Tâm sự

Nước mắt đoàn tụ sau 18 năm bị lừa bán làm dâu xứ người

04/08/2018, 06:54

Sau 18 năm lưu lạc ở xứ người, chị Hằng bỗng nhiên trở về trong niềm hạnh phúc vỡ òa của người thân.

anh

Chị Hằng kể về 18 năm làm dâu xứ người đầy tủi cực

Nghe lời bà chủ quán ăn rủ lên Lạng Sơn làm giày da với mức lương cao, chị Phạm Thị Hằng (SN 1983, trú xóm Yên Xuân, xã Võ Liệt, huyện Thanh Chương, Nghệ An) đã đồng ý. Tuy nhiên, khi đến Lạng Sơn chị Hằng mới biết mình đã bị lừa bán sang Trung Quốc làm vợ một người đàn ông bản địa. Sau 18 năm lưu lạc ở xứ người, chị Hằng bỗng nhiên trở về trong niềm hạnh phúc vỡ òa của người thân.

18 năm làm vợ xứ người

Gần một tháng nay, căn nhà cấp 4 cũ kỹ nằm khuất sâu trong con hẻm nhỏ của bà Nguyễn Thị Phái (SN 1950), rất đông hàng xóm đến thăm và chúc mừng, khi nghe tin chị Phạm Thị Hằng (con gái bà Phái) trở về từ Trung Quốc sau 18 năm biệt tích.

Rót chén nước mời khách, bà Phái cho biết, ngày 13/7 vừa qua, nghe con gái gọi điện đã về tới cửa khẩu Lạng Sơn và đang trên đường đón xe về Vinh đoàn tụ với gia đình, bà đã òa khóc. 10h ngày 14/7, Hằng có mặt tại quê nhà trong niềm hạnh phúc vỡ òa của người thân. “Thật không ngờ đứa con gái 18 năm biệt tích nay đã trở về. Giờ đây, tôi có nhắm mắt xuôi tay cũng cảm thấy an lòng”, bà Phái nghẹn ngào.

Nghe mẹ nói vậy, chị Hằng vội ôm chầm lấy mẹ khóc như một đứa trẻ. Rồi chị kể cho chúng tôi nghe quá trình bị lừa bán sang Trung Quốc bằng ngôn ngữ tiếng Việt chậm rãi vì lâu ngày không sử dụng.

Năm 2000, sau khi học xong lớp 10, nghe lời bạn rủ ra Hà Nội rửa bát với mức lương 500 nghìn đồng/tháng, do cuộc sống khó khăn nên Hằng đã đồng ý. Làm được khoảng một tháng, bà chủ quán ăn giới thiệu Hằng lên Lạng Sơn làm cho công ty giày da với mức lương 1 triệu đồng/tháng. Cứ tưởng sẽ kiếm được một công việc tốt hơn để có tiền phụ giúp gia đình nhưng khi ra đến Lạng Sơn, Hằng mới biết mình đã bị lừa bán sang Trung Quốc.

Những ngày sau đó, Hằng cùng nhiều cô gái khác được những gã thanh niên xăm trổ đầy mình áp giải bằng ô tô đi nhiều nơi. Trên xe họ cấm các cô gái nói chuyện với nhau, nhưng ai cũng ngầm hiểu mình đang là món hàng hóa trong tay bọn buôn người. Khoảng một tuần sau khi bị lừa sang Trung Quốc, Hằng được đưa đến một ngôi nhà hẻo lánh, vắng vẻ. Nhiều người đến “xem mặt” cô và ngã giá với bọn buôn người. Sau đó, Hằng bị bán cho một người đàn ông hơn cô 9 tuổi làm nghề thợ xây ở khu vực miền núi heo hút thuộc tỉnh Hà Bắc.

“Những ngày đầu mới về làm dâu, do bất đồng ngôn ngữ và nhớ nhà nên tôi khóc suốt. Chồng tôi là một người đàn ông đầu óc không được minh mẫn nên tôi càng bị gia đình chồng quản thúc chặt. Nhiều lần tôi có ý định bỏ trốn nhưng đều bị phát hiện và nhốt lại. Biết không thể trốn thoát, bởi đường về Việt Nam xa xôi, lại không có tiền trong tay, tôi đành chấp nhận cuộc hôn nhân không tình yêu. Một thời gian sau, thấy tôi có vẻ “thuần”, nhà chồng mới cho theo ra đồng làm việc”, chị Hằng kể.

Bẵng đi mấy năm sau đó, gia đình chồng không còn quá lo lắng về việc chị bỏ trốn nhưng do không có giấy tờ tùy thân, lấy chồng không hôn thú, không được nhập tịch nên những năm tháng làm dâu nơi xứ người chị Hằng phải sống chui lủi, khổ cực. “Nhiều lúc tôi đã tìm đến cái chết nhưng lại nghĩ bố mẹ và người thân ở quê nhà đang tìm kiếm, chờ đợi nên phải cố gắng sống”, chị Hằng tâm sự.

Về phần gia đình bà Phái, sau khi Hằng mất tích mọi người đã cố gắng đi tìm nhưng vô vọng. Bố Hằng vì thương nhớ con mà suy sụp và mất sau đó mấy năm. “Thời gian Hằng mất tích cuộc sống gia đình tôi bị đảo lộn hoàn toàn. Ông ấy vì thương con nên suốt ngày uống rượu và ra đi sau đó mấy năm. Còn tôi thì ốm đau bệnh tật thường xuyên nên không làm được việc gì. Giữa năm 2017, gia đình bất ngờ nhận được một mẩu giấy trong đó có ghi số điện thoại và địa chỉ của Hằng ở bên Trung Quốc. Nó thông báo với gia đình vẫn sống tốt và đã lấy chồng”, bà Phái nghẹn ngào.

Hạnh phúc ngày đoàn tụ

Sau 17 năm làm vợ xứ người, thương em dâu, chị chồng mới sắm cho Hằng một chiếc điện thoại thông minh để tiện liên lạc. Tuy nhiên, cô không nhớ số cũng không biết cách để gọi điện thoại về cho gia đình ở Việt Nam.

Giữa năm 2017, qua phần mềm Zalo được cài trên điện thoại, Hằng tình cờ quen một người đàn ông tên Hà (quê Yên Bái). Sau vài lần trò chuyện, cô đã kể cho anh nghe về việc mình bị lừa bán sang Trung Quốc và chia sẻ mong muốn được trở về quê nhà. Sau nhiều lần liên lạc với gia đình, chị Hằng được biết bố đã mất, mẹ đang ốm nặng nên xin phép gia đình chồng cho về Việt Nam thăm nhà. Sau đó, chị Hằng được nhà chồng đồng ý và cho một ít tiền làm lộ phí về quê. Tuy nhiên, để trở về được Việt Nam chị Hằng phải nhờ một người đàn ông Việt thường xuyên qua Trung Quốc làm ăn chỉ “mối” đưa qua đường tiểu ngạch với chi phí 5 triệu đồng.

“Tôi phải đi ô tô mất ba ngày hai đêm từ Hà Bắc về đến gần cửa khẩu Lạng Sơn. Sau đó, ngồi xe máy, đi bộ nhiều chặng mới qua được biên giới Việt - Trung. Khi về đến Lạng Sơn với vốn tiếng Việt ít ỏi tôi hỏi đường nhờ bắt xe ô tô về Vinh rồi gọi người nhà ra đón”, chị Hằng nói.

Nghe tin chị Hằng trở về, các anh chị em sinh sống khắp mọi miền cũng có dịp về quê đoàn tụ. “18 năm mong đợi, nay con gái đã trở về, tôi mừng lắm. Giờ đây, ở bên kia thế giới chắc ông ấy cũng an lòng”, bà Phái nói.

Theo chị Hằng, lần này về quê sẽ ở nhà với mẹ luôn, không sang Trung Quốc nữa. “Mặc dù thương mấy đứa con nuôi (bé trai 10 tuổi, bé gái 12 tuổi) nhưng để mẹ già yếu bệnh tật sống côi cút một mình em cũng không an lòng”, chị Hằng chia sẻ.

Nói về những kẻ nhẫn tâm bán con gái mình sang Trung Quốc, bà Phái cho biết, sự việc xảy ra cũng đã lâu, hơn thế nữa không biết kẻ bán con mình là ai nên không làm đơn tố cáo lên cơ quan chức năng. Nhưng bà muốn báo chí đưa tin để cảnh báo những cô gái nhẹ dạ cả tin không mắc bẫy những kẻ buôn người.

Ông Bùi Xuân Lĩnh, Chủ tịch UBND xã Võ Liệt cho biết: Sau khi nhận được thông tin chị Phạm Thị Hằng trở về sau 18 năm lưu lạc ở Trung Quốc, UBND xã đã cử cán bộ các ngành, đoàn thể xuống thăm hỏi, động viên, tư vấn cho gia đình các thủ tục cần thiết.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.