Chiều 28/9, tại Đắk Lắk, diễn ra Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân Việt Nam năm 2020 với Chủ đề “Cùng nỗ lực, vượt thách thức, giữ vững tăng trưởng giá trị nông sản Việt giúp nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh, hiện đại”. Hội nghị do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì với sự tham gia của 400 đại biểu và hơn 200 nông dân xuất sắc, tiêu biểu đại diện cho hơn 14 triệu hộ nông dân trên cả nước.
Tại hội nghị, trên cơ sở đối thoại với nông dân, Thủ tướng sẽ xem xét, quyết định các giải pháp nhằm tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc để nông dân yên tâm đầu tư phục hồi sản xuất, kinh doanh, khắc phục những bất cập trước diễn biến của đại dịch Covid-19, phát huy sự sáng tạo của nông dân, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu phục hồi sản xuất, kinh doanh ngành nông nghiệp nông thôn Việt Nam bền vững.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ: “Hội nghị lần này chúng ta tập trung vào các vấn đề lớn, những vấn đề then chốt để tháo gỡ khó khăn cho bà con nông dân. Thủ tướng sẽ tiếp thu, lắng nghe ý kiến của bà con và cùng Bộ, Ngành, chính quyền địa phương nhanh chóng giải quyết những vướng mắc, bức xúc của bà con nông dân để nông nghiệp nông thôn Việt Nam phát triển mạnh mẽ, bền vững”.
Tại cuộc đối thoại, nông dân các tỉnh thành đã gửi đến Thủ tướng những câu hỏi, những trăn trở xoay quanh câu chuyện “được mùa mất giá”, giải pháp nào để “cứu” cây chủ lực của Tây Nguyên như cà phê, hồ tiêu, phân bón giả, cây giống kém chất lượng, đầu ra cho sản phẩm, tạo điều kiện cho người dân vay vốn để tái canh, chuyển đổi cây trồng,…
Nông dân Đỗ Quý Toán (huyện Krông Ana, Đắk Lắk) gửi câu hỏi: “Trong thời gian vừa qua, giá cà phê xuống rất thấp khiến người dân gặp rất nhiều khó khăn. Bà con muốn chặt bỏ để trồng cây khác? Vậy Thủ tướng có định hướng hay giải pháp gì giúp người nông dân để theo đuổi cây cà phê hoặc trồng cây khác?”.
Chia sẻ với ông Toán, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Hiện nay, cà phê là mặt hàng chiến lược của Việt Nam. Cà phê Việt Nam có chất lượng rất tốt. Vì vậy, chúng ta cần phải quy hoạch vùng sản xuất, thâm canh tốt hơn nữa, không được tiếp tục phát rừng trồng cà phê, phải nâng chất lượng trồng cà phê. Các Bộ, Ngành tiếp tục nghiên cứu mở rộng thị trường, cấp vốn cho bà con nông dân tái canh cà phê. Cần nâng cao chất lượng chế biến cà phê vì hiện nay chúng ta mới chế biến được 12%, còn lại xuất thô. Chúng ta sản xuất phải đi liền với chế biến, quy hoạch để cà phê Việt Nam phát triển bền vững”.
Tại một vấn đề khác, nông dân Trần Thị Hoàng Anh (tỉnh Gia Lai) đặt câu hỏi: “Những năm qua, việc quản lý, chống phân bốn giả có chuyển biến tích cực nhưng chưa triệt để. Xin hỏi Thủ tướng có giải pháp nào để chấm dứt tình trạng phân bốn giả, giúp người dân an tâm sản xuất?”.
Trả lời câu hỏi trên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo: “Chính phủ đề nghị Công an điều tra, truy tố xét xử nghiêm khắc nhất đối với các tổ chức, cá nhân tổ chức sản xuất và các đại lý buôn bán phân bón giả thì mới giải quyết được tình trạng này. Chúng ta phải có thái độ rõ ràng đối với sản xuất phân bón, vật tư giả cũng như cây giống giả”.
Sau chỉ đạo của Thủ tướng, cả hội nghị vui mừng, vỗ tay ầm ầm.
Kết luận Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá những câu hỏi của các đại biểu rất tâm huyết.
Thủ tướng nhấn mạnh: “Trong tình tình dịch bệnh, biến đổi khí hậu nông nghiệp nước ta vẫn phát triển mạnh đạt 2.6%, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, là trụ đỡ kinh tế của Việt Nam. Nhà nước vẫn luôn quan tâm đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn với nhiều chương trình, chính sách như nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, hỗ trợ cơ sở vật chất, hỗ trợ sản xuất… Chính phủ yêu cầu, phát triển nông nghiệp phải đi đôi với bảo vệ tài nguyên đất, nước, rừng; ứng dụng khoa học công nghệ trong thời đại 4.0; xiết chặt liên kết 6 nhà (Nhà nông, Nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, nhà băng và nhà phân phối - PV); phát huy văn hóa truyền thống nông thôn Việt Nam; đảm bảo an ninh, an toàn cho nông dân đẩy lùi tín dụng đen, hàng giả, hàng nhái. Sau buổi đối thoại lần này cần giải quyết vấn đề vốn tạo điều kiện nông dân phát triển sản xuất vươn lên làm giàu”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận