Chính trị

Nữ TNXP được Bác Hồ khen “người bé mà chí lớn”

30/04/2023, 07:39

Ở tuổi 79, bà Nguyễn Thị Lân vẫn nhớ như in những ngày tháng chuyển lương thực, giữ đường giữa mưa bom bão đạn và 2 lần được ra Hà Nội gặp Bác.

Người 45kg vác 35kg leo 11 con dốc

img

Bà Nguyễn Thị Lân (ngoài cùng bìa trái) cùng Đoàn đại biểu Quân khu 4 được gặp Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp tháng 6/1969

Ngày 19/6/1965, cô gái Nguyễn Thị Lân (quê Đức Yên, Đức Thọ, Hà Tĩnh) tham gia TNXP khi mới tròn 21 tuổi. Ngay sau khi biên chế, cả đơn vị khẩn trương hành quân vào chiến trường Quảng Trị nhập vào Binh trạm 7, Đoàn 559.

Tại đây, cô cùng đồng đội được giao nhiệm vụ chuyển tải lương thực, vũ khí từ trạm 2 lên trạm 3, tuyến đường Trường Sơn để chuyển vào miền Nam; ngược lại chuyển thương binh từ chiến trường ra tuyến ngoài để chữa trị.

Sống giữa rừng thiêng nước độc, ngày ngày làm “mồi” cho muỗi, vắt rừng, sốt rét hành hạ khiến hầu hết các TNXP đều xanh xao, tiều tụy.

Tiêu chuẩn mỗi người vác 1 bao gạo 35kg, còn nếu súng đạn thì mỗi người 1 thùng. Cung đường rừng dài 15km thì có đến 11 con dốc dựng đứng.

“Ngày có gạo thì dùng bếp Hoàng Cầm nấu cơm rồi chia nhau mỗi người một nắm, ăn với muối rang, còn không thì vài miếng lương khô.

Cứ đúng 5h sáng mọi người nhận hàng lên đường, đến tối không thấy mặt người thì về điểm tập kết.

Dốc dựng đứng thì cuốc đất theo kiểu cầu thang, chặt cây làm lan can vịn tay mà đi. Lúc đó, tôi chỉ khoảng 45kg nhưng ngày nào cũng xác trên vai 35kg gạo hoặc 1 thùng đạn đi vào; khi về thì 2 người tăng võng gánh thương binh trở ra”, bà Lân nhớ lại.

Đến khoảng tháng 4/1966, cấp trên giao cho mỗi TNXP một xe thồ. Có phương tiện, tiêu chuẩn vận chuyển của mỗi người cũng tăng lên thành 70kg gạo (mỗi bên xe thồ 1 bao 35kg) hoặc 2 thùng đạn.

Để tải được nhiều, đơn vị đã bàn với nhau tháo toàn bộ các bộ phận không cần thiết trên xe, chỉ giữ lại mỗi cái phanh.

Chính vì vậy, trên thực tế, bà Lân cùng đồng đội thường thồ hơn 1 tạ gạo, người nhiều nhất lên đến 1,7 tạ. Đường chỉ rộng khoảng 1m lại nhiều dốc lắm vực, một bên bộ đội hành quân, bên TNXP thồ hàng.

Mọi việc từ sinh hoạt, nấu ăn, hành quân, vận chuyển đều được thực hiện hết sức bí mật, nhưng cũng có thời điểm, có vị trí bị địch phát hiện.

Như trường hợp trạm 1, có lần bị địch phát hiện, chúng cho máy bay rải chất độc hóa học, cả 1 cánh rừng chết trắng.

Quân ta sau đó đã phải dịch chuyển vị trí trạm 1, nhưng nhiều TNXP vẫn bị chất độc quái ác đó đeo đẳng đến tận bây giờ.

Với những thành tích xuất sắc trong vận tải hàng hóa, vũ khí, tháng 7/1967, nữ TNXP Nguyễn Thị Lân được vinh dự kết nạp vào hàng ngũ của Đảng.

“Lễ kết nạp diễn ra đơn giản, lá cờ Đảng treo trên cây giữa đại ngàn Trường Sơn nhưng ai cũng nghiêm trang, hãnh diện.

Đặc biệt, cuối năm 1967, tôi vinh dự được lần đầu ra Hà Nội gặp Bác Hồ. Lần ấy, đoàn có đến gần 200 người nên Bác không thể gặp từng người mà chỉ đứng vẫy tay tươi cười chào”, bà Lân xúc động nói.

“Người thì bé mà chí thì rất lớn!”

img

Nữ chỉ huy “Đại Đội thép” kể về hai lần vinh dự được gặp Bác Hồ

Đầu tháng 2/1968, bà Lân được điều về nhận nhiệm vụ mới với vai trò Đại đội phó, rồi Đại đội trưởng Đại đội 557 ở “tọa độ lửa” Ngã ba Đồng Lộc (Can Lộc, Hà Tĩnh).

Đại đội có 143 người, làm nhiệm vụ trấn giữ đoạn 4km đường với các trọng điểm như: Cầu Tối, Khiêm Ích, ngầm Tùng Cốc, cầu Máng, cầu Đôi. Nhiệm vụ chính của đơn vị là rà phá bom, san lấp hố bom, chống lầy mặt đường, hộ tống xe, thương binh…

Để kể về nữ TNXP Nguyễn Thị Lân thì dài lắm. Chỉ nói ngắn gọn, đại đội của chị Lân đã vinh dự được Đại tướng Võ Nguyên Giáp vinh danh là “Đại đội thép”. Đặc biệt, chị Lân vinh dự 2 lần được gặp Bác Hồ. Hiện, đơn vị đang làm hồ sơ đề nghị phong Anh hùng cho chị Lân.
Bà Lương Thị Tuệ, nguyên Phó chủ tịch Hội TNXP tỉnh Hà Tĩnh các nhiệm kỳ I, II, III


Tiểu đội công binh của C557 đã rà phá được hơn 1.600 quả bom các loại. Đại đội cũng đã san lấp 1.730 hố bom, đào đắp khoảng 300.000m3 đất đá; cắt, vận chuyển, xử lý chống lầy hơn 17.000 gánh sim mua; bốc, vận chuyển chống lầy gần 9.000m3 đất cát…

Những đóng góp lặng thầm, gương hy sinh dũng cảm của TNXP C557 đã góp phần làm nên chiến công, tên tuổi của Đồng Lộc.

Đại đội được công nhận là đơn vị quyết thắng, được Đại tướng Võ Nguyên Giáp vinh danh là “Đại đội thép”. Vinh dự, tự hào hơn, nữ chỉ huy Nguyễn Thị Lân được bầu đi dự Đại hội Thi đua Quyết thắng Quân khu 4. Và sau đó, tiếp tục được chọn trong số 24 đại biểu đồng hương Quân khu 4 ra Hà Nội gặp Bác Hồ.

Ở tuổi 79, bà Lân vẫn nhớ như in, cuộc gặp vào giữa tháng 6/1969 tại Phủ Chủ tịch, có cả Đại tướng Võ Nguyên Giáp và thư ký Vũ Kỳ. Bà là 1 trong 7 người trực tiếp báo cáo thành tích với Bác.

“Lúc bấy giờ, ai cũng hồi hộp, lo lắng nhưng giây phút Bác bước vào phòng, hỏi han từng người một thì cảm xúc trên đều tan biến, thay vào đó là niềm hạnh phúc.

Bác như vị cha già đã lâu không được gặp các con của mình vậy. Bác ân cần và nhẹ nhàng, hỏi từng người một về cuộc sống, về công việc của quân và dân Khu 4”, bà Lân xúc động kể.

Khi đến lượt bà Lân, Bác hỏi: “Cháu chiến đấu ở Ngã ba Đồng Lộc có vất vả không? Đấy là địa bàn địch đánh phá ác liệt, mưa bom bão đạn suốt cả ngày đêm.

Địa hình chủ yếu là ruộng đồng, đồi núi, khe suối nhiều, đường trơn lầy lội, chắc các cháu khổ lắm?”. Bà chỉ biết cười để Bác phần nào vơi đi nỗi lo lắng trong lòng.

Bác lại hỏi tiếp: “Thế đơn vị cháu có bao nhiêu nam, bao nhiêu nữ?”. Bà đáp: “Thưa Bác! Đơn vị cháu có tới 85% là nữ ạ!”. Bác hỏi tiếp: “Đơn vị cháu thương vong có nhiều không?”.

“Nghe xong câu hỏi của Bác, đồng chí Võ Nguyên Giáp đứng đối diện nhìn tôi và lắc đầu ra hiệu bảo đừng nói đến chuyện thương vong.

Đồng chí Vũ Kỳ ngồi cạnh đó cũng đứng lên nhắc không nói đến sự hy sinh của cán bộ, chiến sĩ trong đó, bởi khi nghe đến thương vong sẽ làm Bác xúc động mà ảnh hưởng đến sức khỏe.

Ngay lập tức, Bác nhắc nhở hai đồng chí rồi nói tiếp: “Đã chiến đấu thì khó tránh khỏi thương vong. Cháu cứ nói thật đi, đơn vị hy sinh nhiều không?”, bà Lân kể lại.

Bà Lân lấy hết can đảm đáp: “Dạ thưa Bác! Có thương vong nhưng rất ít ạ!”. Bác tiếp lời: “Ít là bao nhiêu?”. Bà Lân ngậm ngùi đáp: “Dạ, đơn vị cháu hy sinh 9 đồng chí ạ!”. Nén nỗi đau vào trong, Bác khen Đại đội trưởng Nguyễn Thị Lân: “Giỏi! Giỏi lắm! Người thì bé mà chí thì rất lớn!”.

Chiến tranh kết thúc, bà Lân trở về quê hương lấy chồng sinh con, rồi ra TP Vinh, tỉnh Nghệ An sinh sống.

Ngôi nhà nhỏ của ông bà ở phường Bến Thủy thi thoảng lại đón những đoàn khách “đặc biệt” - là các cháu học sinh.

Qua những câu chuyện chiến đấu gian khổ, hào hùng, bà truyền ngọn lửa cho các thế hệ tương lai của đất nước.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.