Y tế

Nơi nương náu của bệnh nhân nhiễm HIV

11/01/2024, 06:38

Bệnh nhân ở Bệnh viện 09 đều là người nhiễm HIV. Nhiều người tới đây để trốn tránh sự kỳ thị, xa lánh, không ai chăm sóc. Còn công việc của các bác sĩ công tác tại đây cũng rất đặc biệt so với những bệnh viện khác.


Đối mặt nguy cơ lây nhiễm bệnh

Vừa kết thúc ca khám ngoại trú, kê đơn cho bệnh nhân nhận thuốc kháng virus về điều trị định kỳ, BS Đỗ Thanh Hải, Trưởng khoa Lao, Bệnh viện 09 ở huyện Thanh Trì, Hà Nội lại cùng điều dưỡng đi thăm buồng bệnh nhân HIV nhiễm lao. Sau khi trang bị đủ đồ bảo hộ khẩu trang và găng tay, BS bước vào thăm khám cho một bệnh nhân nam tên N.M.M (36 tuổi, Nam Định).

Nơi nương náu của bệnh nhân nhiễm HIV- Ảnh 1.

Bác sĩ thăm khám bệnh nhân ở Bệnh viện 09.

Nằm co ro ở góc giường bệnh, chốc chốc cơ thể bệnh nhân co rút lại bởi những cơn ho rất nặng. Cuộc khám bệnh cho bệnh nhân được các bác sĩ đảm bảo đúng quy trình với một lối vào, một lối ra và khử khuẩn kỹ càng để tránh lây truyền mầm bệnh ra môi trường điều trị xung quanh.

Ở đây, các y bác sĩ cũng phải đối mặt với hiểm nguy từ những bệnh nhân bất mãn, không hợp tác, thậm chí chống đối khi lên cơn thèm thuốc. "Không ít lần, chúng tôi phải đứng hàng giờ để thuyết phục, chế ngự bệnh nhân cầm kim tiêm đe dọa định trốn viện", BS Hải chia sẻ.

Làm việc tại bệnh viện điều trị HIV 20 năm, từ khi căn bệnh HIV rất mới, BS Hải trang bị cho mình đủ kiến thức chuyên môn, nắm vững quy trình để không bị lây nhiễm bệnh. Tuy nhiên, ngoài nhiễm HIV, các bệnh nhân ở đây còn mắc bệnh lao, căn bệnh lây truyền qua đường hô hấp. Do đó, chỉ một chút sơ sẩy, các nhân viên y tế có thể nhiễm bệnh.

"Có những đồng nghiệp của tôi đã dứt nghề vì lây nhiễm lao khi điều trị cho bệnh nhân. Phần vì sức khỏe bị ảnh hưởng, phần khác vì tâm lý sợ lây bệnh lần hai, ảnh hưởng đến cuộc sống vợ chồng, con cái ở nhà", anh Hải nói.

Mầm hy vọng không tắt

Nếu ở các bệnh viện khác, bệnh nhân có người nhà chăm sóc, nhận được nhiều sự yêu thương, thì ở đây, nhiều bệnh nhân cô độc, chỉ còn bác sĩ là chỗ dựa tinh thần. Cũng vì lẽ đó nên dù đối mặt với nhiều khó khăn nhưng các bác sĩ tại Bệnh viện 09 luôn tâm niệm rằng: "Đã lựa chọn đặt chân vào môi trường này thì có chạnh lòng, vẫn chấp nhận làm, hoàn thành nhiệm vụ".

BS Mai Thị Hường, Trưởng Khoa Khám bệnh vẫn nhớ mãi về một nam bệnh nhân rất trẻ, mắc HIV sau lần bất cẩn không dùng bao cao su khi qua đêm với gái mại dâm. Trước khi đến với Bệnh viện 09, ngoài xác định nhiễm HIV, bệnh nhân còn được chẩn đoán u phổi nên tinh thần và thể chất đều kiệt quệ, chỉ muốn chết. BS Hường đã cố gắng động viên, tìm cách thuyết phục bệnh nhân hợp tác điều trị. Rất may mắn, bệnh nhân chỉ bị nấm phổi, sau đó hợp tác điều trị rồi nên được về nhà, tái khám định kỳ.

Theo chia sẻ của BS Hường, đa số bệnh nhân là người có hoàn cảnh đặc biệt, nhạy cảm do sợ bị phân biệt đối xử, kỳ thị nên tự ti, xa lánh mọi người. Việc này cũng khiến cho nhiều bệnh nhân khó tiếp cận điều trị, tình trạng bệnh trở nên trầm trọng hơn.

"Khi vào đây họ được bác sĩ quan tâm, không ngại ngần gì nên bệnh nhân dần dần cũng xem nhân viên y tế như người thân. Họ cũng có nỗi niềm muốn chia sẻ, cần được tôn trọng. Nhiều người nhiễm HIV bị bỏ rơi, gia đình không ai quan tâm, tìm đến đây như nơi bấu víu phút cuối cuộc đời. Lặng lẽ bên họ chỉ có chúng tôi", BS Hải nói.

Bên cạnh những khoảng lặng, BS Đỗ Thanh Hải cũng chia sẻ niềm vui khi cùng đồng nghiệp vực lại hy vọng sống cho nhiều bệnh nhân. Như trường hợp gia đình anh Q, khi cả 2 vợ chồng không có liên quan gì tới nghiện hút, nhưng lại tình cờ phát hiện mắc HIV. Vượt qua mặc cảm, vợ chồng anh Q chủ động tìm đến với Bệnh viện 09 để được các bác sĩ tư vấn, điều trị.

Mang trong mình căn bệnh HIV nhưng vợ chồng anh Q khát khao có con, điều mà cách đây 7 năm nhiều người ít nghĩ tới. Các bác sĩ Bệnh viện 09 dựa trên sức khỏe của người vợ và tải lượng virus thấp để tư vấn giúp vợ chồng anh Q hiện thực hóa ước mơ có con khỏe mạnh, không mang bệnh.

Bác sĩ cũng bị kỳ thị

Nếu như giờ đây cái nhìn về căn bệnh HIV đã thoáng hơn, thì ở những thời điểm trước đó, không chỉ bệnh nhân mà chính các bác sĩ tại đây cũng phải đối mặt với sự kỳ thị từ những người xung quanh.

"Bản thân chúng tôi khi làm công việc này đã xác định tâm lý bị người khác kỳ thị, thậm chí có người nghĩ chúng tôi bị HIV nên mới vào đây làm việc. Để không ảnh hưởng đến cuộc sống gia đình, tôi luôn dặn con đi học chỉ báo bố mẹ làm bác sĩ, còn làm ở đâu không được nhắc tới", anh Hải tâm sự.


Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.