Những ngày qua, nông dân ở một số tỉnh miền Tây phản ánh, nhiều thương lái đến đặt tiền cọc để mua lúa nhưng đến ngày cắt lúa, một số lại ép giá từ 5.600 đồng/kg xuống còn 4.900 đồng/kg. Thậm chí một số thương lái còn bỏ cả tiền đặt cọc, nông dân điện thoại thì không bắt máy…
Nông dân An Giang lo lắng khi thương lái bỏ cả tiền đặt cọc, không thu mua lúa như đã cam kết
An Giang tháo gỡ nhanh nút thắt
Anh Phan Tấn Khanh (trú ấp Tân Bình, xã Tân Tuyến, huyện Tri Tôn) than thở: “Năm nay lúa trúng, nông dân chúng tôi ai ai cũng vui mừng. Mới tuần trước, nhiều thương lái đến hỏi mua với giá 5.300 đồng/kg và đặt cọc trước.
Gia đình tôi có khoảng 200 công (1 công = 1.000m2) lúa hè thu, nhưng thương lái chỉ đặt cọc làm tin có 1 triệu đồng, chưa tới 200.000 đồng/công. Chúng tôi đòi thêm tiền cọc thì thương lái nói đã đặt cọc rất nhiều hộ nên hết tiền. Đến ngày cắt lúa, họ cho ghe vào tới nơi thì xin bớt xuống 4.900 đồng/kg, nếu bán thì mua, không thì thôi”.
Trước tình cảnh này, thấy khó khăn quá nên anh Khanh đồng ý bán. Tuy nhiên sau khi gọi điện thoại thì thương lái không ai bắt máy. Lúa đã chín rục, buộc gia đình anh phải cắt về phơi, chờ thương lái khác ra giá cao hơn.
“Nhưng có lẽ không khả thi. Hôm qua, tui nhờ một số anh em vác lúa về nhà để phơi, trên đường về họ bị công an bắt vì vi phạm Chỉ thị 16, năn nỉ trình bày lắm công an mới cho qua”, anh Khanh kể.
Cũng vì điều này mà nhiều nông dân ở An Giang phải chất lúa thành đống ngoài ruộng, trong nhà. Nhiều người lo lắng ra mặt khi thương lái luôn lấy cớ giá lúa hạ vì giãn cách, vận chuyển khó khăn do các chốt kiểm soát dựng lên dày đặc trong mùa dịch…
Theo Sở NN&PTNT tỉnh An Giang, vụ Hè Thu năm 2021, tỉnh có gần 230.000ha lúa, đã thu hoạch được khoảng 40%. Dự tính chỉ trong vài ngày nữa, diện tích thu hoạch khoảng hơn 100.000ha.
Một thương lái ở huyện Thoại Sơn cho biết: “Thương lái chúng tôi không ai muốn bỏ tiền cọc cả, nhưng vì giá lúa rớt nhanh quá. Thà chúng tôi bỏ tiền cọc chứ nếu lấy lúa theo giá cọc thì vừa tốn công vừa lỗ nặng. Biết trước được giá lúa sẽ giảm nên chúng tôi cũng không dám đặt cọc đậm cho nông dân, chỉ đặt trung bình khoảng 200.000 đồng/công, có mất cũng không đến nỗi”.
Ông Trương Kiến Thọ, Phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh An Giang xác nhận, mấy hôm nay, rất nhiều nông dân đã điện thoại vào đường dây nóng phản ánh vấn đề này.
“Qua tìm hiểu thì thương lái có cho biết là do nhà máy đè giá nên nếu mua lúa của nông dân sẽ lỗ nặng”, ông Thọ nói
Ông Trần Anh Thư, Phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết, tỉnh đã công bố đường dây nóng trên báo đài, nếu nông dân gặp khó khăn thì điện thoại đến người phụ trách các huyện thị. Ngay lập tức, cán bộ huyện sẽ thông báo lên tỉnh và có cách xử lý kịp thời.
“Nông dân khi điện thoại đến đường dây nóng thì phải nói địa chỉ cụ thể, sản lượng bao nhiêu, giống lúa loại gì… Khi nhận được thông báo của người phụ trách huyện thị, tỉnh sẽ chỉ đạo các đơn vị xuống kết nối cung cầu để thu mua. Tỉnh cũng đã trao đổi với Tập đoàn T&T, Tập đoàn Lộc Trời về việc hỗ trợ cho hệ thống thu mua. Đến thời điểm này, đại diện 2 tập đoàn này đã đồng ý. Vì vậy, nông dân gặp khó khăn hãy yên tâm”, ông Thư nói.
Theo đó, An Giang có thể sẽ mở gói tín dụng không lãi hoặc lãi suất rất thấp để hỗ trợ 2 tập đoàn trên mua lúa cho nông dân. Riêng Tập đoàn Lộc Trời đủ khả năng thu mua khoảng 20% diện tích lúa toàn tỉnh.
Tạo điểm thu mua tập trung, Hậu Giang vẫn tiêu thụ tốt
Tại tỉnh Hậu Giang, ông Trần Chí Hùng, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh cho biết, việc tiêu thụ nông sản trong thời gian gần đây chủ yếu tại các siêu thị và một số ít ở chợ truyền thống.
Tuy nhiên, lúa đang tiêu thụ tốt và tỉnh tạo mọi điều kiện để thương lái thu mua. Hiện Hậu Giang còn khoảng 40.000ha lúa Hè Thu sắp thu hoạch.
Tại Cần Thơ, ông Nguyễn Văn Sử, Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, việc tiêu thụ lúa của bà con nông dân khá tốt, hiện vụ Hè Thu chỉ còn một số ít chưa thu hoạch. Một số nơi đã gieo sạ vụ mới.
Còn ở Bạc Liêu, Cà Mau… dù lúa chưa vào vụ thu hoạch nhưng lãnh đạo các địa phương này cũng đã chủ trương tạo mọi điều kiện để nông dân tiêu thụ tốt, không để xảy ra ách tắc hàng hóa.
Để gỡ khó cho bà con nông dân, tỉnh Hậu Giang đã thành lập 12 điểm đầu mối tiêu thụ nông sản, trong đó thường xuyên kết nối với 402 điểm đầu mối khác của các tỉnh, TP phía Nam do Tổ công tác tiền phương của Bộ NN&PTNT phối hợp với Bộ Công thương trực tiếp điều tiết và phân phối tiêu thụ nông sản.
Ngành Nông nghiệp tỉnh Hậu Giang đã yêu cầu các địa phương phải có báo cáo hàng ngày về tình hình thu hoạch và số lượng nông sản dự kiến cần tiêu thụ để Sở NN&PTNT kết nối với Tổ tiền phương của Bộ NN&PTNT cùng Bộ Công thương xem xét phân phối cho những địa phương có nhu cầu.
Việc báo cáo nhu cầu tiêu thụ nông sản cho bà con được thực hiện sớm vài ngày để không bị động trong phân phối.
Ông Trương Cảnh Tuyên, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Hậu Giang cũng đã yêu cầu ngành Công thương và Nông nghiệp tỉnh hỗ trợ các địa phương thành lập các tổ thu hoạch, thu mua nông sản - nhất là lúa, cho người dân để thuận tiện trong việc liên kết tiêu thụ tại các tỉnh, TP có nhu cầu.
Ngoài ra, còn có sự tham gia của tình nguyện viên là các đơn vị đoàn thể của địa phương trên nguyên tắc đảm bảo tốt công tác phòng, chống dịch.
Bộ NN&PTNT đề xuất tăng tạm trữ
Tại cuộc họp trực tuyến về hoạt động của các Tổ Công tác chỉ đạo sản xuất, kết nối cung ứng tiêu thụ nông sản diễn ra sáng 3/8, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam - Tổ trưởng Tổ công tác của Bộ ở phía Nam cho biết, lúa Hè Thu hiện đã đến lúc thu hoạch nhưng không có thương lái đi mua, dẫn đến việc nông dân thu hoạch xong không biết tiêu thụ ra sao. “Bộ cần đề xuất Chính phủ cho thu mua tạm trữ lúa quốc gia để kích cầu sản xuất”, ông Nam nói.
Theo Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt Lê Thanh Tùng, lúa Hè Thu mới thu hoạch được khoảng 600.000ha và trong tháng 8, tháng 9 sẽ có sản lượng lúa hàng hóa cao nhất.
Kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến đồng tình với đề xuất của Tổ công tác và khẳng định, cần thiết phải tăng thu mua tạm trữ lúa Hè Thu để kích cầu sản xuất vụ Thu Đông, Đông Xuân.
Theo Cục Trồng trọt, tổng diện tích xuống giống toàn vùng Nam bộ vụ Hè Thu 2021 là 1,599 triệu ha, năng suất ước đạt 56,51 tạ/ha, tăng 1,14 tạ/ha. Sản lượng ước đạt 9,036 triệu tấn, tăng 120 nghìn tấn so với Hè Thu 2020. Riêng vùng ĐBSCL xuống giống 1,515 triệu ha, năng suất ước đạt 56,66 tạ/ha, tăng 1,15 tạ/ha. Sản lượng ước đạt 8,584 triệu tấn, tăng 124 nghìn tấn.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận