Bất an xóm tạm dưới chân núi
Từ phản ánh của người dân, PV Báo Giao thông tới khu dân cư thuộc tổ 4, khu 1A, phường Quang Hanh, TP Cẩm Phả (Quảng Ninh). Tại đây, khoảng 20 hộ dân sinh sống trong những căn nhà cấp 4 thấp tè, cũ nát ở ngay chân dãy núi đá nằm trên tuyến đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả.
Vụ 2 tảng đá từ trên núi lao xuống khu dân tại phường Quang Hanh, TP Cẩm Phả (Quảng Ninh) khiến một nam thanh niên tử vong tại chỗ hồi giữa năm 2018
Trong căn nhà tối om cạnh đường, chị Đỗ Thị Bích (50 tuổi, quê ở tỉnh Nam Định) đang hì hụi đóng than tổ ong kể, gia đình chị ra khu vực này khai hoang, lấn biển làm văn nhà cấp 4 từ năm 1991.
"Chúng tôi ở đây thiếu thốn điện, nước, khó khăn nhiều bề. Nhưng lo nhất vào mùa mưa là đá ở trên đỉnh núi lăn xuống nhà", chị Bích nói.
Xóm tạm với gần 20 nóc nhà cấp 4 dưới chân núi đá ở khu 1A, phường Quang Hanh
Đi sâu vào điểm dân cư trên con đường lầy lội đầy cỏ dại, hiện ra trước mắt PV là những căn nhà lụp xụp. Chị Phan Thị Phượng, một cư dân ở đây chỉ vào căn nhà cấp 4 bỏ hoang, kể: Năm 2018, hai tảng đá khổng lồ nặng hàng chục tấn từ trên núi lăn xuống đè sập hai ngôi nhà cấp bốn.
Trong đó, một tảng đá đè sập ngôi nhà của bà Mận, chèn lên người anh Cảnh - con trai bà Mận đang nằm ngủ trong nhà khiến anh Cảnh thiệt mạng.
Hàng loạt tảng đá khổng lồ trên núi đã nứt, đứt chân, nguy cơ ập xuống xóm nhỏ bất cứ lúc nào
Tảng đá còn lại rơi trúng một ngôi nhà cấp bốn cùng dãy có chị Trang và đứa con 2 tuổi đang ngủ. Lúc đá sập vào giường, may thay lại có bức tường chắn đè kênh một góc, nên hai mẹ con nằm lọt thỏm vào kẽ và thoát nạn. Khi mọi người đến nơi phải đào, kích cả tiếng đồng hồ mới đưa được hai mẹ con ra ngoài.
Chỉ vào những khối đá khổng lồ trên vách núi cao hàng trăm mét cạnh điểm dân cư, nhiều tảng đã bị hẫng chân, có chỗ nứt toác không biết rơi xuống lúc nào, ông Hoàng Văn Quang, bố chị Trang lo lắng: Cách khu vực này chừng vài trăm mét là khai trường khai thác đá của Công ty CP Khai thác đá và vật liệu xây dựng Cẩm Phả.
Tảng đá khổng lồ bất ngờ đè vào nhà chị Trang
"Quá trình nổ mìn phá đá của doanh nghiệp này đã tác động rất lớn đến các dãy núi đá vùng phụ cận khiến nhiều tảng đá có nguy cơ đổ ụp xuống khu dân cư. Ngày ngày nhìn những tảng đá kia mà thấp thỏm lo sợ", ông Quang nói.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Nguyễn Tiến Thành, Phó Chủ tịch UBND phường Quang Hanh, TP Cẩm Phả cho biết: Qua rà soát, hiện trên địa bàn phường có 20 hộ dân thuộc khu 1 và khu 2 nằm sát chân núi đá thuộc diện đặc biệt nguy hiểm.
Những ngôi nhà xây sát chân núi đá rất nguy hiểm
Theo ông Thành, vấn đề nổ mìn khai thác đá làm những tảng đá trên núi đứt chân, thì cần phải có sự nghiên cứu, đánh giá tổng thể. Tuy nhiên, Công ty CP Khai thác đá và vật liệu xây dựng Cẩm Phả đã dừng khai thác từ tháng 4/2022 và đang tiến hành hoàn nguyên…
"Chính quyền rất lo cho sự an toàn của các hộ, nhưng cũng chưa có cách nào để xử lý dứt điểm", ông Thành nói.
Loay hoay cơ chế
Theo báo cáo của cơ quan chức năng TP Cẩm Phả (Quảng Ninh) thì đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn có tới 5 điểm có nguy cơ sạt, lở đá và được xác định là cấp bách mỗi khi mùa mưa, bão về.
Những tảng đá khổng lồ rơi từ vách núi xuống cánh đồng tại tổ 1, khu 6, phường Quang Hanh
Cụ thể là khu vực chân núi đá thuộc tổ 4, khu 1, phường Quang Hanh; chân núi đá thuộc tổ 32 và 33, khu Đông Tiến 2, phường Cẩm Đông; chân núi đá tại khu vực Hòn Vọng và Hòn Rùa thuộc tổ 63, khu Diêm Thủy, phường Cẩm Đông; chân núi đã thuộc tổ 5, 6, 7 Khu Hoàng Thạch, phường Cẩm Thạch và khối đá lớn tại sân nhà văn hoá khu phố Bạch Đằng, phường Cẩm Thạch.
Trên mỏm núi đá tại tổ 1, khu 6 còn 2 hòn đá nặng hàng chục m3 không biết rơi xuống lúc nào
Tuy nhiên, theo tìm hiểu của PV Báo Giao thông, ngoài những vị trí kể trên, tại tổ 1, khu 6, phường Quang Hanh mới đây đã xuất hiện một điểm sạt, lở núi đá rất lớn. Vị trí này ngày 17/10/2021 đã có nhiều tảng đá từ trên cao lăn xuống chân núi. Hiện trên núi còn 2 tảng đá khoảng 50m3 đã đứt chân, nứt, có nguy cơ lăn, rơi bất cứ lúc nào.
Một hộ dân ở khu phố Hoàng Thạch, phường Cẩm Thạch xây nhà sát chân núi đá
Tại tổ 5, tổ 6 và tổ 7, khu phố Hoàng Thạch, phường Cẩm Thạch có 26 hộ dân đang sinh sống dưới chân núi đá. Ông Nguyễn Huy Hoàng, Chủ tịch UBND phường Cẩm Thạch cho hay, trong số đó có 13 hộ chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và có 14 hộ xây nhà sát chân núi đá.
Đáng lo là, ở gần khu vực này trước đây là khai trường khai thác đá và vật liệu xây dựng, nên ở trên đỉnh núi sát khu dân cư có những mỏm đá đang có hiện tượng nứt, gãy có nguy cơ đổ xuống nhà dân…
Các hộ dân ở khu Hoàng Thạch sống cạnh chân núi đá với bao hiểm nguy luôn rình rập
Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Phạm Văn Kính, Phó Chủ tịch UBND TP Cẩm Phả, cho biết: Việc các hộ dân làm nhà sinh sống ở chân núi đá diễn ra từ rất lâu. Tuy nhiên, do không có quy định về hành lang an toàn núi đá, nên cơ quan chức năng cũng không thể yêu cầu dân dừng xây nhà…
Một hộ dân ở tổ 5, khu Hoàng Thạch, phường Cẩm Thạch bị đá từ trên núi đổ vào, nhưng may mắn không ai gặp nạn
Sau này, khi có hoạt động khai thác đá thì việc nổ mìn đã phá vỡ nhiều kết cấu bền vững của núi đá, nguy cơ đá lăn xuống khu dân cư sát chân núi là có thật.
Cũng theo vị Phó Chủ tịch UBND TP Cẩm Phả thì gần chục năm trước, qua rà soát, đánh giá tổng thể thì trên địa bàn có tới hơn 300 hộ nằm ở khu vực nguy hiểm về sạt, lở núi đá. Chính quyền thành phố cũng làm đề án để hỗ trợ di dời bà con, nhưng với kinh phí lên tới trên 100 tỷ đồng đã vượt quá khả năng của địa phương, nên phải trình UBND tỉnh Quảng Ninh xem xét.
Một số hộ dân sinh sống dưới núi đá ven tuyến đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả rất nguy hiểm
Tuy nhiên, việc này lại không có trong cơ chế hỗ trợ, di dời nào trong nguồn ngân sách từ trung ương đến địa phương. Vì thế, đề án của TP Cẩm Phả đành gác lại. Nên hiện nay, mỗi khi có mưa, bão lớn đổ về, chính quyền chỉ biết vận động nhân dân tạm thời di dời đến chỗ an toàn.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận