Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2020 diễn ra không êm đềm, thậm chí có thể chuyển biến theo nhiều kịch bản phức tạp khi ông Donald Trump không chấp nhận kết quả bầu cử, gửi đơn kiện và yêu cầu kiểm lại phiếu. Từ nay đến hạn chót là ngày nhậm chức của Tổng thống (20/1/2021), câu hỏi được dư luận quan tâm là tiến trình chuyển giao quyền lực sẽ diễn ra thế nào và ai chịu trách nhiệm điều hành đất nước.
Trump là ông chủ Nhà Trắng trong hơn 2 tháng nữa
Dù theo dự báo của truyền thông Mỹ dựa trên số phiếu phổ thông, ông Donald Trump đã thất bại trong cuộc đua Tổng thống 2020 nhưng từ nay tới khi có kết quả cuối cùng, luật pháp của Mỹ quy định, ông Trump vẫn có trách nhiệm điều hành đất nước và giữ vị trí Tổng tư lệnh quân đội Hoa Kỳ trong hơn 2 tháng nữa.
Một số kênh truyền thông như The New York Times cho rằng, ông Trump có thể tận dụng những ngày cuối cùng tại nhiệm để chống đối và bác bỏ kết quả bầu cử, thay vì lặng lẽ chấp nhận và phối hợp với các bên liên quan thực hiện tiến trình chuyển giao quyền lực.
Thậm chí, tờ báo này cho rằng, ông Trump có thể sử dụng quyền lực của mình nếu cần để tìm cách trả đũa các đối thủ, thậm chí sa thải một số quan chức cấp cao thất bại trong những nhiệm vụ quan trọng mà ông đã giao phó.
New York Times kể ra một số cái tên như Giám đốc Cơ quan Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) Christopher A.Wray hay chuyên gia về dịch tễ hàng đầu của Chính phủ Mỹ Anthony S.Fauci…
Ngay đầu tuần này, ông Trump bất ngờ sa thải Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper - một người có không ít quan điểm bất đồng với ông Trump. Hiện chưa rõ sự kiện này có liên quan tới nhận định trên hay không.
Một quan chức quốc phòng Mỹ giấu tên cho biết, ông Esper nhận được thông tin động trời từ Chánh văn phòng Nhà Trắng Mark Meadows chỉ vài phút trước khi Tổng thống Trump chính thức công bố thông tin trên Twitter.
Đảng Dân chủ chỉ trích rằng, hành động của ông Trump đã truyền tải thông điệp nguy hiểm đến các quốc gia đối địch của Mỹ và gây ảnh hưởng tới quá trình chuyển giao quyền lực một cách có trật tự trong trường hợp ông Joe Biden chính thức đắc cử.
Sau sự việc trên, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi cũng bày tỏ quan điểm tương tự New York Times. Bà cho rằng: “Đây là bằng chứng cho thấy, Tổng thống Trump sẽ tận dụng những ngày cuối cùng tại Nhà Trắng để gây rối loạn”.
Đã khởi động chuyển giao quyền lực từ 6 tháng trước
Mặc dù Tổng thống Trump phản đối kết quả bầu cử, đồng thời các thủ tục pháp lý, kiểm duyệt liên quan chưa ngã ngũ nhưng cuộc chuyển giao quyền lực tại Nhà Trắng đã được “lên dây cót” từ rất lâu.
Từ tháng 4 năm nay, Nhà Trắng bắt đầu hướng dẫn một số cơ quan liên quan khởi động tiến trình chuyển giao quyền lực, phòng trường hợp ông Trump không tái đắc cử Tổng thống và một ứng viên mới chiến thắng.
Theo đó, ông Russell Vought, quyền Giám đốc Văn phòng Quản lý và Ngân sách Nhà Trắng đã phát đi bản ghi nhớ, yêu cầu hàng chục cơ quan bổ nhiệm Giám đốc chuyển đổi.
Theo Luật Chuyển giao Tổng thống Mỹ, mỗi Giám đốc cơ quan sẽ thành lập một Hội đồng Giám đốc Phụ trách Chuyển giao (hạn cuối là ngày 27/5), chịu trách nhiệm sáng tạo chiến lược, giải quyết những thách thức và trách nhiệm liên ngành trong thời gian chuyển đổi giữa hai nhiệm kỳ, điều phối mọi hoạt động và chuẩn bị nhân viên để bổ sung vào các vị trí cụ thể.
Thông thường chính quyền mới sẽ phải cải tổ tổng cộng 2.800 vị trí công việc ngay sau ngày bầu cử. Tổng thống đắc cử phải vạch rõ ai sẽ là trợ lý phụ trách từng vấn đề giúp ông điều hành đất nước, theo tờ Bloomberg.
Đến thời điểm này, tờ Business Insider dẫn một số nguồn thạo tin dự đoán, khả năng cao ông Joe Biden sẽ bổ nhiệm một người rất thấu hiểu Nhà Trắng, đó là ông Ron Khain (59 tuổi) vào vị trí Chánh Văn phòng Nhà Trắng, nắm quyền lực lớn thứ 2 trong Chính phủ liên bang.
Khi được bổ nhiệm, ông Khan sẽ quản lý khoảng 4.000 trợ lý chính trị của ông Biden, góp ý cho ông chủ Nhà Trắng trong gần như mọi quyết định chính trị.
Lo ngại chính trị rối ren, ảnh hưởng tới kinh tế trong bối cảnh nước Mỹ đã quá rệu rã vì dịch bệnh Covid-19, rất nhiều Giám đốc điều hành các tập đoàn lớn trong ngành công nghiệp Mỹ đều đồng loạt kêu gọi giới chức hãy thực hiện cuộc chuyển giao quyền lực một cách êm đẹp, tránh ảnh hưởng tới nền kinh tế.
Tờ Financial Times dẫn lời ông Jamie Dimon, Giám đốc điều hành JPMorgan Chase, ngân hàng lớn nhất của nước này xét về khối lượng tài sản cho biết: “Nhà Trắng đương nhiệm cần phải tôn trọng kết quả bầu cử Tổng thống. Như mọi cuộc bầu cử, chúng tôi tôn trọng quyết định của cử tri, ủng hộ cuộc chuyển giao quyền lực trong hoà bình”.
Tỷ phú, nhà quản lý quỹ đầu tư, ông Bill Ackman kêu gọi Tổng thống Trump hãy thừa nhận thua cuộc. “Hãy nghĩ đến di sản mà ông đã để lại và những điều tốt nhất cho nước Mỹ. Hãy nhượng bộ một cách khoan dung và kêu gọi toàn bộ những người ủng hộ ông đoàn kết”, ông Ackman nói.
2 điều kiện để khiếu kiện thành công
Để có thể khiếu kiện kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ 2020 thành công, số phiếu liên quan đến vụ kiện cần hội tụ 2 điều kiện. Theo đó, số phiếu phải đủ lớn để xác định kết quả của bang (chẳng hạn, một vụ kiện liên quan đến 50.000 phiếu bầu ở một bang mà một ứng cử viên giành được 30.000 phiếu); Thứ hai, số phiếu này có khả năng quyết định kết quả bầu cử.
Nhìn từ hàng loạt vụ kiện mà chiến dịch của ông Donald Trump đã đệ trình kể từ ngày 3/11, bối cảnh pháp lý sau bầu cử dường như không khả quan cho đương kim Tổng thống Mỹ. Trong những ngày qua, chiến dịch đã đệ trình đơn kiện lên tòa án các bang Pennsylvania, Nevada, Michigan và Georgia. Hầu hết các trường hợp này cố gắng thúc đẩy quyền tiếp cận nhiều hơn vào quá trình kiểm phiếu và cáo buộc mà không có bằng chứng cho thấy những lá phiếu gian lận. Các thẩm phán ở Michigan, Nevada và Georgia đã bác bỏ chung cả ba trường hợp. Các cuộc kiểm phiếu trước đây ở Mỹ đa phần cũng thường chỉ làm thay đổi tổng số phiếu bầu tại các bang có khiếu kiện ở con số hàng trăm.
Hòa Bình
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận