Mực nước cao nhất 16 năm qua
Theo thông tin từ Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Hải Dương, từ ngày 9/9 - 11/9, trên các sông khu vực thượng lưu tỉnh Hải Dương sẽ xuất hiện một đợt lũ với biên độ lên từ 1-3m. Mực nước sông Thái Bình sẽ tiếp tục lên vượt mức báo động II và chưa dừng lại.
Lúc 7h sáng ngày 10/9, mực nước sông Thái Bình tại Phả Lại đạt 5,07 m, trên mức báo động II 0,07 m.
Đây là mực nước cao nhất ghi nhận trên sông này tại địa bàn tỉnh Hải Dương trong 16 năm qua.
Sông Kinh Thầy tại bến Bình mực nước đạt 3,71 m, trên báo động II 0,21m. Các sông vùng hạ lưu của tỉnh mực nước cũng đã vượt mức báo động I. Theo dự báo, mực nước sông Thái Bình có thể đạt 6m, ở mức báo động III vào sáng 11/9.
Trước thực trạng trên, sáng 10/9, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Hải Dương đã có công điện về việc phát lệnh báo động II trên hệ thống sông Thái Bình.
Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Hải Dương yêu cầu, các địa phương, các cấp, ngành triển khai lực lượng tuần tra đê điều theo cấp báo động, phát hiện và xử lý kịp thời mọi diễn biến hư hỏng của đê, kè ngay từ giờ đầu.
Chính quyền các địa phương thực hiện cảnh báo đến tất cả cấp và người dân để chủ động phòng, tránh; di chuyển ngay toàn bộ vật tư, phương tiện, thiết bị, tài sản khác ngoài bãi sông, trên sông để đảm bảo an toàn.
Người dân cần thu hoạch ngay các sản phẩm nông nghiệp ngoài bãi sông đã đến kỳ thu hoạch.
Đối với các hộ nuôi cá lồng trên sông, chính quyền Hải Dương đề nghị thu hoạch ngay cá nuôi, di chuyển các lồng về nơi an toàn; nếu không di chuyển được thì phải gia cố, đảm bảo an toàn cho lồng bè.
Chính quyền các địa phương và người dân triển khai các biện pháp bảo vệ diện tích nuôi trồng thủy sản ngoài bãi sông; giải tỏa các bến bãi vật liệu xây dựng, kinh doanh than, đóng tàu, các vật cản khác ngoài bãi sông để đảm bảo an toàn, thoát lũ sông.
Các địa phương thực hiện nghiêm túc tuần tra, canh gác, đảm bảo từng vị trí đê đều có người kiểm tra, chịu trách nhiệm; theo dõi chặt chẽ diễn biến đê điều, nhất là các vị trí xung yếu, các kè, bờ lở, các công trình tu bổ đê điều vừa hoàn thành, các cống qua đê; rà soát công tác chuẩn bị vật tư, phương tiện, nhân lực theo phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ; hậu cần tại chỗ) để xử lý ngay mọi tình huống có thể xảy ra, đảm bảo an toàn cho công trình.
Các lực lượng chức năng thực hiện cấm tất cả phương tiện đi trên đê trong thời gian báo động lũ, trừ các phương tiện làm nhiệm vụ; thực hiện phát quang mái đê, mặt đê để kịp thời phát hiện các sự cố rò rỉ, hư hỏng. Lực lượng chức năng thực hiện đóng kín các cống dưới đê.
Theo thống kê, Hải Dương hiện có 267 điếm canh đê thì trên hệ thống sông Thái Bình có 243 điếm, khoảng cách giữa các điếm canh đê từ 1 - 2km.
Ở cấp báo động I, lực lượng chức năng duy trì ngày 2 người và đêm 4 người canh gác, tuần tra đê; báo động II thì ngày 4 người và đêm 6 người; báo động III, ngày 6 người và đêm 12 người.
Chủ tịch UBND cấp huyện, Thủ trưởng các sở, ngành, cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh nếu chủ quan, lơ là trong lãnh đạo, chỉ đạo, chậm triển khai ứng phó với mưa lũ dẫn tới sự cố công trình, không kịp thời phát hiện gây sự cố nghiêm trọng, thiệt hại lớn về người và tài sản.
Lên phương án ứng phó trong trường hợp xảy ra sự cố về cầu
Theo ghi nhận của PV Báo Giao thông, từ sáng 10/9, các đơn vị chức năng tỉnh Hải Dương vẫn đang tiến hành các biện pháp nhằm bảo vệ hệ thống đê điều, cầu cống. Tổ chức ứng trực 24/24h trên hệ thống các tuyến đê trọng điểm.
Tại tuyến đê hữu sông Thái Bình qua địa bàn TP Hải Dương, mực nước trên sông đang tiếp tục dâng cao tràn vào các bến bãi, bến cảng nằm ven sông, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Hải Dương đã tiến hành gia cố, đắp chặn lối mở hướng ra đò Hàn để để phòng nước lũ xâm nhập, tràn vào trung tâm TP Hải Dương.
Nhằm bảo đảm an toàn giao thông và giảm thiểu rủi ro trong mùa lũ, trưa 10/9, Sở Giao thông vận tải Hải Dương đang phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan lập kế hoạch phân luồng giao thông để chủ động các phương án trong các trường hợp mực nước ở các sông dâng cao.
Cơ quan chuyên môn của sở đang phối hợp xem xét các yếu tố tình trạng cầu, khả năng chịu tải, và độ an toàn của cầu trong điều kiện nước lũ dâng cao. Đánh giá hiện trạng của cầu Bình, cầu An Thái và cầu Phú Lương.
Xây dựng kế hoạch phân luồng giao thông và thông báo cho các phương tiện lưu thông biết để tránh các khu vực có nguy cơ cao.
Thiết lập các biển báo và cảnh báo trước tại các điểm luồng giao thông chính để người lưu thông nắm rõ. Có phương án thực hiện các biện pháp kiểm soát tải trọng, xác định những thời điểm cần hạn chế giao thông, hoặc giới hạn tải trọng cho từng loại phương tiện.
Chuẩn bị các biện pháp ứng phó và các phương án ứng phó trong trường hợp có sự cố xảy ra như tốc độ nước chảy hoặc sự cố liên quan đến cầu. Đồng thời bảo đảm lực lượng ứng cứu sẵn sàng hoạt động khi cần thiết.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận