Giữa biển, hình ảnh nhà sư và ngôi chùa như một nốt lặng hiền hòa, như một điểm tựa cho những người lính đảo xa nhà |
Tôi đã đến Trường Sa và tôi biết, nếu chỉ yêu Trường Sa vừa đủ, và nếu không thật sự là một tay máy giầu cảm xúc, Mỹ Trà đã không thể có cuốn sách ảnh mà cô vừa cho ra mắt.
Tôi chắc "Trường Sa nơi tôi đến" là một món quà nữ nhà báo VOV trân quý dành tặng các chiến sỹ trên đảo nhưng cũng là thứ để cô trải lòng. Với đất liền, Trường Sa luôn thiêng liêng, bất cứ điều gì có ý nghĩa cho những người đang ngày đêm canh gác và có mặt tại nơi tiền tiêu này của Tổ Quốc, không ai ngần ngại. Có lẽ cũng vì thế triển lãm ảnh về Trường Sa của nữ nhà báo VOV này đã được đón chào nồng ấm trong hai lần ra mắt tại Hà Nội và TPHCM. Trong cả hai lần đó, nhiều người đến xem triển lãm của Trà đã mua ảnh hoặc nhờ nữ nhà báo gửi những phần quà ra Trường Sa.
Điều đáng nói trong cuốn sách ảnh của cô không phải là kỹ thuật chụp ảnh mà là cách cô thu những khoảnh khắc đầy cảm xúc vào ống kính. Hơn thế, các bức ảnh là góc nhìn của một phụ nữ, một nhà báo về cuộc sống đang diễn ra trên mảnh đất thiêng liêng của Tổ quốc. Vì thế, tấm ảnh nào cũng có những gửi gắm xúc cảm riêng.
Nhà thơ Trần Đăng Khoa khi xem ảnh của Trà đã nhận xét: "Tôi cũng đã từng có nhiều năm lăn lộn với Trường Sa. Những con người, những cảnh vật ở đây, tôi đều đã thuộc. Vậy mà có ảnh Trà chụp, tôi như mới thấy lần đầu.
Nhìn góc chụp, tôi biết tác giả rất dũng cảm, cũng phải giỏi leo trèo, mạo hiểm mà chỉ cần sơ sảy trượt chân thì đến cả xác cũng khó mà tìm thấy chứ đừng nói đến việc tìm kiếm được một vẻ đẹp của nghệ thuật.
Chuẩn đô đốc Phạm Văn Vững, Chủ nhiệm Chính trị Hải quân cũng rất tâm đắc với câu chuyện kể về Trường Sa bằng ảnh của nữ nhà báo. Cuốn sách ảnh đã khắc họa chân thực cuộc sống của quân dân huyện đảo và chiến sỹ nhà giàn DK1. Đó là những khuôn hình đẹp đẽ bởi cả hình ảnh và xúc cảm, Chuẩn đô đốc nhận xét.
Trong buổi ra mắt sách ảnh, Mỹ Trà giản dị bộc bạch: "Tôi đã quyết định kể lại hành trình của chính mình khi ra đảo. Để không trùng lặp với những tay máy trước đó, tôi dùng cảm xúc của mình để kể chuyện. Với tôi Trường Sa có quá nhiều điều để khoe, để kể, nhiều chuyện lần đầu tôi biết hoặc tận mắt chứng kiến".
"Cảm xúc quá nhiều và cũng là một người chuyên viết nên cuối cùng cuốn sách ảnh của tôi hơi khác mọi người vì nó khá… nhiều chữ" - nữ nhà báo hóm hỉnh giới thiệu.
Trường Sa nơi tôi đến là bộ sách ảnh độc đáo được thể hiện song ngữ Anh - Việt gồm gần 150 bức ảnh, dày hơn 150 trang với 5 chương: Thao thức Trường Sa, Vẻ đẹp Trường Sa, Quê em Trường Sa, Nhà Giàn DK1, Trường Sa - Nơi ta đến.
Những nụ cười rạng rỡ, tiếng cười đùa con trẻ... - Trường Sa giữa biển vẫn là đất mẹ bao dung với những niềm hạnh phúc giản dị |
Bức ảnh Diệu kỳ Trường Sa của nữ nhà báo Mỹ Trà nhận được rất nhiều tình cảm của người xem |
Bức ảnh Những ô cửa mãi xanh khiến người rời đi vẫn vấn vương mãi cảm giác nồng ấm ở đảo |
Để chụp những bức ảnh dưới biển này, Mỹ Trà đã rất dày công cộng với sự hỗ trợ của các chiến sỹ và ngư dân trên đảo |
Bức ảnh ghi lại khoảnh khắc người họa sỹ vẽ ký họa chiến sỹ trên đảo |
Nhà báo Nguyễn Mỹ Trà trong một lần dừng chân trên đảo Tiên Nữ |
Cuốn sách ảnh Trường Sa đầu tiên của một nữ nhà báo |
Trường Sa nơi ta đến là một cuốn sách đáng đọc với những bức ảnh giầu thông tin và cảm xúc |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận