“Mua cho yên tâm mùa dịch bệnh”
Chị Nguyễn Bích Diệp (Thụy Khuê, Tây Hồ, Hà Nội) khoe vừa mua cho cả nhà 6 người mỗi người 1 “thẻ bảo hiểm Corona++” với phí bảo hiểm 200 nghìn đồng/người. Chị Diệp cho hay: “Giữa mùa dịch, đi đâu cũng thấy nhắc đến virus Corona, lo lắm. Tôi vẫn phòng bệnh theo khuyến cáo của ngành y tế nhưng cũng chẳng biết thế nào. Hơn nữa, mức phí bảo hiểm không quá cao, 1,2 triệu cho cả gia đình nên đã quyết định mua luôn, thừa còn hơn thiếu”.
Tương tự, chị Nguyễn Thùy Linh (Ba Đình, Hà Nội) cũng quyết định mua gói bảo hiểm trên cho 4 người trong gia đình với quan điểm: “800 nghìn bằng một bữa ăn ngoài hàng. Nghe đại lý giới thiệu quyền lợi cũng tốt, dù chỉ là dự phòng. Mua là được yên tâm!”.
Qua khảo sát của PV Báo Giao thông, trong mùa dịch Corona hiện nay, nhiều hãng bảo hiểm trong và ngoài nước đã nhanh chóng tung ra các gói bảo hiểm hỗ trợ người tham gia không may nhiễm virus, nằm điều trị hoặc chẳng may tử vong vì căn bệnh này.
Ví như gói bảo hiểm Corona++ của Bảo hiểm PVI, số tiền bảo hiểm 100 triệu đồng/người/vụ và phí bảo hiểm 195 nghìn đồng/người/năm. Gói bảo hiểm này có phạm vi bảo hiểm với trường hợp tử vong do nhiễm virus Corona, do tai nạn và ốm bệnh thông thường… Hãng này cũng tung gói bảo hiểm Corona++2 với tiền bảo hiểm 100 triệu đồng/người/vụ và phí bảo hiểm là 330 nghìn đồng/người/năm. Với gói này, phạm vi bảo hiểm rộng hơn, bao gồm trợ cấp nằm viện 300 nghìn đồng/người/ ngày, tối đa 30 ngày/năm trong trường hợp chủ hợp đồng có kết quả xét nghiệm dương tính với virus Corona và phải nằm viện điều trị nội trú tại bệnh viện theo chỉ định của bác sĩ.
Trong khi đó, gói Corona Care của VASS được định phí với 200 nghìn đồng/người/năm. Quyền lợi bảo hiểm tối đa là 100 triệu đồng/người cho bất kỳ khách hàng có xét nghiệm dương tính với Corona sau thời điểm mua bảo hiểm mà không giới hạn độ tuổi.
Cũng khoảng thời gian này, Bảo hiểm Manulife Việt Nam bán qua sàn thương mại điện tử Shopee ba sản phẩm có giá lần lượt 199 nghìn đồng, 599 nghìn đồng và 999 nghìn đồng mỗi năm, dành cho đối tượng tham gia 18 - 40 tuổi. Khách hàng bị nghi hoặc đã xác định nhiễm Covid-19 sẽ được miễn thời gian chờ. Quyền lợi trợ cấp y tế được tính theo mức giá nằm viện tại khoa chăm sóc đặc biệt tương ứng 200 nghìn đồng/ngày, 400 nghìn đồng/ngày và 600 nghìn đồng/ngày lần lượt cho ba gói. Quyền lợi này vẫn được giải quyết riêng cùng với chi phí cách ly đã được Nhà nước hỗ trợ.
Ngoài ra, hàng loạt công ty bảo hiểm cũng tung các chính sách hỗ trợ với những hợp đồng bảo hiểm đã ký. Cụ thể, Prudential cho biết sẽ hỗ trợ tiền mặt lên đến 20 triệu đồng/người cho khách hàng của công ty nếu không may nhiễm Covid-19 kể từ ngày 6/2 đến hết 30/4/2020. Khoản hỗ trợ tương ứng với mức độ nghiêm trọng dựa trên số ngày nằm viện điều trị cách ly của khách hàng…
Còn Chubb Life cũng nhanh chóng bổ sung chính sách hỗ trợ điều trị đặc biệt với số tiền 30 triệu đồng/người áp dụng cho tất cả các khách hàng là người tham gia bảo hiểm hãng này. Khoản hỗ trợ được áp dụng với các hợp đồng bảo hiểm được phát hành từ ngày 31/12/2019 về trước và đang có hiệu lực tại thời điểm nhập viện điều trị.
Lợi dụng để “ăn theo”, đánh bóng thương hiệu?
Trao đổi với PV Báo Giao thông, bà Nguyễn Mỹ Hạnh, đại diện VASS cho hay, chỉ sau 2 tuần ra mắt, hiện App LIAN- bảo hiểm 24/7 đã được tải về và cài gần 500 nghìn lượt. Thông qua đó, hàng nghìn đơn hàng đã được chốt ký. Tương tự, đại diện Bảo hiểm PVI cũng thông tin: “Chỉ trong thời gian ngắn, khách hàng quan tâm rất nhiều tới Corona++. Ngoài khách hàng cá nhân, nhiều doanh nghiệp đã liên hệ mua sản phẩm cho cán bộ công nhân viên với số lượng hàng chục, thậm chí hàng trăm người. Hotline của Corona++ thường xuyên “cháy máy” kể cả chiều tối và cuối tuần bởi các cuộc gọi đến yêu cầu tư vấn chi tiết về sản phẩm”.
Trước ý kiến cho rằng, việc tung ra các gói bảo hiểm trong mùa dịch bệnh cũng là chiêu thức “đánh bóng” tên tuổi của các hãng bảo hiểm, bà Mỹ Hạnh chia sẻ: “Không nhằm vào mục đích lợi nhuận, cũng không “ăn theo”, không “lợi dụng” khó khăn của cộng đồng để mưu cầu bất cứ điều gì, Corona Care tận dụng nền tảng công nghệ vượt trội để kết nối mọi người cùng nhau chung tay chống lại dịch bệnh”.
Chỉ ra bằng chứng không lợi nhuận, đại diện VASS thông tin: Khi bệnh dịch kết thúc, số tiền chi trả nếu còn thừa thì sẽ được công ty dùng vào các mục đích hỗ trợ cho cộng đồng như: Các nghiên cứu về y tế, giáo dục, truyền thông cộng đồng về dịch bệnh… “Chúng tôi cho rằng, trong tình hình bệnh dịch còn diễn biến hết sức phức tạp, việc chung tay cùng cộng đồng để góp phần của mình vào đẩy lùi dịch bệnh không những là mong muốn mà còn là trách nhiệm của mỗi người”, bà Hạnh nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận