Giáo dục

Nữ sinh rụt rè chia sẻ chuyện khó nói của tuổi mới lớn

24/03/2024, 06:30

Các nữ sinh cấp 2 còn rụt rè khi tiếp xúc với các bác sĩ, chuyên gia tâm lý nhưng trong ánh mắt của các em còn nhiều điều muốn hỏi, muốn được chia sẻ riêng.

Nữ sinh hoảng sợ vì thiếu kiến thức về dậy thì

Sáng 23/3, các chuyên gia y tế đã chia sẻ nhiều kiến thức giới tính, tâm sinh lý, sức khỏe sinh sản tuổi mới lớn cho hơn 600 học sinh trường THCS Vô Tranh (Lục Nam, Bắc Giang) thông qua dự án "Mai tôi lớn".

Nữ sinh rụt rè chia sẻ chuyện khó nói của tuổi mới lớn- Ảnh 1.

Hơn 300 học sinh nữ trường THCS Vô Tranh, Bắc Giang lắng nghe kiến thức giáo dục giới tính và tâm sinh lý tuổi mới lớn.

Em Nguyễn Minh Trúc, lớp 6A1 rụt rè cho biết, em đã rất hoảng sợ trong lần kinh nguyệt đầu tiên vì chưa từng được hướng dẫn phải xử lý thế nào.

"Buổi chia sẻ kiến thức về giới tính như hôm nay rất ý nghĩa, giúp em và các bạn hiểu rõ hơn về cơ thể mình cũng như cách chăm sóc bản thân", em Trúc nói.

Chia sẻ kiến thức về Tâm lý dậy thì cho các nữ sinh, TS.BS Nguyễn Thị Thanh Hương, Phó chủ nhiệm Bộ môn Sinh lý học, Đại học Y Hà Nội cho hay, bà từng gặp gỡ nhiều cô gái có thai khi mới 13-14 tuổi. Các cháu được cha mẹ đưa tới khi bầu quá lớn trên 4,5 tháng, nếu giữ lại thì nguy hiểm đến sức khỏe của các cháu do tử cung chưa phát triển hết… 

"Chúng tôi đánh giá cao ý tưởng của dự án "Mai tôi lớn" của nhóm các bạn trẻ. Việc lan tỏa giáo dục giới tính có thể giúp giảm bớt điều không mong muốn cho các cháu học sinh đặc biệt với các bé gái. Trong buổi chia sẻ, các học trò nữ còn rụt rè nhưng tôi nhận thấy trong ánh mắt của các cháu còn nhiều điều muốn hỏi, muốn được chia sẻ riêng. 

Hy vọng với những kiến thức về tâm sinh lý, về giới tính chúng tôi mang đến cho các cháu ngày hôm nay sẽ phần nào giúp các em hiểu rõ hơn và ý thức hơn về việc chăm sóc cơ thể, giữ gìn sức khỏe sinh sản của chính mình", TS Hương chia sẻ.

Nữ sinh rụt rè chia sẻ chuyện khó nói của tuổi mới lớn- Ảnh 2.

Các nam sinh hào hứng với nhiều câu hỏi về sinh lý tuổi teen được giải đáp từ chuyên gia y tế về Nam học và giới tính.

Còn với PGS.BS Nguyễn Hoài Bắc, Trưởng khoa Nam học và giới tính, BV ĐH Y Hà Nội, "các em đang tuổi dậy thì, việc thiếu hụt nhiều kiến thức về giới tính sẽ để lại những hệ lụy đáng tiếc cho chính các em, cho gia đình và xã hội. Chính vì vậy đây là hoạt động giáo dục rất thiết thực, gần gũi và cần lan tỏa".

Giáo dục giới tính không nên né tránh

Cô giáo Phạm Thị Thơm, GV môn Ngữ văn, trường THCS Vô Tranh cũng cho biết: "Trong quá trình giảng dạy chúng tôi cũng đưa vào nội dung về giáo dục giới tính tuy nhiên chỉ đề cập chung chung mà thôi. Với những cuộc chia sẻ chi tiết các kiến thức giới tính như hôm nay sẽ giúp các em nhận thức rõ hơn về những thay đổi của cơ thể đang tuổi dậy thì, thay đổi tâm sinh lý của bản thân. 

Đây là chương trình rất bổ ích và nên tổ chức nhiều để các em được tiếp cận, có kỹ năng chăm sóc bản thân mình. Giáo dục giới tính không chỉ nhiệm vụ của giáo viên, nhà trường mà còn từ phía gia đình. Quan điểm của chúng tôi là việc giáo dục giới tính không nên né tránh, nhất là ở độ tuổi mới lớn, điều này vô cùng quan trọng với các con".

Nữ sinh rụt rè chia sẻ chuyện khó nói của tuổi mới lớn- Ảnh 3.

Những món quà chăm sóc vệ sinh cá nhân được trao tới tay học sinh trường THCS Vô Tranh.

Cũng trong buổi chia sẻ kiến thức về giới tính, nhiều món quà là sản phẩm vệ sinh cá nhân được các thành viên của "Mai tôi lớn" trao tới tay học sinh. Ngoài ra, 500 đầu sách phù hợp với lứa tuổi học sinh cũng được dự án "Sách sống" trao đến cho trường THCS Vô Tranh.


Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.