Các “đại gia” sản xuất xe hơi cao cấp của Đức như BMW và Tập đoàn Daimler (sở hữu thương hiệu xe Mercedes-Benz nổi tiếng), đang hợp tác trong nhiều lĩnh vực, gồm xe điện và công nghệ tự lái, để bắt kịp các đối thủ cạnh tranh từ Mỹ và Trung Quốc.
Thách thức từ thời đại công nghệ
Thách thức thế kỷ XXI đối với ngành sản xuất ô tô bao gồm dịch vụ chia sẻ xe, xe điện và xe tự lái. Trong khi các dịch vụ chia sẻ xe (như Uber hay Grab) tác động đến ngành này chủ yếu ở khía cạnh hành vi, thói quen người dùng, thì xe điện và xe tự lái lại đòi hỏi các nhà sản xuất ô tô truyền thống đầu tư nhiều vào yếu tố công nghệ.
Theo dự báo của Goldman Sachs, thị trường cho hệ thống hỗ trợ lái xe và phương tiện tự lái được dự báo sẽ đạt giá trị 96 tỷ USD vào năm 2025 và 290 tỷ USD vào năm 2035, tăng gấp nhiều lần từ con số khiêm tốn 3 tỷ USD được thống kê vào năm 2015.
Đây cũng là lý do chính khiến hai nhà sản xuất xe hơi hạng sang của Đức là BMW và Daimler vừa bắt tay cùng nhau phát triển các hệ thống hỗ trợ lái xe và công nghệ tự lái.
Sự hợp tác mới nhất giữa hai “đại gia” xe hơi từng là đối thủ cạnh tranh giành quyền thống trị trên thị trường ô tô hạng sang toàn cầu trước đây nhằm chia sẻ chi phí khổng lồ cho đầu tư thiết kế và phát triển công nghệ xe tự lái.
Trong tuyên bố chung, BMW và Daimler cho biết, hai bên đã quyết định hợp tác chiến lược và dài hạn nhằm tạo ra những công nghệ tiên tiến hơn nữa có thể áp dụng rộng rãi vào năm 2025.
Bước đầu, BMW và Daimler sẽ tập trung vào phát triển các hệ thống hỗ trợ lái xe cấp 3 và cấp 4 trong thang gồm 5 cấp độ của xe tự lái theo chuẩn của quốc tế SAE International. Tức là, dòng xe chung của hai hãng này sẽ không được trang bị công nghệ tự lái hoàn toàn ở cấp độ 5, thay vào đó, dòng xe mới sẽ phát triển tính năng hỗ trợ lái xe, đỗ xe và chế độ tự lái giới hạn trên đường cao tốc.
“Thay vì các giải pháp riêng lẻ, độc lập, chúng tôi muốn phát triển một hệ thống tổng thể đáng tin cậy”, ông Ola Kallenius, thành viên hội đồng quản trị của Daimler, người chuẩn bị tiếp quản vị trí Giám đốc điều hành hãng xe vào tháng 5 tới cho biết.
Đây được cho là câu trả lời đối với sự cạnh tranh ngày càng lớn từ các công ty có tiềm lực kinh tế lớn nằm ngoài lĩnh vực xe hơi truyền thống như: Tesla, Uber và Waymo. Nhà phân tích Jessica Caldwell của trang tin về xe hơi Edmunds cho rằng, liên minh các hãng xe có thể quyết định số phận của một số thương hiệu nổi bật nhất trên thế giới.
Liên minh dịch vụ di chuyển
Đây cũng không phải lần đầu hợp tác giữa hai đại gia BMW và Daimler. Chỉ 1 tuần trước đó, hai nhà sản xuất xe hạng sang của Đức đã thông báo gói đầu tư 1 tỷ euro (khoảng 1,1 tỷ USD) để hợp nhất và mở rộng xu hướng cung cấp một loạt dịch vụ di chuyển chung trong tương lai.
Khoảng 60 triệu người đang dùng 14 ứng dụng riêng biệt trong tương lai sẽ có thể sử dụng một bộ dịch vụ chung, bao gồm 5 thương hiệu: 2 dịch vụ đi chung xe DriveNow và Car2Go, dịch vụ gọi taxi MyTaxi, dịch vụ tìm bãi đỗ xe Park Now và tìm điểm sạc xe điện Charge Now.
“Quan hệ đối tác chưa từng có như vậy cho thấy ngay cả các đối thủ của nhau cũng nhìn thấy các vấn đề cấp bách trong nguồn lực vốn đầu tư khổng lồ và chuyên môn cần thiết để đáp ứng các thách thức trong tương lai của ngành công nghiệp xe hơi”, ông Stefan Bratzel thuộc Cơ quan Quản lý ô tô Đức nói với AFP.
Theo ví von của ông Bratzel, “việc các nhà sản xuất ô tô truyền thống trên thế giới bắt tay với các công ty công nghệ như Google hay Alibaba, các công ty dịch vụ di động như Uber và Didi cho thấy, xu thế kết nối mạng lưới, xây dựng hệ sinh thái liên kết các công nghệ khác nhau để cùng tồn tại”.
BMW đã hợp tác với Intel và Fiat trong dự án xe tự lái, trong khi Daimler liên kết với nhà cung cấp linh kiện Bosch, để thử nghiệm những chiếc xe tự lái trong năm nay tại Mỹ.
Trong thông báo mới nhất, BMW và Daimler đều cho biết các công ty công nghệ và nhà sản xuất ô tô khác có thể được mời tham gia dự án xe tự lái trong tương lai, trong khi các dự án hiện tại sẽ không bị ảnh hưởng.
Thế giới giao thông
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận