Quy định một đằng, làm một nẻo
Từ phản ánh người dân, những ngày trung tuần tháng 11/2020, PV Báo Giao thông trực tiếp ghi nhận công tác nạo vét đất cát trên sông Lại Giang (đoạn từ cầu Bồng Sơn cũ đến Bồng Sơn mới) rầm rộ không khác gì “đại công trường”, điểm mỏ khai thác cát.
"Xâu xé", chia nhỏ lòng sông nạo vét
Tháng 3/2020, Sở TN&MT cho biết đang tiến hành lập hồ sơ xử lý vi phạm khai thác khoáng sản với Công ty Thành Hương và yêu cầu UBND TX.Hoài Nhơn đánh giá toàn bộ hoạt động khai thác cát của các đơn vị trên sông Lại Giang từ năm 2015. Tuy nhiên, ngày 24/4/2020, UBND TX có Tờ trình 187 về việc xin nạo vét sông Lại Giang và chỉ 3 ngày sau, UBND Bình Định ra Văn bản 2674 chấp thuận, cho Thành Hường nạo vét sông Lại Giang đoạn cầu Bồng Sơn cũ đến cầu Bồng Sơn mới.
Ngày 14/9/2020, UBND TX.Hoài Nhơn ra văn bản 670 "chỉ định" 9 nhà thầu trúng thầu dự án Khu hành chính dịch vụ và dân cư tuyến đường Bạch Đằng được nạo vét sông Lại Giang. Trong đó, có 4 đơn vị đang bị Sở TN&MT lập hồ sơ xử lý vi phạm khoáng sản: Công ty Thành Hương, Công ty TNHH XD Nguyên Tín, Công TNHH XDTH Kim Thành, Công ty TNHH XD Hoàng Mạnh Tường).
Dù Bình Định đang cấm khai thác cát mùa mưa lũ, nhưng tại đây, ít nhất 3 mũi , với 6 máy múc cỡ lớn, “dàn trận” ngoạm gàu sâu xuống lòng sông, múc lên những thớ cát vàng đổ đầy ắp vào thành thùng có ngọn.
Gần 20 đầu xe tải logo Thành Hương, Nam Tiến tấp nập ra vào... Nhìn mắt thường cũng dễ dàng nhận thấy, các máy múc chọn vị trí bằng phẳng, chừa lại ụ nổi lẫn cỏ cây để tập trung múc đào. Một tài xế máy đào tại hiện trường cho biết, phải múc sâu để lấy lớp cát càng sạch, không lẫn đất. Cát càng sạch càng có giá trị.
Theo tìm hiểu của PV, dự án nạo vét sông Lại Giang được UBND tỉnh Bình Định, UBND TX.Hoài Nhơn “chỉ định” công ty TNHH Xây dựng Thành Hương (gọi tắt Công ty Thành Hương) làm đại diện chủ đầu tư (UBND TX. Hoài Nhơn). Dự án có chiều dài hơn 1km, tổng diện tích 17,7 ha, khối lượng nạo vét gần 275.000m3 đất cát nguyên sinh…
Theo Quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường số 4138/QĐ-UBND của UBND tỉnh Bình Định, để triển khai, Công ty Thành Hương phải xây dựng lán trại tạm, bãi tập kết cát; phương pháp nạo vét bắt đầu từ phía Tây Nam dự án, nạo vét theo lớp bằng từ thượng lưu về hạ lưu; sử dụng phương tiện 10 tấn để vận chuyển và chỉ chở cát khô đúng tải trọng, phủ bạt kín trong quá trình vận chuyển, không để ra vãi ra đường…
Nhưng việc nạo vét chủ yếu theo kiểu “chọn nạc bỏ xương, tìm cát vàng” khiến lòng sông Lại Giang bỗng chốc bị khoét sâu vài ba mét, nham nhở.
Chưa đầy 2 tiếng đồng hồ chiều 17/11, PV ghi nhận hàng loạt xe tải trọng trên dưới 15 tấn ra vào, vượt gấp 1,5-2 lần tải phương tiện quy định được tham gia vận chuyển.
Trắng trợn rút ruột tài nguyên
Đáng nói, theo quy định, toàn bộ số cát, đất nguyên sinh nạo vét sông Lại Giang chỉ được phục vụ dự án san lấp khu hành chính, dân cư Bạch Đằng, chỉ cách công trường nạo vét một con đường tiếp giáp... Thế nhưng không ít đoàn xe tải logo Thành Hương, Nam Tiến vô tư bẻ lái chạy thẳng ra QL1, về các bãi đổ thải trên P.Hoài Tân, Bùi Thị Xuân, Tam Quan cách đó chừng 15-20km. Suốt hành trình tuồn cát ra ngoài giữa thanh thiên bạch nhật, ngay trước trụ sở Thị ủy Hoài Nhơn, khu hành chính UBND thị xã... nhưng không gặp bất cứ sự kiểm tra, giám sát nào của các đơn vị chức năng.
Chiều 17/11, từ sông Lại Giang, PV bám theo xe tải BKS 77C-007.93 nhận đầy thùng cát nạo vét, thải nước xuống mặt đường, chạy ra quốc lộ về phường Tam Quan, rẽ trái vào đường Đào Duy Từ, trước khi dừng bánh ở bãi đổ đối diện trạm biến áp 110KV Tam Quan.
Cứ thế, nhiều xe tải khác nối đuôi nhau chạy đổ cát vào các bãi tập kết bên ngoài dự án san lấp. PV nhiều lần bám theo đoàn xe tải mang logo Nam Tiến, chở cát sông Lại Giang, về nơi tập kết ở đường Bùi Thị Xuân (phường Tam Quan, thị xã Hoài Nhơn).
Bên cạnh đó, theo phản ánh của người dân, ít nhất 2 điểm tập kết cát phía sau cửa hàng xăng dầu số 9 (thôn An Dưỡng, P.Hoài Tân) do Công ty Thành Hương, Nam Tiến tập kết, chất cao như núi...
Theo đánh giá, đây đều là “núi cát” sạch, dùng cho công trình xây dựng, nếu bán ra thị trường có giá trên dưới 180.000 đồng/m3. Bình thường để được cấp mỏ cát, các đơn vị khai thác mất chừng 2 năm làm thủ tục, đóng tiền cấp quyền, phí tài nguyên môi trường.
Nhưng với dự án nạo vét sông Lại Giang, chỉ cần 3 ngày sau khi UBND TX.Hoài Nhơn có tờ trình, ngày 27/4/2020, UBND tỉnh Bình Định ra Văn bản 2674 cho phép công ty Thành Hương được triển khai nạo vét sông Lại Giang.
Đến nay, Công ty Thành Hương mới nộp tạm ngân sách nhà nước 400 triệu đồng, nhưng hoạt động nạo vét không khác gì một điểm mỏ. Cát xây dựng từ sông Lại Giang ồ ạt tuồn ra các bãi tập kết bên ngoài. Nhà nước có nguy cơ thất thu thuế phí tài nguyên, doanh nghiệp hưởng lợi khủng do núp bóng dự án nạo vét, chênh lệch giữa phí tài nguyên cát xây dựng và đất cát san lấp công trình lên đến cả chục lần...
“Đá bóng” trách nhiệm?
Trao đổi với PV, Phó chủ tịch UBND TX. Hoài Nhơn Phạm Văn Chung khẳng định, nguồn đất cát nạo vét sông Lại Giang chỉ được phục vụ dự án san lấp khu hành chính, dân cư Bạch Đằng. Việc vận chuyển ra ngoài quốc lộ là sai quy định. Thị xã đã lập Tổ giám sát do ông Nguyễn Xuân Thao - Phó trưởng Phòng Kinh tế TX Hoài Nhơn làm tổ trưởng để kiểm tra, giám sát về vấn đề này. Ông Chung giới thiệu PV xuống làm việc với tổ trưởng tổ giám sát. Nhưng khi đến làm việc, Phòng kinh tế TX.Hoài Nhơn cho biết, ông Thao đi học cả tuần nay.
Ông Hồ Hưởng, Trưởng Phòng TNMT TX.Hoài Nhơn cho rằng, dự án nạo vét không phải là điểm mỏ nên không thuộc quản lý của phòng mà là thẩm quyền của chủ đầu tư, trực tiếp là Ban QLDA đầu tư xây dựng và Phát triển quỹ đất thị xã Hoài Nhơn.
Tuy nhiên, khi làm việc với PV, Giám đốc Ban QLDA đầu tư xây dựng và Phát triển quỹ đất thị xã Hoài Nhơn Trần Văn Thư lại cho rằng: nạo vét sông Lại Giang là dự án riêng, và được giao Công ty Thành Hương là đại diện chủ đầu tư. Ban không được quản lý việc nạo vét mà chỉ là chủ đầu tư dự án Bạch Đằng. Do đó việc quản lý nạo vét sông Lại Giang, chở cát đi đâu do Tổ giám sát thực hiện. Theo ông Thư, cát nạo vét lòng sông Lại Giang chỉ được sử dụng để phục vụ Khu hành chính, dân cư Bạch Đằng. Việc chở ra ngoài là trái quy định.
Trao đổi với Báo Giao thông, phía Công ty Thành Hương cho rằng: "Công ty đúng là đại diện cho đơn vị thi công Dự án cải tạo, nạo vét sông Lại Giang và thi công Khu hành chính, dân cư đường Bạch Đằng. Nhưng không chỉ Thành Hương, nhiều đơn vị thi công khác được Thị xã Hoài Nhơn "chia" lại để nạo vét cải tạo sông Lại Giang. Trong đó có công ty Nam Tiến...
Việc giải thích này chưa thỏa đáng, bởi theo các quyết định, chủ trương hiện này, Công ty Thành Hương ngoài danh nghĩa nhà thầu nạo vét còn đóng vai trò đại diện chủ đầu tư nạo vét sông Lại Giang nên không thể thoái trách nhiệm trước các dấu hiệu vi phạm trên.
Báo Giao thông tiếp tục thông tin đến bạn đọc vụ việc này!
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận