Dự thảo Luật Bảo đảm trật tự ATGT của Bộ Công an
Tại dự thảo Luật Bảo đảm trật tự ATGT vừa được Chính phủ trình Quốc hội, Bộ Công an Việt Nam đã đề xuất sửa đổi, bổ sung một số quy tắc giao thông.
Theo đó, người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ tham gia giao thông phải chú ý bảo đảm an toàn cho trẻ em, người già, người khuyết tật, người đi bộ và người điều khiển phương tiện giao thông thô sơ đường bộ. Đáng chú ý, dự thảo quy định trẻ em dưới 12 tuổi không được ngồi ghế trước và trẻ em dưới 4 tuổi phải có ghế chuyên dụng.
Cụ thể, tại Khoản 4 Điều 7 về quy tắc giao thông đường bộ quy định: Trẻ em dưới 12 tuổi hoặc dưới 1,35 mét được chở trên xe ô tô chở người không được ngồi hàng ghế trước (vị trí cạnh người lái xe) khi tham gia giao thông đường bộ, trừ trường hợp đối với xe chỉ có một hàng ghế.
Đối với trẻ em dưới 4 tuổi, Dự thảo quy định phải được chở bằng ghế thiết kế dành cho trẻ em. Người lái xe có trách nhiệm kiểm tra, hướng dẫn việc thắt dây an toàn cho trẻ em.
Tìm hiểu thông tin này ở nhiều quốc gia, phóng viên báo Giao Thông ghi nhận, ở hầu hết các quốc gia phát triển, đặc biệt là ở châu Âu và Mỹ, trẻ em dưới 12 tuổi bắt buộc phải ngồi ở hàng ghế sau của ô tô.
Quy định bắt buộc với trẻ dưới 12 tuổi
Ở các nước này, luật quy định về chỗ ngồi rất cụ thể đối với từng đối tượng trẻ em dưới 12 tuổi. Ví dụ, tại Mỹ, luật an toàn giao thông quy định:
Trẻ em từ 2 đến 4 tuổi bắt buộc phải ngồi ghế gấp dạng nôi chuyên dụng quay mặt về phía sau (REAR – FACING CAR SEAT) ở hàng ghế sau; Trẻ từ 4 đến 7 tuổi phải ngồi trong ghế gấp chuyên dụng quay mặt về phía trước (FORWARD – FACING CAR SEAT) ở hàng ghế sau.
Trẻ từ 7 đến 10 tuổi phải ngồi ghế gấp an toàn bổ sung (cho vừa gọn ghế của người lớn – BOOSTER SEAT) ở hàng ghế sau; Trẻ từ 10 đến 12 tuổi phải được thắt dây an toàn khi ngồi ở hàng ghế sau.
Luật pháp tại các bang của Hoa Kỳ quy định, khi trẻ đạt chiều cao 4 foot 9 inch (tức là khoảng trên 1m44cm), các bậc phụ huynh có thể cho con em mình thắt dây an toàn khi ngồi ghế sau. Theo tính toán, 1m44cm là chiều cao trung bình khi trẻ em Mỹ ở độ tuổi từ 10 đến 12.
Tất nhiên là cũng có các trường hợp trẻ cao lớn, thậm chí nhỏ bé hơn so với độ tuổi trung bình của trẻ em khi tham gia giao thông trên xe hơi cùng cha mẹ và nhiều trường hợp mắc bệnh bẩm sinh, hiếm gặp... nhưng pháp luật cũng quy định rõ trường hợp nào được ưu tiên, trường hợp nào cần được hỗ trợ.
Khi tuần tra, kiểm soát giao thông, đối với các trường hợp nghi ngờ khai gian lận tuổi của trẻ em, các sỹ quan cảnh sát có thể kiểm tra bằng nhiều cách, ví dụ như quan sát tầm vóc trẻ bằng mắt thường, kiểm tra thông tin trên mã số định danh của cha mẹ, yêu cầu cung cấp thẻ học sinh – các tài liệu liên quan, thậm chí là hỏi tách biệt để kiểm tra độ trùng khớp về các thông tin mà phụ huynh khai báo...
Tại Hoa Kỳ, quy định về ghế ngồi với trẻ em nói trên là bắt buộc, bất kể quãng đường di chuyển là ngắn hay dài. Các lỗi vi phạm liên quan đến quy định về ghế ngồi đảm bảo an toàn cho trẻ em trên xe ô tô cũng được cụ thể hóa rất rõ ràng.
Các hình phạt và mức được quy định ở mỗi bang có thể khác nhau đôi chút nhưng về tổng thể không có nhiều khác biệt lớn. Người vi phạm có thể bị phạt tiền từ 10 đến 500 USD, tùy vào tính chất và mức độ của hành vi vi phạm.
An toàn cho trẻ em
Khuyến cáo của Trung tâm Ngăn Ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh và cơ quan an toàn giao thông của Mỹ cho hay, bất cứ khi nào tham gia giao thông, người lớn phải đảm bảo trẻ em từ 12 tuổi trở xuống luôn được ngồi trên ghế chuyên dụng hoặc thắt dây an toàn ở ghế sau trên xe hơi, tùy theo cân nặng, chiều cao và độ tuổi của trẻ.
Tại Hoa Kỳ, va chạm xe cơ giới là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ em. Trong năm 2018, có 636 trẻ em từ 12 tuổi trở xuống ở Mỹ đã thiệt mạng trong các vụ va chạm giao thông cơ giới và hơn 97.000 trẻ em khác bị thương.
Trong số các trẻ em từ 12 tuổi trở xuống tử vong trong các vụ tai nạn vào năm 2018 (dù cha mẹ đã biết quy định và việc sử dụng dây an toàn), 33% không được cha mẹ thắt dây an toàn.
Các bậc phụ huynh, người giám hộ và các nhân viên chăm sóc trẻ em ở các cơ sở giáo dục, nuôi dạy trẻ có vai trò rất quan trọng bởi chính họ có thể tạo ra sự khác biệt trong việc đảm an toàn cho con em mình khi tham gia giao thông.
Trước đó, trong năm 2017, Mỹ cũng ghi nhận việc áp dụng nghiêm các quy định về chỗ ngồi đối với trẻ em trên các phương tiện cơ giới đã cứu sống thêm 325 trẻ em từ 4 tuổi trở xuống so với năm 2016.
Việc sử dụng ghế ngồi hợp lứa tuổi với trẻ nhỏ trên ô tô cũng đã được chứng minh giúp giảm 71–82% nguy cơ bị thương trong các vụ va chạm giao thông có trẻ em, khi so sánh với việc chỉ sử dụng dây an toàn.
Sử dụng hai loại ghế nâng FORWARD – FACING CAR SEAT và BOOSTER SEAT giúp giảm 45% nguy cơ chấn thương nghiêm trọng cho trẻ em từ 4–8 tuổi, khi so sánh với chỉ sử dụng dây an toàn.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận