Chiều 21/3, tập sách "Chân trời gọi nắng" được ra mắt tại Hà Nội nhân kỷ niệm 1 năm ngày mất của nhạc sĩ Hồng Đăng. |
Sách do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành. Người trực tiếp biên soạn là kỹ sư Lê Anh Thúy - người vợ tận tụy gắn bó với nhạc sĩ Hồng Đăng những năm cuối đời. |
Trong tập sách “Chân trời gọi nắng”, ngoài những bài viết của đồng nghiệp về nhạc sĩ Hồng Đăng, còn có những bài viết của ông về đồng nghiệp và về những hoạt động âm nhạc Việt Nam. |
Xúc động chia sẻ tại buổi ra mắt, bà Lê Anh Thúy không quên gửi lời tới các đơn vị, văn nghệ sĩ và gia đình, các con của nhạc sĩ Hồng Đăng đã giúp đỡ bà hoàn thiện cuốn sách chỉ trong một năm. |
"Khi dọn nhà, tôi tìm thấy những di cảo, những ký ức của anh - mà chính tôi cũng không hiểu anh đã đau đớn, khó khăn như thế nào để làm nghề một cách chân chính. Tôi nghĩ mình sẽ làm một cuốn sách để cho mọi người thấy rằng, ông ấy đã sống như thế, ông ấy đã làm được những điều như thế và con người ông ấy là như thế", bà Lê Anh Thúy tâm sự. |
Nhạc sĩ Nguyễn Đức Trịnh - Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam nói rằng, việc ra mắt cuốn sách là điều ý nghĩa để tưởng nhớ nhạc sĩ Hồng Đăng. |
Là người đồng nghiệp thân thiết, PGS. TS Nguyễn Thế Kỷ - Chủ tịch Hội đồng Lý luận văn học, nghệ thuật Trung ương nhắc nhiều về truyền thống văn hóa cách mạng của gia đình nhạc sĩ Hồng Đăng. Kể về kỷ niệm đặc biệt, ông Nguyễn Thế Kỷ cho biết, vào ngày 1/1 hàng năm - ngày sinh của nhạc sĩ, anh em văn nghệ sĩ đều tụ họp đông đủ, tâm sự với nhau. Thói quen này được kéo dài hàng chục năm trời, đến khi sức khỏe ông yếu đần vào ngày đầu năm ngoái. |
Biên kịch Trịnh Thanh Nhã bật khóc khi kể về những kỷ niệm giữa chồng bà - nhà biên kịch Lê Phương và nhạc sĩ Hồng Đăng: "Cả hai đều là người quảng giao, nhiều bạn bè ồn ào. Nhưng khi ngồi với nhau, giữa đám đông ồn ào, họ đều im lặng, thỉnh thoảng mới "đá" một vài câu hài hước. Thật khó để nói cả hai gắn kết với nhau bởi thứ gì, ngoài tài tử vi. Họ giống nhau về quan điểm cuộc sống, con người thông qua tử vi. Trong quan hệ bạn bè, hai người chưa bao giờ phán xét về nhau. Họ chấp nhận bạn bè của nhau, gia đình của nhau, như chính họ vậy". |
Khả năng xem tử vi, tướng số của ông cũng để lại nhiều ký ức khó quên với NSƯT Thanh Tú: "Khi tôi còn đang nổi tiếng lắm, anh có nói với tôi rằng: "Em không phải làm nghề này đâu". Lúc đó, tôi còn hỏi, anh có đổi ngày sinh của tôi không mà nói như vậy. Ông đáp: "Em đi tu và em làm giáo viên, cứ sống hết đời đi sẽ thấy như thế. Và bây giờ đúng là như thế. Tôi thích xem tử vi nên thường đứng đầu đường chờ anh, rồi rủ anh ra gần vườn hoa để hỏi chuyện. Gặp anh nhiều quá, tôi nói với anh: Ông còn đùa tình gian lý gian |
Nói thêm về con người của nhạc sĩ Hồng Đăng, nhạc sĩ Thụy Kha bày tỏ: "Nhạc sĩ Hồng Đăng là con người có "tâm Bồ Tát", luôn nghĩ cho anh em nhạc sĩ rồi mới đến mình. Ông làm mọi thứ để đảm bảo điều kiện cuộc sống của anh em, tự mình kêu gọi, lo toan kinh phí trang trải từng cuộn băng cassette, từng quyển sách để chúng tôi có có điều kiện sáng tác tốt nhất". |
Chơi với nhau gần nửa thế kỷ, nhà văn Ngô Thảo lặng lẽ ngồi quan sát trong ngày ra mắt cuốn sách "Chân trời gọi nắng". Khi được mời lên phát biểu, người đàn ông ngoài 80 tuổi bật khóc khi kể, mới đêm qua thôi, ông đã "gặp" Hồng Đăng. "Đăng nhờ tôi thay mặt cảm ơn mọi người, gia đình. Ở nơi xa, Đăng rất vui vẻ, cảm động khi nhận được những tình cảm này của mọi người". |
Lắng nghe chia sẻ của các nghệ sĩ, nhiều người không giấu được xúc động khi ôn lại kỷ niệm về nhạc sĩ Hồng Đăng. |
Đan xen các phần chia sẻ của nghệ sĩ, các ca sĩ Đào Tố Loan, Thanh Thâm, Vũ Thắng Lợi,... thể hiện các nhạc phẩm nổi tiếng của ông như: "Biển hát chiều nay", "Hoa sữa"... |
Ca sĩ Thanh Tâm khoe giọng mượt mà với ca khúc "Hoa sữa". |
Những giai điệu làm "sống" lại kỷ niệm đẹp của nhiều thế hệ, bạn bè về người nhạc sĩ tài hoa. |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận