Tốt nhưng cần dùng đúng đối tượng
Theo các nghiên cứu, 100 gram quả cam có chứa 87,6 g nước, 104 microgram carotene (một loại vitamin chống oxy hóa), 30 mg vitamin C, 93 mg kali, 26 mg canxi, 9 mg magnesium, 0,3 g chất xơ, 4,5 mg natri, 7 mg Chromium, 20 mg phốt pho, 0,32 mg sắt, giá trị năng lượng là 48 kcal. Nước cam không chứa chất béo hay cholesterol.
Hàm lượng vitamin C chỉ chiếm 15-20% tổng số các chất kháng oxy hóa trong trái cây này, trong khi những hợp chất khác có khả năng chống oxy hóa cao gấp 6 lần vitamin C như hesperidin từ flavanoid có nhiều trong lớp vỏ xơ trắng, màng bao múi cam và một ít trong tép, hạt cam.
Hàm lượng Vitamin C rất cao trong cam có thể hỗ trợ kích thích sản xuất các tế bào trắng. Từ đó tăng cường hệ thống miễn dịch và giúp cơ thể chống lại bệnh tật. Do đó, cam được chứng minh là loại quả có tác dụng chống viêm, chống khối u, ức chế đông máu và chống oxy hóa mạnh. Nước cam cũng chứa lượng vitamin A, đồng, folate và thiamine (vitamin B1), các chất dinh dưỡng khác giúp các hoạt động của hệ thống miễn dịch luôn ở trạng thái tốt nhất, giúp cơ thể chống lại sự tấn công từ bên ngoài cơ thể.
Nước cam tốt cho sức khỏe nhưng theo BS Huỳnh Tấn Vũ, Trưởng Đơn vị Điều trị ban ngày - Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cơ sở 3, "điều này đúng với với điều kiện dùng đúng lượng và đúng đối tượng".
Cần lưu ý người bị viêm loét dạ dày, tá tràng hay viêm tuyến tụy không nên dùng nước cam. Bởi trong nước cam chứa axit (axit ascorbic – vitamin C), các chất hữu cơ làm tăng axit trong dạ dày, gây chứng ợ nóng và khiến tình trạng viêm loét thêm trầm trọng.
Nước cam có tác dụng lợi tiểu nên uống nhiều vào buổi tối sẽ gây tiểu đêm nhiều lần và mất ngủ. Đồng thời, vitamin C có trong cam cũng làm cho bạn khó đi vào giấc ngủ hơn, nên không nên uống nước cam vào buổi tối.
Cũng không nên uống nước cam ngay trước hoặc sau khi uống sữa vì protein trong sữa sẽ phản ứng với axit tartaric và vitamin C trong cam gây ra hiện tượng chướng, đau bụng, tiêu chảy.
Cam cũng như các loại trái cây họ cam quýt khác (nước ép bưởi) có thể làm tăng tính khả dụng sinh học của thuốc (như thuốc chẹn kênh canxi điều trị tăng huyết áp). Nước cam quýt có thể làm tăng tính khả dụng sinh học của thuốc. Một nghiên cứu của Nhật Bản khuyến cáo nên tránh uống nước cam quýt khi đang dùng thuốc, nên cần uống nước cam trước hoặc sau khi uống thuốc 1-2 giờ.
Hữu hiệu trong điều trị cúm A
BS Tấn Vũ chia sẻ xưa nay nhiều người xem nước cam là thức uống tốt khi bị bệnh. Điều này đúng với cúm A, vì trong cam có nguồn vitamin C dồi dào cùng với các chất dinh dưỡng khác giúp tăng cường hệ thống miễn dịch và giúp cơ thể chống lại bệnh tật, chống lại sự tấn công của yếu tố ngoại tà bên ngoài cơ thể, có thể giúp hỗ trợ cải thiện các triệu chứng của cúm A. Tuy nhiên, nên dùng nước cam đúng cách để đạt được hiệu quả trong hỗ trợ điều trị cúm A cũng như các bệnh khác.
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, hàm lượng vitamin C cần thiết cho mỗi người phụ thuộc vào giới tính, độ tuổi cũng như tần suất sử dụng thuốc lá.
Đối với phụ nữ mang thai, lượng vitamin C cần thiết để cung cấp cho cơ thể là 80mg và tăng lên 120mg khi bước vào giai đoạn cho con bú.
Đối với trẻ em, chỉ nên cho trẻ ăn nửa trái cam mỗi ngày, kể cả khi bé rất muốn ăn cũng không nên cho ăn nhiều vì có thể xảy ra tình trạng dị ứng cam.
Đối với nữ giới (từ 19 tuổi trở lên) cần bổ sung 75mg vitamin C mỗi ngày (tương đương với 1 trái cam có đường kính khoảng 4cm). Nam giới (từ 19 tuổi trở lên) cần phải bổ sung 90mg vitamin C mỗi ngày (tương đương với 1 trái cam có đường kính 5cm).
Đối với người có thói quen hút thuốc lá, hàm lượng vitamin C cần thiết cơ bản và phải bổ sung thêm 35mg vitamin C nữa bởi vì trong quá trình hút thuốc, các tế bào gốc tự do sẽ tăng lên.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận