Cải tiến chương trình giảng dạy, nâng cao chất lượng đào tạo
Đại hội Thi đua yêu nước ngành GTVT lần thứ X, giai đoạn 2020-2025 Nội vừa tổ chức đã thông qua danh sách 6 gương điển hình tiên tiến xuất sắc là đại biểu tham dự Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X. Trong 6 gương mặt này, nữ PGS. TS. Lê Thị Hương Giang, trường Đại học Hàng hải Việt Nam có nhiều thành tích nổi bật trong công tác giảng dạy và nghiên cứu khoa học.
Chia sẻ với Báo Giao thông, PGS. TS. Lê Thị Hương Giang, Phó trưởng bộ môn, Khoa Công trình cho biết, chuyên ngành chị giảng dạy là xây dựng công trình thủy. Xây dựng công trình trên bờ như cầu đường hay dân dụng đã rất vất vả, khó khăn, với ngành này còn khó khăn hơn vì thi công dưới nước. Vì thế, 3 năm trở lại đây, việc tuyển sinh chuyên ngành này rất khó khăn.
“Các môn học liên quan công trình thủy đa phần khô cứng nên khó hấp dẫn được sinh viên theo học. Ngay cả với một giảng viên nữ như mình, cũng rất ít người theo đuổi lâu dài. Nhưng vì yêu nghề, lại gắn bó từ năm 1994, từ khi bước chân vào giảng đường đại học, đến nay đã hơn 20 năm nên mình vẫn quyết tâm theo”, chị Giang tâm sự.
Theo chị Giang, xây dựng công trình thủy tuy là chuyên ngành khô cứng, khó tuyển sinh nhưng lại đòi hỏi chất lượng đào tạo rất cao, để khi ra trường, các tân kĩ sư có thể đáp ứng được công việc được ngay, tránh mất nhiều thời gian đào tạo thực tế. Vì vậy, bản thân chị và các thầy cô luôn có ý thức phấn đấu nâng cao trình độ chuyên môn và nghiệp vụ sư phạm, tìm tòi khai thác những vấn đề mới, thiết thực để mang lại kiến thức tốt nhất cho các sinh viên và học viên.
Với những đóng góp của chị trong công tác đào tạo, năm 2019 chị vinh dự được Hội đồng Giáo sư Nhà nước phong tặng học hàm phó giáo sư và năm 2020 được Bộ trưởng Bộ GTVT bổ nhiệm chức danh Giảng viên cấp đầu.
Tích cực nghiên cứu đề tài khoa học mang tính ứng dụng cao
Theo PGS. TS. Lê Thị Hương Giang, cùng với nhiệm vụ đào tạo, tham gia nghiên cứu khoa học, có sản phẩm KHCN cũng là nhiệm vụ quan trọng của một giảng viên đại học.
Vì thế, những năm qua, chị luôn cố gắng tìm tòi nghiên cứu để có những sản phẩm tốt nhất phục vụ cho các công tác giảng dạy. Đặc biệt, đối với ngành xây dựng công trình thủy, nhu cầu hiện tại của Việt Nam lớn, nhưng vốn đầu tư hạn hẹp. Mặt khác, do công trình chủ yếu ở dưới nước, gần nước, chịu nhiều tác động khắc nghiệt của môi trường, dễ ảnh hưởng đến độ bền công trình.
Yêu cầu đặt ra là các công trình được đầu tư phải đảm bảo cao về chất lượng, độ bền vững. Do đó, các nghiên cứu của chị cũng hướng tới tính ứng dụng thực tiễn để có thể ứng dụng được hiệu quả trong xây dựng các dự án, công trình thủy tại Việt Nam.
Năm năm qua, chị đã có nhiều công trình nghiên cứu, đạt thành tích cao. Trong đó, chủ nhiệm 2 đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ và 3 đề tài cấp trường; Tham gia 3 đề tài cấp trường khác. Cùng đó, đã công bố 21 bài báo khoa học, trong đó 5 bài báo khoa học trên các tạp chí và kỷ yếu quốc tế có uy tín và 2 bài trên các tạp chí và kỷ yếu quốc tế khác; Xuất bản 3 giáo trình, trong đó 1 sách chuyên khảo và 2 sách thuộc nhà xuất bản có uy tín…
Đặc biệt từ năm 2017 đến 2019, chị đã có những sáng kiến, giải pháp hữu ích được Hội đồng khoa học cấp cơ sở và cấp Bộ đánh giá cao. Có thể kể đến giải pháp "Nghiên cứu sa bồi trong thủy vực có một cửa vào theo phương pháp bán kinh nghiệm - Ứng dụng nghiên cứu khu vực Sông Hậu" (năm 2019), giúp các nhà quản lý, nhất là đối với các nhà quản lý khai thác, phát triển cảng, cũng như các nhà thầu thi công có thêm phương pháp định lượng sa bồi với thời gian thực hiện nhanh hơn, làm tiền đề để đưa ra các phương án quản lý, đầu tư với quy mô phù hợp. Đặc biệt, nghiên cứu này giúp đối tượng sử dụng kết quả nghiên cứu có thể chủ động dự báo và ứng phó phù hợp với các kịch bản bất lợi có thể ảnh hưởng đến yếu tố kinh tế - xã hội và môi trường.
Hay năm 2018, giải pháp "Thử nghiệm đánh giá, phân vùng rủi ro ô nhiễm môi trường do hoạt động hàng hải. Áp dụng cho vùng nước cảng biển Hải Phòng - Quảng Ninh" của chị đã mang lại hiệu quả cao về các mặt kinh tế và môi trường. Đề tài đã thiết lập cơ sở khoa học và thực tiễn đánh giá, phân vùng rủi ro ô nhiễm môi trường tại các vùng biển có hoạt động hàng hải, nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế của ngành hàng hải và phục vụ công tác quản lý, kiểm soát ô nhiễm môi trường biển.
Đánh giá cao những đóng góp trong nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học của giảng viên Lê Thị Hương Giang, PGS. TS. Phạm Xuân Dương, Hiệu trưởng trường Đại học Hàng hải VN cho biết, chị Giang là giảng viên nhiệt huyết, năng động, luôn tâm huyết với công tác giảng dạy và nghiên cứu khoa học; đặc biệt chị rất chủ động công bố các nghiên cứu trên các tạp chí uy tín, góp phần xây dựng uy tín, thương hiệu của nhà trường.
“Các kết quả nghiên cứu của chị Giang có thể ứng dụng trong thực tiễn và trong đào tạo. Đồng thời là tài liệu tham khảo tốt cho các cán bộ làm công tác tư vấn thiết kế thi công công trình thủy và các giảng viên, sinh viên chuyên ngành liên quan”, Hiệu trưởng Phạm Xuân Dương nói.
PGS. TS. Lê Thị Hương Giang đạt danh hiệu Chiến sỹ thi đua cấp cơ sở năm học 2013-2014, 2014-2015, 2015-2016, 2016-2017, 2017-2018, 2018-2019; Được tặng bằng khen Lao động sáng tạo của Tổng liên đoàn Lao Động Việt Nam năm 2019; Năm 2020 được Liên đoàn Lao động TP. Hải Phòng tặng Bằng khen Lao động tiêu biểu thành phố. Năm 2020, được Bộ trưởng Bộ GTVT tặng Bằng khen vì đã có thành tích tiêu biểu xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2016-2020…
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận