Xã hội

Nước mắt người cha hiến tạng con trai duy nhất cứu 7 người

29/11/2020, 06:56

Nghĩa cử cao đẹp của người cha hiến tạng con trai duy nhất bị chết não do TNGT để cứu người chịu không ít lời đàm tiếu từ hàng xóm, láng giềng.

img
Đại diện Ban ATGT tỉnh Hải Dương thăm hỏi, tặng quà gia đình ông Sang trong dịp tưởng niệm nạn nhân TNGT, tháng 11/2020

Hơn 1 năm sau ngày đau đớn hiến tạng người con trai duy nhất bị TNGT để cứu nhiều người, ông Nguyễn Văn Sang (thôn Lương Xá, xã Kim Lương, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương) vẫn phải gạt nước mắt khi nghĩa cử cao đẹp của ông lại chịu không ít lời đàm tiếu từ hàng xóm, láng giềng…

Nỗi đau người cha hiến tạng con

Cuối tháng 11/2020, về thôn Lương Xá, xã Kim Lương, Kim Thành, Hải Dương hỏi ông Sang, một người dân đã hỏi lại chúng tôi: “Tìm nhà ông Sang bán thận con à?”.

Trong căn nhà tuềnh toàng cuối ngõ nhỏ, thấy có khách vào, ông Sang cất giọng nặng nề: “Họ lại bảo tôi bán tạng con hả chú”. Ở góc sân, người phụ nữ ngoài 60 tuổi ngước mắt nhìn chằm chằm khách, rồi lặng lẽ cúi xuống, tiếp tục công việc thái bèo nuôi lợn.

Ông Sang thở dài: “Đó là vợ tôi, mẹ cháu Dương. Bà ấy vốn mắc bệnh thần kinh, từ ngày cháu Dương mất bệnh ngày càng nặng, cả ngày chỉ lầm lì, chẳng nói chuyện với ai”.

Nhắc đến cậu con trai duy nhất đã mất, ông Sang ứa nước mắt. Ông và bà Vũ Thị Sơn cưới nhau khi cả hai đều ngoài 40 tuổi. Vì vậy, cậu con trai Nguyễn Hồng Dương (SN 1999) khoẻ mạnh, khôi ngô chào đời là báu vật, niềm tự hào của đôi vợ chồng già.

Không chỉ đẹp trai, Dương còn hiếu thảo, ngoan ngoãn. Thấy bố mẹ già yếu, nhất là mẹ có bệnh, học hết cấp 3, Dương xin đi làm công nhân phụ giúp gia đình.

Những người nhận tạng thì chưa ai trực tiếp đến thăm được, chỉ thấy người nhà đến thắp hương, hứa khi nào người nhận tạng khoẻ mạnh sẽ đến. Tôi mong có người đã nhận tạng đến được đây, để tôi được nhớ lại hình bóng của con qua những phần cơ thể con còn ở lại.
Ông Nguyễn Văn Sang


“Hôm đó là ngày 10/8/2019, Dương đi làm về được bạn rủ ra sân vận động xã xem cắm trại. Hơn 19h, tôi nhận được tin con bị TNGT. Thấy con da dẻ hồng hào, xây sát không lớn, cứ nghĩ con chỉ bị qua loa, ai ngờ đưa con lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Dương đã hôn mê sâu, các bác sĩ bảo đưa về nhà lo hậu sự”, ông Sang nghẹn lời.

“Còn nước còn tát”, ông Sang cùng mọi người quyết định đưa Dương lên Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức. Chiều 11/8, bác sĩ Bệnh viện Việt Đức thông báo kết quả hội chẩn lần 1 cho thấy Dương đã chết não, không còn khả năng cứu chữa.

Tin dữ khiến ông Sang ngồi sụp xuống, nước mắt cứ thế chảy ra. Nhiều người thân khuyên ông Sang đưa con về, nhưng ông nhất định ngồi đó, nắm chặt tay con vỗ về như tin vào phép màu nhiệm. Tuy vậy, các kết quả hội chẩn lần 2, rồi lần 3 đều giống lần 1, dập tắt mọi hy vọng của người cha già...

“Tôi phải chấp nhận sự thật. Tôi chuẩn bị đưa con về lo hậu sự thì các bác sỹ ở Bệnh viện Việt Đức tới đặt vấn đề hiến tạng con tôi cho y học. Các bác sỹ nói con tôi chết đi khi còn quá trẻ, các bộ phận tạng trong cơ thể con tôi rất khỏe mạnh, có thể cứu được nhiều người”, ông Sang kể.

Lúc đó, ông Sang rối như tơ vò. Vợ ông ở nhà vốn đã sẵn bệnh thần kinh, từ lúc nghe tin con gặp nạn thì lúc tỉnh lúc mê, nên ông phải là người quyết định. Xưa nay, ông cũng như hầu hết mọi người thân thiết, hàng xóm láng giềng đều quan niệm “chết phải toàn thây”.

Nhưng khi đọc tờ hướng dẫn thủ tục đăng ký hiến mô, tạng cứu người, ông chợt nghĩ con đã không cứu được rồi, trong khi rất nhiều người đang trong hoàn cảnh chờ chết, tại sao ông không thể giúp con làm một việc nghĩa cứu người.

Ông hỏi người cháu cùng chăm sóc Dương trong viện và người cháu nói: “Đó là việc phúc. Như vậy thì em nó vẫn sẽ được sống tiếp trên thế gian này, làm được nhiều việc phúc. Đau thì đau thật nhưng cháu nghĩ là chú nên”.

Ông Sang chạy ra ngoài, ngồi lặng. Nghĩ đến việc sẽ rút ống thở cho cậu con trai da thịt vẫn đang tươi hồng trong kia khiến lòng ông thắt lại, khóc không thành tiếng. Gần 2 tiếng trôi qua, ông Sang quyết định đặt bút ký vào đơn hiến tạng. Mọi người trong phòng đều rơi nước mắt.

Chiều 12/8/2019 cuộc chạy đua của 300 y, bác sỹ diễn ra quanh 7 bàn mổ. Trước đó, nhiều bệnh nhân từ khắp nơi như TP Hồ Chí Minh, Nghệ An, Hà Nội, Hưng Yên nhận được thông báo lập tức có mặt tại Bệnh viện Việt Đức để thực hiện ghép tạng từ cơ thể anh Dương.

Toàn bộ mô, tạng: tim, phổi, gan, 2 thận, 2 giác mạc và 9 gân của anh Dương đã được hiến cho y học cứu người. Ngay trong ngày 12/8/2019, những lá phổi, thận, giác mạc đã được các bác sỹ làm việc liên tục trong 15 tiếng, ghép tạng cho 7 người. Một số bộ phận khác trong cơ thể anh Dương tiếp tục được lưu giữ, ghép tạng cứu thêm nhiều người nữa.

Chỉ mong ấm lòng người ở lại

img
Ông Nguyễn Văn Sang bên di ảnh con trai

Thế nhưng, khi lo ma chay xong cho con, ông Sang mới tĩnh tâm nghe được vài lời thị phi của chính hàng xóm, láng giềng và cả vài người trong họ mạc xì xào về chuyện ông “bán” tạng con. Có người còn hỏi thẳng: “Bán thận con được nhiều tiền không?” khiến lòng ông đau nhói.

“Tôi mất con đã đau lắm rồi. Khi quyết định hiến tạng con cho y học, tôi luôn suy nghĩ rằng con mình mất đi, thôi thì hiến tạng con để những bộ phận trong cơ thể con mình còn sống, giúp được nhiều người khác. Những ngày ở Bệnh viện Việt Đức, tôi nghe các bác sỹ nói về nhiều trường hợp thương tâm bị suy thận, bị mù, viêm phổi nặng điều trị hàng mấy năm trời không khỏi. Thử hỏi, những gia đình có con, em bị bệnh triền miên như thế thì lấy đâu ra tiền mà đưa cho tôi. Miệng lưỡi người đời độc địa quá, gần năm qua tôi cũng hạn chế chẳng muốn tiếp xúc nhiều vì chỉ sợ lại có người nói ra những câu xát muối vào lòng mình”, ông Sang trải lòng.

Tuy nhiên, điều ông Sang thấy như được an ủi là đã có người từ TP. Hồ Chí Minh, Nghệ An, Hưng Yên tới thắp hương, cảm ơn vì nhờ có tạng của anh Dương mà con, em họ khỏi bệnh, khỏe mạnh. Nhưng những chuyến viếng thăm nghĩa tình đó cũng bị một số người ác khẩu dị nghị. Có người còn hỏi ông Sang: “Họ thăm thế chắc cho nhiều tiền lắm nhỉ?”.

“Con đã mất rồi, tôi thật lòng chỉ mong những người nhận tạng mạnh khoẻ, sống có ích. Cứ nghĩ những bộ phận trong cơ thể con tôi khỏe mạnh trong cơ thể những người được hiến là tôi ấm lòng rồi. Giờ tôi đi phụ hồ xây dựng kiếm tiền nuôi vợ, thôi thì vợ chồng già nương tựa vào nhau. Chỉ mong sao bà ấy nguôi ngoai nỗi đau mất con, để bệnh tật đỡ hơn, chứ bà ấy cứ thế kia, thương lắm…”, người đàn ông ngoài 60 buồn buồn nói.

Nhờ lá phổi của Nguyễn Hồng Dương trao tặng, bệnh nhân Nguyễn Văn Khương (38 tuổi, ở Chương Mỹ, Hà Nội) đã bình phục sức khoẻ. Bà Nguyễn Thị Điển, mẹ của bệnh nhân Khương xúc động cho biết: “Con tôi đã được sinh ra lần thứ 2. Không biết nói gì hơn, gia đình tôi vô cùng cảm ơn các bác sĩ, cảm ơn gia đình người hiến tạng đã trao lại sự sống cho con tôi thêm lần nữa”, bà Điển xúc động chia sẻ.

Từ khi được 8 tháng, anh Khương đã liên tục phải đi viện vì viêm phế quản, ho suyễn, viêm phổi. Sức khoẻ anh Khương cứ kém dần vì phổi suy yếu khiến anh không thể tự thở hay đi lại, lúc nào cũng phải dùng máy thở. Trước khi được ghép phổi, anh Khương bị giãn toàn bộ phế quản giai đoạn cuối, nếu không ghép, bệnh nhân sẽ phải dùng máy thở và có tiên lượng sống dưới 1 năm.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.