Vào lúc 9h00 sáng 30/9, ông Lê Hoà Bình, Phó chủ tịch UBND TP.HCM đã công bố Chỉ thị mới của thành phố về việc chính thức mở cửa trở lại các hoạt động sản xuất, kinh doanh, buôn bán, đi lại của người dân.
Theo Chỉ thị mới, thành phố cho phép mở cửa trở lại nhiều hoạt động gồm: Các cơ quan, đơn vị nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, các cơ quan, đơn vị Nhà nước của Trung ương đóng tại TP.HCM. Thủ trưởng cơ quan, đơn vị quyết định số lượng cán bộ, công chức, viên chức và người lao động theo quy định của UBND thành phố, đảm bảo Bộ Tiêu chí đánh giá an toàn phòng, chống dịch COVID-19.
Ông Lê Hoà Bình, Phó chủ tịch UBND TP.HCM công bố Chỉ thị mới của thành phố có hiệu lực từ 1/10
Khôi phục lại cơ bản các hoạt động sản xuất, kinh doanh
Các cơ quan lãnh sự, tổ chức quốc tế và văn phòng kinh tế - văn hóa nước ngoài có trụ sở trú đóng trên địa bàn Thành phố chủ động quyết định phương thức làm việc phù hợp với đặc thù của tổ chức và đáp ứng quy định về biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 của UBND Thành phố và Bộ Y tế.
Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập và tư nhân; các cơ sở dịch vụ y tế; các cơ sở kinh doanh dược, mỹ phẩm, vật tư, trang thiết bị y tế.
Các hoạt động sản xuất, thương mại, kinh doanh, dịch vụ gồm: các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trong khu công nghiệp, khu chế xuất, khu Công nghệ cao, Công viên Phần mềm Quang Trung, cụm công nghiệp và trên địa bàn quận, huyện, thành phố Thủ Đức. Doanh nghiệp, hợp tác xã thương mại dịch vụ, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ gia đình sản xuất, kinh doanh nông, lâm, ngư nghiệp; dịch vụ hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, cơ sở thú y, đối tượng hành nghề thú y. Công trình giao thông, xây dựng.
Các hoạt động kinh doanh, thương mại - dịch vụ gồm: cung cấp lương thực, thực phẩm; Trung tâm thương mại, siêu thị, siêu thị mini; cửa hàng tiện lợi, cửa hàng tạp hóa; chợ đầu mối, chợ truyền thống; Xăng, dầu, gas, hóa chất; điện; nước; nhiên liệu; vật liệu; Dịch vụ mua bán, sửa chữa, bảo trì các loại xe, máy móc, thiết bị dân dụng, công nghiệp; Dịch vụ quản lý, vận hàng, bảo trì, sửa chữa, ứng dụng hệ thống hạ tầng, trang thiết bị của các cơ quan, tòa nhà, chung cư.
Các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao: Hoạt động tham quan bảo tàng được hoạt động với điều kiện đáp ứng Bộ Tiêu chí đánh giá an toàn phòng, chống dịch, mỗi nhóm tham quan tại từng khu vực trưng bày tối đa 10 người cùng một thời điểm.
Những sự kiện biểu diễn văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao, thi đấu được tổ chức quy mô tối đa 70 người với điều kiện 100% người tham gia đã được tiêm đủ liều vắc xin hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 được cơ quan có thẩm quyền cho phép tổ chức.
Các hoạt động thể dục thể thao, rèn luyện sức khỏe hàng ngày của người dân được hoạt động, nếu hoạt động theo từng nhóm tối đa 15 người/nhóm. Trường hợp có 100% người tham gia đã được tiêm đủ liều vắc xin hoặc đã khỏi bệnh COVID-19, được hoạt động tối đa 100 người. Tổ chức đám tang, đám cưới hạn chế tối đa 20 người cùng một thời điểm.
Tiếp tục tổ chức dạy - học gián tiếp, trên môi trường internet, qua truyền hình; từng bước củng cố các điều kiện để có thể kết hợp dạy - học trực tiếp. Các loại hình đào tạo cho người đã được tiêm đủ liều vắc xin, có thể dạy - học trực tiếp nếu đảm bảo các tiêu chí an toàn theo quy định.
Hoạt động của các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, thờ tự tập trung tối đa 10 người; trường hợp người tham gia đã được tiêm đủ liều vắc xin hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 được tập trung tối đa 70 người.
Hoạt động tập trung ngoài trời, trong nhà: hoạt động trong nhà (hội họp, tập huấn, hội thảo,…) tập trung tối đa 10 người; trường hợp người tham gia đã được tiêm đủ liều vắc xin hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 được tập trung tối đa 70 người. Hoạt động ngoài trời tập trung tối đa 15 người; trường hợp người tham gia đã được tiêm đủ liều vắc xin hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 được tập trung tối đa 100 người. Các trường hợp khác phải được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận.
Người dân không tự ý đi qua địa bàn các tỉnh
Ở lại thành phố để tiếp tục tham gia các hoạt động sản xuất. Nếu có nhu cầu đi về quê phải có sự tổ chức, có sự chấp thuận của Sở GTVT để chấp thuận cho đi qua các chốt. Nếu đi cá nhân sẽ không đi qua các chốt kiểm soát giữa TP.HCM và các tỉnh.
Thành phố tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại, và cũng tạo điều kiện đón đưa công nhân từ các tỉnh trở lại thành phố bằng xe chung, không đi xe cá nhân. Bởi nếu đi xe cá nhân sẽ rất khổ sở tại các chốt chặn. Người dân ở lại TP.HCM sẽ được tiêm vaccine đầy đủ, hưởng các gói an sinh xã hội của thành phố.
Ông Bình cho biết sáng nay đi kiểm tra các công trình xây dựng, hầu như chỉ có khoảng 30% lao động đang làm việc tại thành phố, phần lớn đều đã về quê, vì vậy các công trình, nhà máy đều rất cần công nhân.
UBND TP.HCM đã gửi văn bản cho 63 tỉnh thành trên cả nước để tổ chức đón công nhân, lao động trở lại thành phố làm việc. . Người dân ở lại TP.HCM sẽ được tiêm vaccine đầy đủ, hưởng các gói an sinh xã hội của thành phố.
Tất cả các chốt kiểm soát trong nội đô thành phố sẽ được tháo dỡ, người dân đi lại phải thực hiện kiểm tra bằng mã QR trên điện thoại thông minh hoặc giấy chứng giấy.
Hoạt động vận tải hàng hoá liên tỉnh được phục hồi để kịp thời cung cấp hàng hoá cho người dân thành phố. Hoạt động phương tiện cá nhân chỉ được lưu thông trong phạm vi thành phố, khi đi ra các tỉnh phải được sự cho phép của Sở GTVT. Các hoạt động đường sắt, hàng không chờ quy định của Bộ GTVT.
Các trường hợp khác của các đối tượng ưu tiên như đưa đón công nhân, chuyên gia, những trường hợp đặc biệt... phải có hướng dẫn và đồng ý của Sở GTVT.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận