Góp nhặt những hành trình yêu thương
Ngày đầu năm mới, Trung tâm can thiệp bào thai của Bệnh viện Phụ sản Hà Nội đón vị khách nhí mang tên August mới 6 tháng tuổi cùng mẹ từ đất nước Ireland xa xôi ghé thăm. Khi mẹ bé August mang thai tuần 17 được bác sĩ ở Ireland phát hiện có song sinh bất thường, là thể hiếm, chung trứng, chung bánh rau nhưng một thai bất thường phù to, một thai bình thường nên được tư vấn sang Thụy Điển cứu chữa.
Một điều bất ngờ là gia đình với nhiều năm sinh sống ở Ireland lại quyết định tìm về Việt Nam. Sau chuyến bay, người phụ nữ này về thẳng Bệnh viện Phụ sản Hà Nội để gặp bác sĩ Nguyễn Thị Sim (Giám đốc Trung tâm can thiệp bào thai). Sau khi can thiệp lấy nước ối, làm giải trình tự gen phát hiện 1 thai bất thường di truyền và còn 1 thai bình thường, bác sĩ Sim và ê-kip đã nhanh chóng phẫu thuật can thiệp bào thai đông dây rốn thai phù, cứu thai còn lại.
Sau phẫu thuật thành công, thai nhi nằm yên trong bụng mẹ bay về Ireland rồi chào đời với cân nặng 2,8kg. Khi con đủ 6 tháng tuổi, gia đình quay lại Hà Nội. Như được quay về nhà, em bé August không hề lạ lẫm, mà tươi cười, theo các cô, chú ở trung tâm.
Trong số hàng trăm sản phụ đến với Bệnh viện Phụ sản Hà Nội được can thiệp thành công, có rất nhiều trường hợp mà cơ hội làm mẹ mong manh như ngọn đèn trước gió. Vì thế, với họ chỉ còn con đường cuối cùng là can thiệp bào thai để cho các bé một cơ hội sống.
Bác sĩ Sim vẫn nhớ mãi ánh mắt của một sản phụ đã vô sinh 10 năm, lần đầu tiên có cơ hội hy vọng làm mẹ nhưng không may rơi vào tình trạng ít nước ối. Buồng ối như bị hút chân không, em bé không thể cựa quậy. Sức ép khiến tuần hoàn của em bé bị đảo ngược, nguy cơ cao không thể giữ lại được thai nhi.
Chứng kiến sự tuyệt vọng của sản phụ, bác sĩ Sim cùng các đồng nghiệp nhủ thầm "nếu không làm gì, thai sẽ chết lưu, người mẹ ở tuổi khá cao, hầu như không còn hy vọng. Nếu truyền ối thành công, thai nhi có cơ hội được sống".
Sau giây phút "thót tim" truyền ối vào bào thai, cả ê-kíp vỡ òa khi thai bắt đầu cử động lại, uống nước ối ừng ực và tuần hoàn dây rốn hết chèn ép. Thai nhi nhờ vậy giữ được đủ tuần thai, chào đời khỏe mạnh trong niềm hạnh phúc của gia đình hiếm muộn.
Bác sĩ Sim chia sẻ hạnh phúc của người làm nghề sản khoa chính là được nhìn những sinh linh bé bỏng phát triển từng ngày. Và càng hạnh phúc hơn khi chị nhận được không biết bao nhiêu tin nhắn cảm ơn, bày tỏ sự trân quý của các gia đình có con được các bác sĩ Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cứu sống.
Tiếp tục chinh phục kỹ thuật cao
Hơn 15 năm công tác trong ngành sản khoa và là một người mẹ từng trải qua những biến cố, gian truân của thai kỳ, TS Nguyễn Thị Sim hiểu được nỗi lòng của các sản phụ mất con. Chị luôn ấp ủ có thể can thiệp sớm trong bào thai, để có thể cứu những sinh linh bé bỏng.
Nhớ lại những ngày đầu của hành trình nỗ lực làm chủ các kỹ thuật sản khoa, can thiệp bào thai, TS Sim cho biết năm 2017, chị được cử đi học tập, chuyển giao kinh nghiệm tại Pháp. Sau 3 tháng học tập, thực hành dưới sự cầm tay chỉ việc của đội ngũ chuyên gia can thiệp bào thai hàng đầu thế giới, nữ bác sĩ tự tin làm chủ kỹ thuật và say mê lĩnh vực này hơn. Khi trở về nước, chị bắt tay ngay vào việc triển khai ứng dụng kỹ thuật can thiệp bào thai tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội.
Ngày 4/10/2019, kíp mổ gồm các giáo sư hàng đầu đến từ Pháp và các bác sĩ Bệnh viện Phụ sản Hà Nội đã thực hiện thành công hai ca phẫu thuật trong buồng ối cho hai sản phụ mang song thai chung bánh rau. Hai sản phụ được lựa chọn đầu tiên đều mang song thai và mắc hội chứng truyền máu, trong đó một ca ở giai đoạn muộn.
Trước đó, rất nhiều sản phụ đành chịu mất cả hai con khi gặp bệnh lý này, hoặc nếu giữ được một thai thì cũng có nhiều biến chứng. Với kỹ thuật mới, các bác sĩ đã cắt đứt tình trạng truyền máu để điều trị khỏi biến chứng nguy hiểm đó.
Đây là những ca can thiệp bào thai đầu tiên thành công, để từ đó hàng trăm ca bệnh được các bác sĩ Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cứu sống từ khi còn trong bụng mẹ.
Với BS Sim, mỗi ca can thiệp bào thai đều mang lại một cảm xúc rất khác nhau. Bởi mỗi sản phụ là cả một câu chuyện, là biết bao nỗi niềm trăn trở của gia đình. Hạnh phúc với thành quả nhưng trái tim nữ bác sĩ đã không ít lần nghẹn lại khi chứng kiến những sản phụ đến viện quá muộn nên không thể cứu được con. Vì vậy, trong quá trình đào tạo, chuyển giao kỹ thuật, bác sĩ Sim luôn mong mỏi các bác sĩ sản khoa tại các tuyến có những kiến thức chẩn đoán ban đầu về bệnh lý để tư vấn cho sản phụ kịp thời.
Về phần mình, TS Sim mong muốn tiếp tục chinh phục các kỹ thuật đỉnh cao mới như "sửa chữa" các bệnh về não, tim, thận, tủy sống cho bào thai nhằm giúp thai nhi không may mắc các bệnh lý vẫn có thể phát triển tốt trong tử cung của người mẹ và chờ đến ngày chào đời. Đến nay, kết quả can thiệp y học bào thai rất hiệu quả, với phẫu thuật nội soi buồng ối điều trị hội chứng truyền máu song thai tỷ lệ sống ít nhất một thai là 84,9%, tỷ lệ sơ sinh sống chung là 53% và không có trường hợp nào bị nhiễm trùng.
Phẫu thuật nội soi buồng ối điều trị hội chứng dải xơ buồng ối bằng laser hiện có tỷ lệ phẫu thuật thành công đạt 100%, tỷ lệ cứu sống đạt 83,3% và không có trường hợp nào nhiễm trùng. Còn tỷ lệ truyền ối thành công chung là đạt 75,5%, nhiễm trùng 0%.
"Mục tiêu của y học bào thai là chữa bệnh cho thai nhi khi còn nằm trong bụng mẹ. Bào thai trong bụng mẹ nếu có mắc các hội chứng như truyền máu song thai, dải xơ buồng ối, chậm tăng trưởng, song thai không tim, cạn ối, đa ối, thiếu máu... đều có nguy cơ thai bị dị tật hoặc chết lưu. Kỹ thuật can thiệp bào thai sẽ tăng cơ hội chữa bệnh, cứu sống các bé", GS Nguyễn Duy Ánh, nguyên Giám đốc BV Phụ sản Hà Nội chia sẻ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận