Xã hội

Nụ cười làng phong tỏa nắng dưới chân núi Ba Sao

22/09/2019, 07:22

Khu điều trị phong Ba Sao được Nhà nước hỗ trợ, các bệnh nhân phong ở đây được chăm sóc sức khoẻ, sự kỳ thị cũng không còn.

img
Những bệnh nhân phong tại bệnh viện phong Ba Sao

Không còn là làng phong sống biệt lập nơi chân núi, bị mọi người dị nghị và xa lánh, giờ đây nơi này đã trở thành Khu điều trị phong Ba Sao. Dưới mái nhà khang trang, có chế độ Nhà nước hỗ trợ, các bệnh nhân phong ở đây được chăm sóc sức khoẻ, sự kỳ thị của người dân đối với họ cũng không còn…

Nụ cười ở làng phong

Từ TP Phủ Lý di chuyển hướng về Lạc Thủy, Hòa Bình khoảng 20km là tới Khu điều trị phong Ba Sao nằm cách QL21B gần 3km, bao quanh là đồi núi, cây rừng xanh mát, tĩnh lặng. Đây địa phận thuộc thị trấn Ba Sao, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam.

Chúng tôi dừng chân vào quán tạp hoá nằm ven QL21 ở thị trấn Ba Sao, bà chủ quán cởi mở chia sẻ, trại phong chỉ cách đây 3km, những bệnh nhân trong đó vẫn thường ra đây mua hàng hoá, hoặc ra đây đứng bắt xe về quê. “Giờ đây, chẳng ai còn kỳ thị xa lánh bệnh nhân phong nữa mà chỉ thấy thương cảm cho họ”, chủ quán tạp hoá nói.

Đường vào Khu điều trị phong Ba Sao hun hút giữa đồi núi bao bọc, nhưng con đường được trải bê tông rộng 4 làn xe, đi lại rất thuận tiện. Bước chân vào khu điều trị, chúng tôi khá ngỡ ngàng bởi khung cảnh khang trang, với những dãy nhà còn khá mới, những luống rau xanh mát, những khóm hoa đan xen toả sắc trong nắng thu.

Thấy có khách, các bệnh nhân phong ở đây đều vui vẻ, hồ hởi đón tiếp, rót nước pha chè, trò chuyện tíu tít, trái hẳn với những đồn đoán sự mặc cảm về bệnh tật.

Bệnh nhân Nguyễn Thị Rởi quê Trực Ninh, Nam Định chia sẻ, đây là ngôi nhà chính thức của mình. “Dù nhà tôi ở gần đây, nhưng cứ về nhà vài hôm thì tôi lại lên đây vì nhớ mọi người. Cuộc sống ở đây ấm áp vì có nhiều bạn bè cùng cảnh ngộ, có bác sỹ chăm sóc”, bà Rởi tâm sự.

Ông Đỗ Văn Kính (85 tuổi, quê ở Bạch Thượng, huyện Duy Tiên, Hà Nam) tươi cười kể, căn bệnh phong quái ác đã làm thay đổi cuộc đời ông, nhưng cũng đem lại cho ông niềm hạnh phúc với người vợ cùng cảnh ngộ. “Hồi ấy còn trẻ, tôi làm hiệu trưởng trường cấp 1 ở quê, đến năm 30 tuổi thì phát hiện căn bệnh quái ác này. Tôi đi khám ở Bệnh viện Bạch Mai rồi chuyển về trại phong Văn Môn ở Thái Bình để điều trị. Ở đây, tôi gặp vợ tôi, cũng là một bệnh nhân phong. Chúng tôi lấy nhau rồi về đây, tôi làm thày giáo, vợ tôi làm y tá”, ông Kính cho biết.

Khi còn khoẻ, ông Kính được giao phụ trách dạy học cho 1 lớp khoảng 140 trẻ em, con cái của bệnh nhân phong. Ông Kính cho biết, con cái của những bệnh nhân ở đây cũng có người học giỏi thoát ly rồi đi làm bác sỹ ở Hà Nội.

Đồng cảm và hạnh phúc

img
Vợ chồng bệnh nhân ông Tô Ngọc Ân bà Đoàn Thị Sói

Hiện mỗi bệnh nhân phong ở Khu điều trị phong Ba Sao được hỗ trợ 1.080.000 đồng/tháng. Cùng đó, các tổ chức, cá nhân đến làm từ thiện hỗ trợ thêm, nên cuộc của bệnh nhân phong cũng đỡ vất vả, khó khăn. Tháng 3/2019, bệnh viện đã hoàn thành cơ sở vật chất mới, có 14 phòng, mỗi phòng rộng 20m2, khang trang sạch sẽ.


Trong căn phòng khang trang của vợ chồng ông Tô Ngọc Ân, bà Đoàn Thị Sói đã ngoài 80 tuổi, khuôn mặt khắc khổ, những nếp nhăn hằn lên khuôn mặt. Tay run run mời chúng tôi uống nước, ông Ân bảo ông không nhớ năm nay bao nhiêu tuổi, chỉ biết mình sinh Tân Mùi chứ không nhớ năm bao nhiêu. Ông bà cùng bị bệnh phong rồi lấy nhau năm 1958, sau đó chuyển về Khu điều trị phong Ba Sao này.

“Cuộc đời chúng tôi có quá nhiều khốn khổ rồi. Từ ngày gặp được bà ấy, chúng tôi nương tựa vào nhau, động viên và chăm sóc nhau, giờ ở tuổi này, với căn bệnh này, chúng tôi vẫn sống, vẫn có nhau đã là quá hạnh phúc”, ông Ân nói.

Phòng bên cạnh là vợ chồng cụ Nguyễn Văn Ấn và Trần Thị Ban, cụ Ấn đã bị rụng mất bàn tay bên phải, còn cụ Ban khuyết mất bàn chân bên trái. Họ đã ăn ở với nhau đến nay được tròn 10 năm, cũng từng ấy năm họ chưa bao giờ to tiếng, cũng chưa đêm nào xa nhau. Cụ Ấn bảo: “Hai người bệnh ăn ở với nhau bằng cái tình cái nghĩa. Từ khi chúng tôi bị bệnh, người nhà coi như cắt đứt liên lạc, nếu chúng tôi không thành vợ, thành chồng thì cuộc đời không còn ý nghĩa gì để sống”.

img
14 căn phòng cũng là ngôi nhà của những bệnh nhân phong

Được biết, cũng chính từ nơi này, đã có 7 cặp vợ chồng bệnh nhân đã tìm thấy được tình yêu từ những người đồng cảnh ngộ. Không ít những người trong Khu điều trị phong Ba Sao tìm thấy hạnh phúc gia đình, thứ mà trước đó họ không bao giờ dám nghĩ tới. Khi đám cưới “tự túc” ngay trong trại phong được tiến hành không cỗ, không bàn, không bánh kẹo, chỉ là những chén nước chè…

Bệnh viện được thành lập năm 1968, ban đầu đóng ở huyện Lạc Thủy, Hòa Bình, đến năm 1976 thì dời về thị trấn Ba Sao, huyện Kim Bảng, Hà Nam. Hiện nay, bệnh viện có 59 bệnh nhân điều trị nội trú, 70 bệnh nhân đã và đang sinh sống ngoài cộng đồng, đa phần họ đều là những người già cả, người ít nhất cũng hơn 60 tuổi, người nhiều tuổi nhất đã hơn 100 tuổi, tất cả đều không nơi nương tựa. Có nhiều người đã gắn bó với nơi này từ những ngày đầu, người ít nhất cũng đã hơn 20 năm.

“Những người đến bệnh viện phong Ba Sao điều trị có người may mắn thì còn người thân, nhiều khi về thăm nhà vài ba ngày rồi lại đi, có người từ khi dứt áo ra đi chưa một lần về lại nơi chôn nhau cắt rốn. Cũng có bệnh nhân lúc vào điều trị không hề khai báo có người thân, nhưng đến lúc sắp từ giã cõi đời, mới cho biết mình có người thân”, một cán bộ ở Bệnh viện phong Ba Sao chia sẻ.

“Giờ đây cuộc sống của chúng tôi đã ổn định, Nhà nước tăng tiền hỗ trợ, cơ sở vật chất khang trang, nhiều đoàn từ thiện đến cho quạt, quần áo, vật dụng sinh hoạt… nên đời sống mọi người cũng đỡ vất vả hơn xưa”, cụ Ban nói.

Ông Trần Văn Toàn, Phụ trách Phòng Hành chính tổng hợp, Khu điều trị phong Ba Sao chia sẻ: Nhiều năm trước, một số người bị bệnh phong hủi lặng lẽ vào tận nơi “thâm sơn cùng cốc” ở chân núi Ba Sao, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam sinh sống với mong muốn rừng núi trùng điệp, hoang vu sẽ che chở, giúp họ trốn tránh được sự khinh bỉ, xua đuổi của mọi người. Dần dần, nơi đây trở thành một làng phong, có thời điểm có vài trăm người tìm về nơi đây nương náu. Làng phong đã có một thời gian dài biệt lập với cuộc sống bên ngoài, họ phải tự cung, tự cấp, ai ló mặt ra khỏi chân núi xuống làng sẽ bị xua đuổi…

Theo ông Toàn, hồi đầu ở đây có khoảng 500 - 700 bệnh nhân, đa phần họ ở các tỉnh Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình… nhiều người bỏ làng, bỏ quê hương đến đây nên họ không khai tên thật vì họ mặc cảm. Khi có bệnh nhân qua đời thì bệnh viện cùng những người còn lại lo làm ma chay, nhiều khi còn không nhớ nổi những ngôi mộ vì những người mất cách đây đã quá lâu.

“Ngày xưa xã hội kỳ thị căn bệnh phong quái ác, dân xung quanh bệnh viện hắt hủi, không tiếp xúc, xua đuổi nên bệnh nhân không dám ló mặt ra khỏi trại. Nay nhờ được tuyên truyền, dân sống gần trại phong đã hiểu hơn về căn bệnh, họ tiếp xúc, nói chuyện, bán mua với bệnh nhân phong bình thường”, ông Toàn cho hay.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.