).
Chị chủ tiệm gương mặt buồn xo, đưa cho tôi bọc chôm chôm và nói: “Cưng ăn đi, chị không lấy tiền đâu. Vườn chôm chôm năm nay bị hạn mặn trái hư hết trơn rồi, chị bẻ được mấy trái nhưng trái nào cũng dặt dẹo, ăn chơi thì được chớ không dám bán cho ai”.
Tôi lột một trái ăn thử, thấy nó lép và ít thịt, khô nước, ăn chua chứ không ngọt. Theo hướng chị chỉ, tôi đi ra sau vườn, thấy chồng chị đang đốn bỏ mấy gốc sầu riêng vừa bị chết, nhiều cây còn treo lủng lẳng mấy chục trái non khô khốc. Đôi mắt anh buồn vời vợi.
Nhưng cũng không còn cách nào khác, cây chết thì phải đốn hạ, để qua đợt hạn mặn trồng lại lứa cây khác. Khu vườn chôm chôm gần đó cũng cháy hết lá, trái rụng lả tả quanh gốc, tôi đoán chắc chủ vườn cũng sẽ chặt bỏ nay mai, nhưng không dám hỏi.
Hôm đó tôi chạy lên cầu, nhìn xung quanh mà không tin nổi vào mắt mình. Những khu vườn trái cây xanh mướt mát ngày nào giờ đây phần lớn phủ một màu xám.
Hạn mặn làm các vườn cây cháy lá, đứng xơ rơ trong cái nắng gay gắt trưa hè. Nhiều chỗ, chủ vườn đã đốn sạch cây trái, cả khu vườn trống huơ trống hoác. Chạy vòng quanh các huyện khác, cảnh tượng cũng tương tự.
Thậm chí, các tỉnh lân cận như Sóc Trăng, Vĩnh Long, Tiền Giang, Long An, tình hình hạn mặn cũng khốc liệt không kém gì Bến Tre. Mỗi vườn cây trái chết khô trong hạn mặn là kéo theo sự kiệt quệ một gia đình, bởi từ lâu, vườn cây ăn trái là nguồn sinh kế chính của nhiều người dân miền Tây.
Sau đợt hạn mặn khốc liệt năm rồi, nhiều nông hộ ở miền Tây phá sản, đành bỏ vườn bỏ đất kéo lên Bình Dương và Sài Gòn làm thuê, khiến số người ly hương đã nhiều giờ càng nhiều hơn.
Thế nhưng, các đợt dịch bệnh cứ liên tục xuất hiện, khiến việc mưu sinh của bà con nơi đất khách quê người gặp không ít khó khăn.
Nhiều người không tìm được việc hoặc bị mất việc, phải sống lay lắt qua ngày trên thành phố bằng đủ thứ công việc tạm bợ, chỉ mong có cái ăn và chút ít tiền trang trải.
Những tưởng đó đã là nỗi khổ quá lớn với bà con miền Tây rồi. Nhưng không, đợt Covid-19 đang diễn ra mới thực sự khiến họ thấm thía hơn…
Tất cả các tỉnh, thành Nam bộ đều đang trong giai đoạn giãn cách theo Chỉ thị 16, các ca nhiễm Covid-19 lại xuất hiện liên tục, nên địa phương phải ưu tiên tập trung giải quyết tình hình dịch bệnh tại tỉnh mình. Việc đón người dân về chắc chẳng thể là việc ngày một ngày hai....
Tôi, cũng như bao người khác, giờ chỉ mong dịch bệnh sớm lùi xa, để bà con miền Tây được về với ruộng đồng sông nước. Lúc đó, hẳn nhiều đứa cháu tôi sẽ bảo, “thà ở quê mình, rau cháo gì cũng được, chớ kiếp ly hương xa xứ buồn khổ quá, tía má ơi!”...
Nhà văn Trương Chí Hùng
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận