Cựu Chủ tịch UBND TP Hà Nội được đề nghị giảm án
Chiều 12/7, kết thúc thẩm vấn, đại diện Viện KSND Cấp cao tại Hà Nội đã nêu quan điểm, hướng xử lý với 3 bị cáo có đơn trong vụ vi phạm về đấu thầu xảy ra tại Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội.
Viện Kiểm sát cho hay, tại tòa phúc thẩm, các bị cáo cung cấp một số tài liệu mới để làm căn cứ cho việc kháng cáo.
Bị cáo Nguyễn Đức Chung trả lời thẩm vấn tại phiên toà chiều 12/7
Đối với các bị cáo Phạm Thị Thu Hường và Phạm Thị Kim Tuyến, Viện Kiểm sát nhận thấy 2 người này đã thực hiện chỉ đạo của cựu Giám đốc Sở KH&ĐT Nguyễn Văn Tứ, lập hồ sơ khống và can thiệp trái pháp luật vào hoạt động đấu thầu.
Hành vi của 2 nữ bị cáo cùng các đồng phạm khiến kết quả đấu thầu bị sai lệch. Hậu quả gây thiệt hại hơn 26 tỉ đồng cho Nhà nước. Xét kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của bà Hường và bà Tuyến, Viện Kiểm sát thấy cấp sơ thẩm đã đánh giá, xem xét đúng tương xứng với hành vi, mức độ hậu quả gây ra.
Tại phiên phúc thẩm, 2 bị cáo đã tích cực tác động gia đình nộp hơn 3,8 tỉ đồng (Tuyến hơn 2 tỉ, Hường 1,8 tỉ). Điều này thể hiện sự ăn năn, hối cải của các bị cáo. Tuy nhiên, hồ sơ vụ án xác định sai phạm về đấu thầu của các bị cáo gây thiệt hại hơn 26 tỉ đồng. Cấp sơ thẩm đã đánh giá đúng mức độ sai phạm để từ đó yêu cầu các bị cáo bồi thường dân sự phù hợp.
Do đó, Viện Kiểm sát thấy không có cơ sở để chấp nhận kháng cáo của bà Hường và bà Tuyến về dân sự.
Đối với kháng cáo kêu oan của cựu Chủ tịch Nguyễn Đức Chung, đại diện cơ quan công tố cho rằng quá trình điều tra và tại 2 phiên tòa, ông Chung chỉ thừa nhận trách nhiệm người đứng đầu.
Tuy nhiên, căn cứ email do Huy gửi cho Chung đề xuất dừng các gói thầu số hóa để giao cho Nhật Cường thực hiện. Sau đó, ông Chung đã 3 lần gọi điện cho cấp dưới, yêu cầu dừng thầu để "ưu ái" cho doanh nghiệp trúng thầu.
"Công ty Nhật Cường có mối quan hệ mật thiết với UBND Hà Nội", công tố viên lập luận và cho rằng sau chỉ đạo của ông Chung, Nhật Cường đã được tham gia đấu thầu và trúng thầu.
Do đó, tòa sơ thẩm quy kết ông Chung lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ là phù hợp, không oan. Mức án 3 năm tù do TAND Hà Nội đưa ra cũng phù hợp.
Giai đoạn phúc thẩm, ông Chung và gia đình cung cấp một số tài liệu như hồ sơ bệnh án, hơn 85 bằng khen, giấy khen của bị cáo và người thân để làm tình tiết giảm nhẹ mà chưa trình ra tại cấp sơ thẩm.
"Đây là những tình tiết mới để làm căn cứ xem xét", đại diện Viện Kiểm sát công bố và đánh giá tại tòa, bị cáo thừa nhận toàn bộ hành vi nhưng cho rằng những hành vi đó không đáng bị truy tố.
Từ những phân tích nêu trên, Viện KSND Cấp cao đề nghị HĐXX chấp nhận một phần kháng cáo của ông Nguyễn Đức Chung và 2 người còn lại.
Ngoài ra, kiểm sát viên đề nghị không chấp nhận kháng cáo về phần trách nhiệm dân sự đối với các bị cáo Phạm Thị Thu Hường và Phạm Thị Kim Tuyến.
"Không can thiệp hay tác động đối với Công ty Nhật Cường"
Buổi làm việc sáng nay, HĐXX tiến hành xét hỏi đối với cựu Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung.
Ông Nguyễn Đức Chung trả lời hội đồng xét xử
Ở vụ án này, bị cáo Nguyễn Đức Chung bị cáo buộc có hành vi can thiệp để Công ty Nhật Cường trúng hai gói thầu số hóa. Cụ thể, gói thầu số hóa dữ liệu đăng ký doanh nghiệp do Sở KH-ĐT Hà Nội làm chủ đầu tư nhưng quá trình thực hiện các gói thầu, từ đề xuất của Bùi Quang Huy (Tổng giám đốc Công ty Nhật Cường), bị cáo Nguyễn Đức Chung chỉ đạo dừng thầu trái quy định...
Về cáo buộc phải chịu trách nhiệm liên quan Công ty Minh Hoa do vợ làm giám đốc, ông Chung tiếp tục khẳng định "không có liên quan, không tham gia điều hành".
Bị cáo Chung cũng phản bác việc cơ quan tố tụng đưa nội dung hợp đồng giữa Minh Hoa và Nhật Cường vào vụ án để bắt ông chịu trách nhiệm.
Tại phiên xét xử sáng nay, Hội đồng xét xử tiếp tục chất vấn đối với bị cáo Nguyễn Đức Chung về mối quan hệ giữa bị cáo với Bùi Quang Huy – Giám đốc Công ty Nhật Cường.
Ông Chung trả lời chưa gặp Bùi Quang Huy hay đến nhà riêng, đi ăn uống để bàn bạc công việc với Huy. Ông Chung khẳng định không sử dụng email để trao đổi hay cung cấp thông tin từ UBND TP Hà Nội để Huy biết.
Tại hai cuộc họp ở UBND quận Long Biên và Bắc Từ Liêm thì ông Chung chỉ nói nếu đơn vị nào muốn tham khảo phần mềm do Công ty Nhật Cường tư vấn thì người đứng đầu UBND quận, sở, ban ngành tự liên hệ với Công ty Nhật Cường.
Từ ngày 1/8 đến ngày 4/8/2016, ông Chung tham gia họp HĐND TP Hà Nội cho nên giữa ông với Bùi Quang Huy - Giám đốc Công ty Nhật Cường không hề có một cuộc gặp riêng hay họp riêng với nhau.
Khẳng định không can thiệp hay tác động đối với Công ty Nhật Cường, ông Chung nhấn mạnh: "Không có chuyện Nhật Cường chỉ đạo Chủ tịch thành phố".
Trước cáo buộc bị cáo Nguyễn Văn Tứ, Giám đốc Sở KH-ĐT Hà Nội có đề xuất để Công ty Nhật Cường đăng ký thí điểm phần mềm công nghệ thông tin tích hợp dữ liệu số hóa nhưng bị cáo Chung một lần nữa khẳng định không liên quan tới nội dung này.
Trước câu trả lời này, Viện Kiểm sát đã nêu lên sự "trùng hợp": Ngày 15/5/2016, Huy gửi email cho Nguyễn Đức Chung và cũng chính ngày này, bị cáo Chung yêu cầu Sở KH-ĐT dừng gói thầu.
Lúc này, bị cáo Chung cho biết, sau khi được luật sư cung cấp email mà Huy gửi, bị cáo có viết đơn gửi cho cơ quan tư pháp đề nghị được làm rõ.
"Tôi làm đúng thẩm quyền của Chủ tịch thành phố"
Hôm nay, cựu Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung tiếp tục khẳng định bản thân không sai, chỉ làm đúng theo thẩm quyền của Chủ tịch thành phố khi trao đổi dừng thầu với ông Nguyễn Văn Tứ, cựu Giám đốc Sở KH-ĐT Hà Nội.
Trước phiên xử phúc thẩm vụ can thiệp để Nhật Cường trúng thầu, ông Nguyễn Đức Chung gửi đơn kháng cáo dài 58 trang và 85 bằng khen, giấy khen.
Cùng đó, thông qua các luật sư bào chữa, ông Chung đã nộp hồ sơ Bệnh án của Bệnh viện đa khoa quốc tế Vinmec; hồ sơ Bệnh án của Phòng khám đa khoa quốc tế Vietsing; hồ sơ Bệnh án của Bệnh viện K; biên bản khám và hội chuẩn bệnh nhân ngày 18/10/2020 tại Bệnh viện 19/8 Bộ Công an.
Theo đó, ông Chung khai không chỉ đạo ông Tứ dừng đấu thầu mà chỉ trao đổi để ra quyết định "tạm đình chỉ thầu theo đúng Luật tổ Chức chính quyền địa phương".
Cụ thể, ông Chung khai nhận, từ chiều tối 15/5/2016, nhận thấy những bất cập nên đã gọi điện trao đổi với ông Tứ yêu cầu kiểm tra và sau đó phát hiện ra một số sai phạm.
Sáng hôm sau, ông Chung và ông Tứ một lần nữa bàn bạc với nhau qua điện thoại về việc ai sẽ ra quyết định tạm dừng thầu.
"Tuy nhiên, anh Tứ nói để anh ấy ra quyết định dừng thầu sẽ đúng thẩm quyền, chức năng, nhiệm vụ hơn. Tôi không có ý kiến thêm", ông Chung nói.
Trả lời câu hỏi của HĐXX về việc "gói thầu số hoá năm 2016 sai phạm như thế nào? Lý do gì mà bị cáo yêu cầu dừng?", ông Chung đáp, gói thầu này lãnh đạo Sở KH-ĐT đã không thực hiện đầy đủ theo các chỉ đạo mà UBND thành phố đã giao. Sở KH-ĐT chưa lập dự án, không thẩm định dự án. Theo quy định pháp luật, các dự án về số hoá do thành phố lập thì Sở Thông tin và truyền thông phải có trách nhiệm thẩm định.
Cựu chủ tịch Hà Nội cho biết thêm, dự án số hoá về hồ sơ đăng ký doanh nghiệp của thành phố có từ năm 1992 kéo dài đến năm 2015. Khi kế thừa, với cương vị người đứng đầu thành phố, ông đã chỉ đạo theo đúng quyền hạn, đúng pháp luật chứ không "can thiệp trái phép" như cáo buộc. Ông không làm trái quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Hơn nữa, khi yêu cầu đình chỉ gói thầu của ông có các lý do như: để giữ nghiêm kỷ cương, đảm bảo thực hiện dự án đúng pháp luật, tiết kiệm và sử dụng hiệu quả ngân sách Nhà nước. Ông đề nghị HĐXX xem xét khi toàn bộ dữ liệu đã được tích hợp vào hệ thống phần mềm quản lý doanh nghiệp để xem mang lại lợi ích cho người dân thế nào.
Kết thúc phần thẩm vấn, cựu Chủ tịch mong HĐXX xem xét, đánh giá toàn diện vụ việc cũng như sự đóng góp của bị cáo trong quá trình công tác.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận