Dư 200.000 đồng/ngày nhờ lục bình
Cây lục bình ngoài tác dụng dùng để ăn sống, luộc, xào, nấu canh chua, nhúng lẩu,... còn có các công dụng khác như: có thể dùng để khử trừ ô nhiễm môi trường; làm thức ăn cho gia súc, dùng ủ nấm rơm, làm phân chuồng.
Đặc biệt, bẹ lá già được phơi khô có thể chế biến để dùng bện thành dây, làm hàng thủ công, hay bàn ghế…
Tại Sóc Trăng, nghề đan lục bình đã tạo ra những sản phẩm thân thiện với môi trường giúp giảm ô nhiễm môi trường, giảm tác động của biến đổi khí hậu. Đặc biệt là giúp cho lao động nhàn rỗi ở nông thôn có thêm thu nhập ổn định, tập trung nhiều ở thị xã Ngã Năm.
Nghề làm hàng thủ công từ cọng lục bình phơi khô, giúp tạo sinh kế cho người dân vùng nông thôn ở Sóc Trăng.
Ông Nguyễn Phước Hữu (ngụ ấp Vĩnh Hòa, xã Vĩnh Quới, thị xã Ngã Năm) chia sẻ, nhờ có mô hình đan lục bình, những năm qua đời sống gia đình ông trở nên đá hơn.
"Gia đình tôi theo nghề đan lục bình đến nay đã được khoảng 7 năm trước gia đình tôi tham gia vào đan đát lục bình, cũng từ đó thu nhập mới ổn định dần. Giờ đây, hằng ngày trừ các khoản chi phí, hai vợ chồng vẫn còn dư trên 200.000 đồng/ngày", ông Hữu chia sẻ.
Chị Huỳnh Thị Miển - Chi hội trưởng Phụ nữ ấp Vĩnh Hòa chia sẻ, dù những tháng qua ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, nhưng chị em nơi đây vẫn hoạt động ổn định, nên đời sống đỡ vất vả hơn, không mất thu nhập.
"Toàn ấp Vĩnh Hòa hiện có 250 hộ dân, trong đó có 90% hộ làm nghề đan lục bình, trung bình mỗi hộ có từ 1 đến 3 nhân khẩu tham gia mô hình này, với thu nhập trung bình từ 70.000 – 100.000 đồng/người/ngày", chị Miển thông tin.
Cũng theo chị Miển, nghề đan đát lục bình được hình thành gần 20 năm ở thị xã Ngã Năm, khởi đầu thực hiện ấp Vĩnh Hòa, xã Vĩnh Quới, với việc làm tại nhà, thu nhập ổn định và lao động chủ yếu là trung niên trở lên. Do đó, trong những tháng mùa dịch vừa qua, bà con vẫn có thu nhập đều đặn, đảm bảo đời sống.
Sản phẩm được làm ra từ cọng lục bình phơi khô có tính thẩm mĩ cao.
Trên 1.500 người "sống khỏe" nhờ lục bình
Từ vài hộ tham gia ban đầu đến nay có gần 500 hộ ở các xã, phường trên địa bàn thị xã Ngã Năm và trên 1.500 lao động nhàn rỗi ở địa phương tham gia và hình thành 5 Tổ Hợp tác đan đát lục bình. Song song đó, ký kết với các doanh nghiệp thu mua sản phẩm, với mức giá ổn định đảm bảo lợi nhuận cho các tổ viên.
Chị Nguyễn Kim Liên - Tổ trưởng Tổ Hợp tác ấp Mỹ Hòa (xã Long Bình, thị xã Ngã Năm) cho biết: “Ban đầu, điểm ấp Mỹ Hòa chỉ có gần 10 người tham gia, nhưng đến nay đã có hơn 150 người tham gia, thu nhập trung bình từ 120.000 - 150.000 đồng/người/ngày, còn chị nào làm giỏi thì thu nhập 200.000 đồng trở lên. Có nghề này, thấy vậy chị em ở đây cũng đỡ, có tiền trang trải sinh hoạt hàng ngày”.
Cũng theo chị Liên, nghề đan lục bình thật sự đang là mô hình sinh kế hiệu quả cho người dân ở Ngã Năm. Từ mô hình này, giúp người lao động nhàn rỗi ở địa phương có thêm thu nhập và trang trải cuộc sống gia đình, thích ứng với tình hình dịch bệnh hiện nay.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận