Điều tra

Nữ tiểu thương chợ Long Biên bật khóc, lo sợ nhóm Hưng "kính" trả thù

25/07/2019, 17:08

Nữ tiểu thương chợ Long Biên bật khóc lớn: “Bồi thường cái gì ạ? Hai lần tôi tự tử thì bồi thường cái gì?”.

img
Bị hại tại phiên toà xét xử chiều 25/7

Chiều 25/7, tại phiên xét xử vụ án “Cưỡng đoạt tài sản” xảy ra tại chợ Long Biên, khi được hỏi, vợ chồng bị hại anh Hà và chị Nga đã đề nghị HĐXX xét xử đúng người, đúng tội đối với các bị cáo.

Khi chủ tọa hỏi về việc đề nghị các bị cáo bồi thường đối với những tổn thất gây ra, chị Nga khóc lớn rồi nói: “Bồi thường cái gì ạ? Hai lần tôi tự tử thì bồi thường cái gì?”.

Chủ tọa sau đó đề nghị chị Nga bình tĩnh bởi đối với hành vi của các bị cáo đã phải đứng trước vành móng ngựa. Nhưng chị Nga vẫn khóc và lo lắng: “Các đối tượng ra khỏi vòng pháp luật, ai sẽ bảo vệ cho tôi?”.

Sau khi nghe chủ tọa giải thích thêm về việc có đề nghị bồi thường không, chị Nga đã trả lời không yêu cầu bồi thường bởi những thiệt hại do các bị cáo gây ra. Chị chỉ đề nghị xử đúng người, đúng tội để còn tinh thần, làm ăn buôn bán.

“Khi các bị cáo bị bắt, không ngày nào tôi sống được thoải mái, luôn có áp lực vô hình. Ngay hôm nay xử tòa nhưng tối qua ra chỗ kinh doanh tôi cũng bị gây áp lực rất lớn”, chị Nga chia sẻ.

Tiếp đó, HĐXX đã mời các luật sư tiến hành phần xét hỏi. Trả lời câu hỏi của luật sư bào chữa cho mình, bị cáo Nguyễn Kim Hưng thừa nhận hành vi vi phạm pháp luật như cáo trạng đã nêu.

Bị cáo nghẹn ngào nói lời xin lỗi tới tất cả các hộ kinh doanh tại chợ Long Biên vì trong thời gian qua đã “có những cái chưa làm đúng theo quy định của Ban quản lý chợ giao, để bê trễ công việc và cách ứng xử thiếu văn minh, chưa đúng mực, đặc biệt với hộ chị Nga, anh Hà”.

Các luật sư tập trung làm rõ về việc tuyển dụng, ký hợp đồng và việc phân công công việc của Ban quản lý chợ Long Biên đối với bị cáo Nguyễn Kim Hưng. Tuy nhiên vị đại diện của Ban quản lý chợ có mặt tại tòa đã không nắm được nhiều thông tin.

Ngày 25/7, phiên toà xét xử Hưng "kính" và đồng bọn bảo kê chợ Long Biên, Hà Nội được mở lại sau lần tạm hoãn từ phiên xét xử ngày 11/7.

Tại phiên toà hôm nay, Nguyễn Kim Hưng (tức Hưng “kính”, SN 1963, Hoàn Kiếm, Hà Nội) cùng 4 bị cáo khác gồm: Nguyễn Hữu Tiến (tức Tiến “hói”, SN 1970), Lê Thanh Hải (Hải “gió”, SN 1963), Nguyễn Mạnh Long (Long “cao”, SN 1962) và Dương Quốc Vương (Vương “lợn”, SN 1968) đều có mặt.

Theo cáo trạng, năm 2008, chị Nghiêm Thúy Nga (SN 1981) và chồng là anh Hoàng Anh Hà (SN 1972, cùng trú tại Ba Đình) kinh doanh hoa quả tại chợ Long Biên. Gia đình anh chị thường xuyên bị Hưng "kính" và nhóm "đàn em" đe dọa, chèn ép, bắt phải nộp nhiều loại tiền.

Ngày 10/8/2018, chị Nga và anh Hà gửi đơn đến Phòng Cảnh sát hình sự, Công an Hà Nội tố cáo hành vi cưỡng đoạt tài sản của các đối tượng trên. Kết quả điều tra cho thấy, dưới danh nghĩa là những nhân viên của tổ bốc dỡ số 2 thuộc chợ Long Biên, Hưng "kính" đã chỉ đạo nhóm "đàn em" chèn ép, gây khó khăn, đe dọa… hộ kinh doanh của anh Hà, chị Nga.

Để tạo sức ép, các bị cáo không cho ô tô của hộ anh Hà, chị Nga đỗ trong chợ; cho nhân viên lái xe đỗ chắn trước ki-ốt, kéo cá thối để cạnh ki-ốt của chị Nga.

Cáo buộc cho rằng, Hưng "kính" còn tự ý giao cho Vương "lợn" thu tiền dịch vụ bốc dỡ hàng hóa; chỉ đạo nhóm "đàn em" soạn bảng kê khác theo ý của Hưng thay vì dùng các bảng kê do BQL phát hành (có đóng dấu treo của BQL)...

Hưng "kính" yêu cầu "đàn em" không để nhân viên bốc dỡ của các hộ kinh doanh tự bốc dỡ với lý do - thực hiện hợp đồng bốc dỡ với BQL. Chỉ nhân viên tổ bốc dỡ số 2 mới có quyền bốc dỡ hàng hóa...

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.