Ngày 24/2, Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp quốc gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật Việt Nam (SPS Việt Nam), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phối hợp với Báo Nông nghiệp Việt Nam tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai cấp bách quy định an toàn thực phẩm của thị trường EU.
Cảnh báo vi phạm tăng cao
EU là một trong những thị trường xuất khẩu nông sản chủ lực của Việt Nam. Năm 2024, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này đạt khoảng 7,5 tỷ USD, chiếm 12% tổng kim ngạch của toàn ngành nông nghiệp.
Ông Ngô Xuân Nam, Phó giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam (Bộ NN&PTNT) cho biết, từ năm 2024 đến nay, EU đưa ra 130 cảnh báo đối với nông sản thực phẩm xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường này.

Dư lượng hóa chất trong nông sản của Việt Nam bị EU đưa ra cảnh báo nhiều nhất (Ảnh minh họa).
Trong khi đó, Thái Lan bị cảnh báo 74 lần, Indonesia 29 lần, Hàn Quốc 17 lần, Malaysia 9 lần, Nhật Bản 6 lần.
Đáng chú ý, 2 năm trở lại đây, dư lượng hóa chất (thuốc trừ sâu và thuốc thú y) trong nông sản thực phẩm của Việt Nam xuất khẩu bị EU đưa ra cảnh báo nhiều nhất và có xu hướng tăng mạnh. Đơn cử, năm 2023 chỉ 38 lần thì sang năm 2024 con số này tăng lên 61 lần.
Ông Nam chỉ rõ, tần suất hàng Việt bị EU cảnh báo tăng mạnh do chúng ta vẫn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón không đúng quy định và vượt mức dư lượng cho phép; chưa kiểm soát được sinh vật gây hại và chưa tuân thủ các quy định của nhà nhập khẩu.
Trong khi, ở các vùng nuôi trồng thủy sản, người nuôi vẫn tự ý và lạm dụng kháng sinh, sử dụng không đúng liều lượng và thiếu hiểu biết về vi khuẩn gây bệnh.
Ông Nam nhấn mạnh, sản phẩm bị vi phạm tùy theo mức độ có thể bị tiêu hủy, thu hồi sản phẩm, thông báo cho nhà xuất khẩu hoặc các hình thức khác. Nếu bị tiêu hủy, thu hồi sản phẩm sẽ gây thiệt hại rất lớn cho nhà xuất khẩu.
Có hiện tượng "đánh cắp" chứng nhận GlobalGAP để xuất khẩu
Tại hội nghị, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit) cho biết, vừa qua có hiện tượng "đánh cắp" chứng nhận GlobalGAP để xuất khẩu.
Ông nhấn mạnh, tình trạng này rất nguy hiểm. "Nếu sản phẩm xuất khẩu không đạt sẽ ảnh hưởng đến uy tín ngành hàng, uy tín quốc gia; sản phẩm dễ bị nâng tần suất kiểm soát", ông Nguyên nói.
Trước thực tế trên, đại diện Vinafruit nói rằng, các doanh nghiệp có chứng nhận cần thận trọng, kiểm soát chặt chẽ chứng nhận của mình. Còn cơ quan chức năng cần xây dựng các tài liệu hướng dẫn dễ hiểu, chi tiết về quy trình sản xuất, đóng gói, xuất khẩu.
Theo đại diện Văn phòng SPS Việt Nam, các quy định của EU thường được thay đổi và cập nhật liên tục, đặc biệt tính từ đầu năm đã có những cảnh báo từ EU liên quan đến thực phẩm mới. Với nhóm hàng đã bị EU cảnh báo ở mức độ cao, nếu chúng ta không có giải pháp kịp thời, cải thiện, thậm chí EU sẽ không cho nhập vào thị trường này.
Để xuất khẩu nông sản được thuận lợi, tránh bị thu hồi hoặc tiêu hủy các sản phẩm, Văn phòng SPS Việt Nam khuyến nghị các doanh nghiệp nên cập nhật thay đổi các quy định của EU thường xuyên.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận