“Bà đỡ” mát tay trên chuyến tàu nghĩa tình hồi hương
Trao đổi qua điện thoại với PV Báo Giao thông trên chuyến tàu quay trở lại TP.HCM sau khi hoàn thành nhiệm vụ đưa người dân Quảng Bình trên đoàn tàu lập riêng SE16 về quê an toàn, chị Ngô Thị Phương Thảo (Trạm tiếp viên đường sắt Sài Gòn) chia sẻ: “Chuyến đi vất vả, nhiều nguy cơ lây nhiễm Covid-19, nhưng tôi hạnh phúc vì đã góp phần hỗ trợ được hành khách sinh con an toàn”.
Chị Thảo kể, đây là đoàn tàu ngành Đường sắt tổ chức riêng theo đề nghị của tỉnh Quảng Bình để đưa người dân ở TP.HCM và các tỉnh phía Nam về quê. Hành khách được ưu tiên là phụ nữ mang thai, người có con nhỏ, người già, người bệnh tật...
Nữ vệ sinh viên Ngô Phương Thảo hỗ trợ hành khách sinh con trên tàu SE16 và chăm sóc em bé sau sinh
“Khi xung phong đi chuyến này, tôi đã biết sẽ có nhiều hành khách mang bầu, về quê sinh con. Khả năng xảy ra tình huống hành khách sinh con nay trên tàu rất cao. Tôi là vệ sinh viên trên tàu, theo nhiệm vụ sẽ phải trực tiếp hỗ trợ hành khách. Vì thế, tôi đã chuẩn bị sẵn tinh thần, nhất là các vật dụng y tế thiết yếu. Nhưng khi đón hành khách lên tàu, tôi không ngờ lại nhiều thế, có tới 135 hành khách mang bầu nên cũng hơi khớp”, chị Thảo nói.
Điều chị lo ngại đã xảy ra. Khoảng 19h30 ngày 8/10, tàu đang chạy khu đoạn Tuy Hòa - Diêu Trì thì tiếp viên toa xe số 9 điện thoại báo trưởng tàu biết có một nữ hành khách tên Nguyễn Thị Nhâm trở dạ. Trưởng tàu lập tức cử chị Thảo đến hỗ trợ hành khách, đồng thời báo cho bác sĩ của đoàn công tác Quảng Bình cùng đi trên tàu.
Chị Thảo vội mang theo các vật dụng y tế đã chuẩn bị sẵn đến toa số 9. Đến nơi, nữ hành khách đang chuyển dạ sinh. Chị Thảo vội hỗ trợ, chỉ mấy phút sau, người mẹ đã sinh một bé trai kháu khỉnh. Vừa lúc bác sĩ đến nơi, kẹp rốn cho em bé và thực hiện các nghiệp vụ y tế đối với người mẹ. Còn chị Thảo vệ sinh, mặc quần áo, ủ ấm cho em bé.
“May quá, cả hai mẹ con đều khỏe mạnh. Tổ tàu chúng tôi và cả hành khách xung quanh ai cũng vui mừng. Nhưng để đảm bảo an toàn cho sức khỏe người mẹ sau sinh, bác sĩ và tổ tàu đã hội ý, thống nhất đưa hai mẹ con xuống ga Diêu Trì để đưa đi bệnh viện”, chị Thảo kể.
Vẫn đêm đó lại có thêm một nữ hành khách chuyển dạ. Nữ hành khách đã có dấu hiệu chuyển dạ từ sáng nhưng không báo cho nhân viên, đến khi chị Thảo hỏi mới biết. Thấy hành khách có dấu hiệu cạn ối, lại không có cơn co tử cung, chị Thảo báo cáo ngay trưởng tàu và bác sĩ để dừng tàu tại ga Quảng Ngãi, đưa hành khách đi bệnh viện để sinh mổ, đảm bảo an toàn cho cả mẹ và bé.
“Nhận được tin hành khách đến bệnh viện, sinh mổ kịp thời, an toàn cả mẹ và con, chúng tôi mới yên tâm”, chị Thảo nói.
Hộ sinh theo hướng dẫn qua video call
Chị Thảo cho biết, đây là lần thứ ba chị hỗ trợ hành khách sinh con trên tàu. Vì thế, dù lo lắng nhưng chị cũng đã có kinh nghiệm nên không còn “run” hay luống cuống nữa.
Nhưng lần khiến chị “đổ mồ hôi” vì lo sợ nhất là lần hỗ trợ hành khách sinh con năm ngoái. Khoảng 14h12 ngày 26/4/2020, khi tàu đang chạy trong khu gian Kim Liên - Hải Vân Nam thì chị nhận được tin báo có hành khách trở dạ.
Chị Ngô Thị Phương Thảo với công việc phục vụ hành khách trên tàu khi chưa ảnh hưởng bởi dịch Covid-19
Hành khách cho biết đang mang thai tuần thứ 37, không có ai đi cùng và mong muốn được đưa đến bệnh viện Huế để sinh con. Tổ tàu đã báo cáo để các đơn vị sẵn sàng đón hành khách khi tàu đến ga Huế.
Tuy nhiên, hành khách đau bụng dữ dội, không đợi được đến ga Huế, chị Thảo quyết định hỗ trợ hành khách sinh con ngay trên tàu. May mắn, một hành khách đã liên hệ được với người quen là người có chuyên môn y tế về khoa sản giúp đỡ, hướng dẫn qua video call. Với sự hướng dẫn đó, chị Thảo và một nam vệ sinh viên khác đã trực tiếp hỗ trợ hành khách sinh an toàn. Khoảng 16h25, một bé gái khoảng 3kg đã ra đời mạnh khỏe.
“Lúc đó tôi lo lắm vì hành khách sinh khó. Dù đã được tập huấn các kĩ năng, kiến thức cơ bản về đỡ đẻ, lại được hướng dẫn trực tiếp của nhân viên y tế sản khoa qua video call nhưng thật sự không dễ gì. Vừa làm vừa run vì phải thực hiện cả một số thủ thuật y tế mà trước đó mình chưa làm bao giờ... Run vậy nhưng vẫn phải cố gắng thực hiện theo đúng hướng dẫn, tự lên dây cót tinh thần, vì tính mạng cả con và mẹ trông cả vào mình. Khi hành khách “mẹ tròn con vuông”, tôi mừng lắm”, chị Thảo chia sẻ.
Tâm sự chuyện nhà, chuyện nghề, chị Thảo cho biết, cả hai vợ chồng chị đều làm nhân viên trên tàu, lại làm cùng tổ tàu, đi suốt. Vì thế, sau khi nghỉ sinh, vợ chồng chị đành gửi con nhờ bố mẹ chồng ở quê chăm sóc khi con mới 7 tháng tuổi để đi làm. Rồi tranh thủ thời gian giãn cách giữa hai chuyến tàu ở Hà Nội, vợ chồng chị lại tranh thủ về quê thăm con, thăm bố mẹ.
Giờ đường về thăm con xa quá. Đã hàng tháng nay, đường sắt phải dừng hàng loạt tàu khách vì dịch, cả 2 vợ chồng cũng phải nghỉ đi tàu. TP.HCM là “vùng đỏ”, nên có muốn về thăm con ngoài Bắc cũng không được.
“Không có việc, không có thu nhập. Ngay cả việc làm thêm như bán hàng online cũng phải dừng do TP.HCM thực hiện giãn cách xã hội. Chúng tôi chỉ mong tàu chạy trở lại, dịch mau qua đi, chúng tôi được về thăm con, thăm gia đình và có việc làm”, chị Thảo tâm sự.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận