Tại các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội, hệ thống trung tâm đăng kiểm vẫn được duy trì hoạt động. Tuy vậy, do khó khăn trong việc di chuyển, rất nhiều phương tiện đang quá hạn đăng kiểm...
Pháp luật hiện chưa có quy định, cũng như chưa có hướng dẫn cụ thể nào về vấn đề này.
Một xe buýt Hà Nội, dù không được hoạt động trong thời gian giãn cách xã hội, đến đăng kiểm để khỏi quá hạn (Chụp tại Trung tâm Đăng kiểm 29-06V)
Nhiều chủ xe đi đăng kiểm được qua chốt kiểm dịch
Tuần đầu tháng 8/2021, chiếc ôtô con của gia đình anh Nguyễn Anh Tuấn (phường Đại Mỗ, Nam Từ Liêm, Hà Nội) chỉ còn vài ngày nữa đến hạn đăng kiểm định kỳ.
Song Hà Nội vẫn đang trong thời gian giãn cách xã hội nên anh băn khoăn không rõ có được mang xe đi đăng kiểm không.
“Tôi gọi điện hỏi, mấy trung tâm đăng kiểm gần nhà đều cho biết vẫn mở cửa nhưng họ không chắc việc xe ra đường gặp chốt chống dịch có phải quay đầu hay bị phạt không. Sau đó, tôi quyết định đưa xe đi đăng kiểm luôn, vì nếu hết thời gian giãn cách, xe quá hạn đăng kiểm, ra đường mà CSGT kiểm tra, khó tránh bị phạt”, anh Tuấn kể.
“Khi đi đến chốt phòng, chống dịch tại khu vực Mỹ Đình, tôi xuất trình giấy tờ đăng kiểm và được lực lượng tại chốt cho đi qua. Trên đường về, đến chốt khác cũng bị hỏi, song tôi cũng xuất giấy đăng kiểm mới toanh nên được cho đi”, anh Tuấn cho biết thêm.
Cùng tâm trạng, một số chủ xe cá nhân, tài xế xe tải nhỏ mà PV gặp tại Trung tâm Đăng kiểm 29-30D, 29-06V (Hà Nội) cũng chia sẻ nỗi lo trước đó không được qua chốt hoặc bị phạt khi đưa xe đi đăng kiểm.
“Công ty giao cho tôi mang xe đi đăng kiểm nếu không sẽ quá hạn. Nhưng xe biển số không phải ở Hà Nội, lại không chở mặt hàng thiết yếu nên thuộc diện phải dừng hoạt động. Trên đường đi chỉ lo bị phạt, cũng như không biết trung tâm đăng kiểm có nhận kiểm định không. Song việc đi lại, đăng kiểm đều thuận lợi”, anh Hùng, tài xế xe tải của một công ty sản xuất thiết bị điện ở Hà Đông, Hà Nội cho biết.
Trên một số diễn đàn mạng xã hội về ô tô và tài xế, không ít thành viên tại các tỉnh, thành phía Nam cũng chung thắc mắc, lo lắng nêu trên.
Ông Lê Hồ Tuấn, Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm 29-06V (Hà Nội) cho biết, đơn vị nhận được nhiều cuộc gọi của chủ xe hỏi về việc có đăng kiểm trong những ngày giãn cách xã hội hay không.
Tuy nhiên, lượng xe đến đăng kiểm trong thời gian này rất ít, chỉ bằng khoảng 1/4 so với những ngày trước đó.
Không có chủ xe đề nghị trợ giúp đăng kiểm lưu động
Dù vẫn được tạo điều kiện qua chốt đăng kiểm, tuy nhiên theo thống kê của Cục Đăng kiểm VN, hiện số phương tiện ô tô quá hạn đăng kiểm từ 1-3 tháng tại các địa phương đang giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 tăng rất nhanh.
Gần như địa phương nào cũng đến vài nghìn xe. Đơn cử, chỉ riêng xe con, Hà Nội hiện có hơn 5.000 xe quá hạn; TP HCM có hơn 7.500 xe, Bình Dương hơn 2.200 xe, Cần Thơ hơn 700 xe…
Ông Đặng Trần Khanh, Phó phòng Kiểm định xe cơ giới, Cục Đăng kiểm VN cho biết, từ khi các địa phương thực hiện giãn cách xã hội đến nay, hệ thống trung tâm đăng kiểm trên toàn quốc vẫn duy trì hoạt động ổn định, đảm bảo đáp ứng nhu cầu kiểm định phương tiện.
Cũng theo ông Khanh, từ đầu tháng 7/2021, Cục Đăng kiểm VN chỉ đạo các đơn vị đăng kiểm tiếp nhận, báo cáo ngay để giải quyết kiểm định lưu động cho các trường hợp phương tiện có nhu cầu đăng kiểm cấp thiết nằm trong khu vực cách ly, phong tỏa do dịch bệnh. Tuy nhiên, đến nay chưa có trường hợp nào đề nghị kiểm định lưu động.
Liên quan đến tình trạng gia tăng các xe quá hạn kiểm định, ông Khanh cho biết: “Chủ phương tiện cần căn cứ vào tình hình thực tế và quy định tại địa phương để chủ động nhất trong việc đưa phương tiện đi đăng kiểm, nhằm giảm các rủi ro do xe quá hạn đăng kiểm có thể gây ra”.
Xử lý thế nào với các xe quá hạn?
Các xe đến trung tâm đăng kiểm trong thời gian giãn cách xã hội đều được tiếp nhận kiểm định
Trao đổi với Báo Giao thông, Đại tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng Hướng dẫn tuyên truyền, điều tra, giải quyết TNGT, Cục CSGT (Bộ Công an) cho biết, các chủ phương tiện tham gia giao thông trước tiên phải tuân thủ quy định giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19. Trường hợp có công việc cấp thiết được ra đường, nhưng phải tuân thủ hướng dẫn của các bộ, ngành liên quan.
CSGT chỉ thực thi xử lý vi phạm giao thông theo quy định của Nghị định 100 và hướng dẫn của cấp có thẩm quyền. Hiện chưa có hướng dẫn xử lý thế nào đối với trường hợp xe quá hạn kiểm định trong thời gian giãn cách theo Chỉ thị 16.
“Cục CSGT sẽ báo cáo các cơ quan liên quan và trả lời sau về việc xử lý phương tiện đi đăng kiểm trong thời gian giãn cách xã hội hoặc quá hạn đăng kiểm do tuân thủ giãn cách xã hội để phòng, chống dịch”, Đại tá Nhật nói.
Ông Hoàng Thế Tùng, Vụ trưởng Vụ ATGT (Bộ GTVT) cũng cho biết, pháp luật có quy định về tình huống bất khả kháng như thiên tai, dịch bệnh…
Tuy vậy, thực tế cũng phát sinh vấn đề là phương tiện đi đăng kiểm trong thời gian giãn cách xã hội có phải là vấn đề thiết yếu hay không? Pháp luật chưa có quy định, cũng như chưa có hướng dẫn về vấn đề này.
Chúng tôi sẽ báo cáo Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 của Bộ GTVT để có phương án giải quyết, hướng dẫn cụ thể để vừa đảm bảo yêu cầu phòng, chống dịch bệnh, vừa không để xảy ra hiện tượng lợi dụng việc đăng kiểm phương tiện để vi phạm quy định về giãn cách xã hội.
Gần 20 trung tâm đăng kiểm phía Nam tạm dừng hoạt động
Theo Cục Đăng kiểm VN, tính đến ngày 4/8, có 19 trung tâm, chi nhánh đăng kiểm xe cơ giới tại TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Cần Thơ, Bà Rịa - Vũng Tàu, Phú Yên, Khánh Hòa và Bình Phước đang tạm dừng hoạt động và chưa xác định thời gian hoạt động trở lại để phòng, chống dịch Covid-19 (trước đó có 5 trung tâm, gồm 2 đơn vị tại TP HCM và 3 đơn vị tại Đà Nẵng tạm dừng và đã hoạt động trở lại từ 2/8/2021).
Dù vậy, do trên địa bàn các tỉnh, thành trên còn nhiều trung tâm đăng kiểm khác hoạt động nên vẫn đáp ứng nhu cầu kiểm định phương tiện.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận