Đời sống

Nông dân thêm thu nhập nhờ cây đặc sản “lộc trời” ở vùng đất phèn miền Tây

21/03/2022, 11:17

Từ một loại cây cỏ mọc hoang dại, cây năn bộp trở thành "đặc sản" của người dân ở miền Tây.

Từ một loài cỏ mọc hoang dại

Những năm qua, mô hình trồng năn bộp đang mang lại hiệu quả tích cực cho người dân vùng nông thôn ở thị xã Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng.

Loại cây này vừa thích ứng với thổ nhưỡng ở một số vùng còn trũng phèn ở địa phương, vừa tạo thu nhập cho người nông dân và góp phần giải quyết việc làm cho lao động nhàn rỗi ở vùng nông thôn.

Năn bộp vốn là một loại cỏ thường mọc hoang dại, mùa nước nổi là mùa chính, vì trong thời gian này cây năn bộp vừa phát triển rất tốt, vừa cho năng suất, chất lượng cao.

Năn bộp có nhiều ở các tỉnh Nam Bộ như: Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau. Cây năn bộp được nhổ lên và ăn như rau.

img

Người nông dân thu hoạch năn bộp.

Gần 7 năm trồng năn bộp và nuôi cá, anh Cao Văn Sáu Nhỏ (ngụ khóm Vĩnh Tiền, phường 3, thị xã Ngã Năm) chia sẻ, trước đây, vợ chồng anh có 5 công ruộng (mỗi 1 công tương đương 1.000m2) đất phèn nên trồng lúa kém hiệu quả. Vì vậy, gia đình anh Nhỏ mạnh dạn chuyển sang trồng năn bộp, giúp cuộc sống gia đình trở nên khá giả hơn.

Theo anh Nhỏ, hiện nay, hàng ngày anh thu hoạch trên 100 kg năn bộp, với giá bán sỉ cho thương lái 6.000 - 8.000 đồng/kg. Sau khi trừ hết chi phí anh thu về cũng gần 400.000 - 500.000 đồng/ngày.

“Lúc trước mình đi làm nhổ năn bộp mướn cho người ta, nhưng thấy làm ăn được, mình về ban đất ra trồng năn. Có cây năn bộp thì đời sống ổn định, giúp cho nhiều hộ dân ở đây vươn lên thoát nghèo. Người dân trồng năn bộp không phải mất công chăm sóc nhiều vì chúng là cây dại, sức chịu đựng tốt”, ánh Sáu Nhỏ chia sẻ thêm.

Ông Cao Văn Làng (ngụ khóm Vĩnh Tiền, phường 3, thị xã Ngã Năm) chia sẻ: “Tôi nay đã lớn tuổi rồi không làm việc nặng nhọc, đất sản xuất không nhiều, hàng ngày mình đi nhổ năn mướn, mỗi ngày cũng kiếm được trên 200.000 đồng, phụ giúp với gia đình”.

img

Trồng năn bộp ngày nay giúp người nông dân ở thị xã Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng có thu nhập ổn định, vươn lên khá giả.

Giúp nông dân thu nhập ổn định

Theo nhiều hộ trồng năn bộp, trung bình 1.000 m2 đất trồng năn thu họach được 6 tháng/năm - trừ các khoản chi phí, người trồng năn bộp thu lãi hơn 20 triệu đồng. Trung bình mỗi nhân công thu hoạch từ 3 - 5h/ngày, sẽ có thu nhập từ 100.000 - 200.000 đồng trở lên. Vì vậy, mô hình này cũng giải quyết phần lớn việc làm cho lao động nhàn rỗi ở địa phương.

Ông Nguyễn Bá Chiến - Bí thư Chi bộ, Trưởng Ban Nhân dân khóm Vĩnh Tiền cho biết, ban đầu có vài người trồng năn, nhưng do có thu nhập ổn định, đến nay toàn khóm có hơn 15 hộ trồng năn để bán, giúp bà con ở nông thôn có thêm thu nhập.

“Để mô hình này phát huy hiệu quả lâu dài, thời gian tới, địa phương khuyến khích trồng năn bộp kết hợp với nuôi các loại cá đồng, tìm kiếm thị trường tiêu thụ đầu ra ổn định, tăng thu nhập cho nông dân”, ông Chiến cho hay.

Cũng theo ông Chiến, ngoài tiêu thụ tại chổ ở địa phương, thương lái ở TP Sóc Trăng và các tỉnh lân cận như: Bạc Liêu, Cà Mau và Hậu Giang cũng xuống thu mua năn bộp hằng ngày. Do đó, khâu tiêu thụ của bà con trong những năm qua cũng khá ổn định.

Năn bộp cọng suôn, tròn to cỡ chiếc đũa bếp, màu nâu non, mọc vùng ruộng sâu nhiễm phèn. Người dân hay gọi là năn bộp vì thân rỗng, khi vỗ vào sẽ phát ra tiếng “bộp” rất vui tai.

Nếu muốn ăn năn bộp thì cần nhổ các cọng ngon, non. Sau đó, dùng dụng cụ rọc để lấy phần lõi (ruột) bên trong. Trồng năn một năm có 2 vụ.

Cây năn bộp có thể dùng để làm các món ăn được xem là “đặc sản” ở miền Tây mà tại các quán ăn, nhà hàng hiện nay đều có như: năn bộp bóp gỏi gà, năn bộp xào bò, năn bộp xào tôm, năn bộp nhúng lẩu mắm, năn bộp nhúng lẩu chua, dưa năn bộp…

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.