Nữ bị cáo "quay xe", khai về việc nhận hối lộ
Chiều 13/7, phiên tòa sơ thẩm xét xử 54 bị cáo trong vụ chuyến bay giải cứu, xảy ra tại Bộ Ngoại giao, Hà Nội và một số tỉnh thành, tiếp tục phần thẩm vấn.
Trước đó, Hội đồng xét xử xét hỏi bị cáo Nguyễn Thị Hương Lan (cựu Cục trưởng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao) để làm rõ cáo buộc bà này nhận hối lộ hàng chục tỷ đồng từ nhiều doanh nghiệp.
Bà Lan khai tháng 7/2021, bị cáo được bổ nhiệm chức vụ cục trưởng. Quãng thời gian thực hiện các chuyến bay giải cứu, Cục Lãnh sự chịu trách nhiệm về công tác bảo hộ công dân. Còn bà ta được giao quản lý toàn bộ công việc ở cơ quan này.
Bị cáo Nguyễn Thị Hương Lan, cựu Cục trưởng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao.
Nói về quy trình tiếp nhận hồ sơ giải quyết chuyến bay và xem xét đề nghị của doanh nghiệp để đưa công dân về nước cách ly, bà Lan trình bày đầu tiên, công văn phải gửi đến Phòng Bảo hộ công dân, Cục Lãnh sự để phân loại, chuyển lãnh đạo đơn vị xử lý.
Căn cứ các nội dung đã được tổ công tác 5 bộ thống nhất trước đó, Cục Lãnh sự sẽ lựa chọn những doanh nghiệp có đủ điều kiện và tiêu chí, đưa vào danh sách đề xuất. Từ đó, danh sách trình lên bị cáo trước khi được chuyển đến ông Tô Anh Dũng (cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, cũng là bị cáo trong vụ án này) cho ý kiến.
Theo cáo trạng, từ tháng 12/2020 đến 1/2022, Nguyễn Thị Hương Lan có 32 lần nhận hối lộ từ đại diện các doanh nghiệp có hồ sơ xin cấp phép thực hiện chuyến bay giải cứu.
Hiện gia đình bị cáo Lan đã nộp khắc phục 900 triệu đồng.
"Quá trình công tác, một số doanh nghiệp do lãnh đạo các bộ, ngành giới thiệu đến gặp bị cáo", bà Lan khai và thừa nhận đã nhận tiền của một số đại diện doanh nghiệp. Đáng chú ý, ở giai đoạn điều tra, bà Lan phủ nhận cáo buộc nhận tiền từ các doanh nghiệp.
Nữ bị cáo liệt kê mình đã nhận tổng số tiền hơn 25 tỷ đồng từ đại diện các công ty: An Bình (13,2 tỷ đồng), ATA (300 triệu đồng và 85.000 USD), Nhật Minh (20.000 USD), Masterlife (55.000 USD), Blue Sky (5,9 tỷ đồng)…
Trước đó, bị cáo Đỗ Hoàng Tùng (cựu Phó cục trưởng Cục Lãnh sự, phụ trách Phòng Bảo hộ công dân) khai trong quá trình xem xét các hồ sơ xin cấp phép chuyến bay, một số đại diện doanh nghiệp cũng liên hệ, gặp Tùng để đưa tiền.
Ban đầu, Tùng không tiếp xúc trực tiếp mà chỉ trao đổi, hướng dẫn qua điện thoại để doanh nghiệp gửi hồ sơ. Sau đó, có 15 đại diện doanh nghiệp liên hệ để đưa tổng số tiền trên 12 tỷ đồng nhằm cám ơn Tùng.
"Ban đầu, bị cáo nghĩ các doanh nghiệp đã thực hiện tốt để hoàn thành chuyến bay, sau đó họ gửi tiền cám ơn. Bị cáo nhiều lần từ chối, nhưng sau thì nghĩ họ cám ơn vì đã hỗ trợ, tạo điều kiện cho các chuyến bay được về nước", ông Tùng trả lời ngập ngừng khi chủ tọa đặt câu hỏi: "Bị cáo nghĩ gì khi các doanh nghiệp đưa số tiền trên?".
Ông Tùng tiếp lời rằng đến nay, bị cáo nhận thức rõ được hành vi nhận tiền như trên là trái quy định của pháp luật và Luật Phòng chống tham nhũng.
Bán bất động sản để nộp khắc phục hậu quả
Chiều cùng ngày, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân TP Hà Nội tham gia xét hỏi. Đáng chú ý, khi trả lời Viện Kiểm sát, ông Phạm Trung Kiên, cựu thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế, thừa nhận đã nhận hối lộ hơn 42 tỷ đồng như cáo trạng nêu rõ.
Ngoài ra, ông Kiên giữ nguyên lời khai về việc mình không ép các đại diện doanh nghiệp phải chi tiền thì mới giúp đỡ xin cấp phép chuyến bay.
Tuy nhiên, trở lại phòng xử án sau khi HĐXX cho phiên tòa nghỉ giải lao, Phạm Trung Kiên xin được đính chính về cáo buộc o ép doanh nghiệp đưa tiền. Theo đó, bị cáo này thừa nhận mình có gợi ý doanh nghiệp quan tâm, giúp đỡ khi đã xong việc.
Phạm Trung Kiên cho biết thêm, trong số tiền đã nhận hối lộ, bị cáo chi 20 tỷ đồng để đầu tư bất động sản ở Hà Nội và Bình Thuận như đã khai trước đó. Hiện, bị cáo bán được 2 bất động ở các huyện Ba Vì và Hoài Đức để khắc phục hậu quả.
Cũng tại phiên tòa, bà Đỗ Thu Trang (vợ bị cáo Kiên) trình bày đã cùng gia đình nộp 15 tỷ đồng để mong khắc phục hậu quả cho chồng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận